Vượt khó để sản xuất vụ đông xuân

Năm 2020, toàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thiên tai kéo dài, cùng với đó là dịch tả lợn Châu Phi và COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Song với quyết tâm vượt khó của các cấp, ngành, chính quyền và người dân các địa phương nên sản xuất nông nghiệp trong năm vừa qua đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, chính quyền và người dân các địa phương đang tập trung sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021.

 Nông dân xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong tỉa dặm cho ruộng lúa - Ảnh: T.T

Nông dân xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong tỉa dặm cho ruộng lúa - Ảnh: T.T

Những ngày đầu xuân Tân Sửu, rất dễ bắt gặp cảnh nông dân cần mẫn tỉa dặm trên những cánh đồng lúa xanh mơn mởn thuộc huyện Triệu Phong. Từ ngày mồng 2 Tết, bà Nguyễn Thị Duyên ở Đội 2, thôn Linh An, xã Triệu Trạch đã cùng người thân ra đồng tỉa dặm. Bà Duyên rất phấn khởi vì đầu năm, thời tiết thuận lợi nên cây lúa phát triển nhanh, các loại rau màu khác cũng sinh trưởng tốt. Tranh thủ ngơi tay sau nửa buổi sáng tỉa dặm cho ruộng lúa, bà Duyên nói: “Năm ngoái, mưa lũ triền miên nên nông dân chúng tôi chịu thiệt hại nặng nề, coi như trắng tay. May sao từ đầu năm đến nay, mưa thuận gió hòa nên cây cối tốt tươi. Vụ đông xuân này, ngoài cây lúa, chúng tôi tận dụng diện tích đất ruộng còn thừa để trồng thêm rau màu. Mong sao từ giờ đến cuối vụ thời tiết thuận lợi, dịch bệnh không xảy ra để vụ mùa được bội thu”.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Hoàng Quang Dưỡng cho biết, sản xuất nông nghiệp năm 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Vụ đông xuân 2019-2020, mặc dù đầu vụ thời tiết tương đối thuận lợi cho việc gieo trồng, cây lúa sinh trưởng tốt, nhưng vào giai đoạn cuối vụ, do ảnh hưởng của các đợt mưa giông làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng lúa. Bước vào vụ hè thu năm 2020, đầu vụ thời tiết khá thuận lợi. Tuy nhiên, đến giai đoạn lúa làm đòng - trổ bông thì thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt trà đầu trổ vào giữa tháng 7 gặp nắng nóng gay gắt làm ảnh hưởng đến quá trình trổ bông. Đồng thời, các loại sâu bệnh gây hại như rầy, bệnh lùn sọc đen, rầy môi giới, chuột liên tục phá hoại mùa màng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Nghiêm trọng nhất là đợt lũ lịch sử từ ngày 8 - 20/10/2020 và cơn bão số 9 gây thiệt hại rất lớn đến ngành nông nghiệp của huyện.

Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, chú trọng sản xuất thích ứng với điều kiện thời tiết, bảo đảm an toàn trong khung thời vụ. “Vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn huyện gieo cấy được trên 5.988 ha lúa. Diện tích lúa đã gieo trồng đảm bảo khung thời vụ, tránh được thời tiết xấu nên đang sinh trưởng khá thuận lợi ở giai đoạn mạ. Tranh thủ nắng ấm, nhiều địa phương đang triển khai tỉa dặm lúa. Các loại cây rau màu cũng phát triển tốt; trong đó, cây khoai lang có 320 ha, sắn 260 ha, ngô 300 ha, ớt 110 ha, lạc 30 ha, rau các loại 750 ha… Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng được ngành nông nghiệp thực hiện khá nghiêm túc. Mặc dù vậy, dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn diễn ra nhỏ lẻ ở một số địa phương. Huyện cũng đã triển khai tiêm phòng vụ đông xuân cho đàn gia súc, gia cầm”, ông Dưỡng thông tin thêm.

Tại huyện Hải Lăng, diện tích gieo trồng năm 2020 đạt trên 17.697 ha; trong đó, diện tích gieo cấy lúa trên 13.562 ha. Mặc dù đã triển khai các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhưng nắng hạn kéo dài từ đầu năm và mưa lũ vào cuối năm 2020 đã gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của huyện. Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Lê Đình Lễ cho biết, sau mưa lũ, UBND huyện đã tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại và triển khai các biện pháp kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục sản xuất, chuẩn bị tốt cho vụ đông xuân 2020 - 2021. Nhờ vậy, từ trước tết Nguyên đán, toàn huyện đã hoàn thành gieo cấy trên 6.882 ha lúa (kế hoạch là 6.860 ha). Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông hướng dẫn các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng chống rét, theo dõi sâu bệnh trong dịp Tết nên tình hình sâu bệnh được kiểm soát, lúa các trà đầu phát triển tốt. Đối với cây màu, toàn huyện đã gieo trồng được trên 1.230 ha sắn, 370 ha ngô, 250 ha lạc, 390 ha khoai các loại... Hiện nay tranh thủ thời tiết nắng ấm, người dân ra đồng tỉa dặm lúa và tiếp tục trồng cây màu trên những diện tích còn lại.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ phụ trách địa bàn để theo dõi, tăng cường chỉ đạo các xã thực hiện tốt công tác phòng, chống rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tham mưu UBND huyện chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tăng cường bám sát địa bàn để giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh; khi có gia súc ốm, chết không rõ nguyên nhân phải báo cáo ngay cho cơ quan thú y để có hướng xử lý, kịp thời khống chế, bao vây, dập dịch.

Sau đợt mưa lũ kéo dài gây thiệt hại lớn đối với nông nghiệp vào cuối năm 2020, UBND tỉnh đã khẩn trương triển khai các biện pháp để tái thiết sản xuất. Ở những vùng bị đất cát bồi lấp, tỉnh có cơ chế hỗ trợ người dân cải tạo đồng ruộng, nạo vét hệ thống kênh mương thủy lợi để trồng rau màu, nâng cao thu nhập. Cùng với đó là cơ cấu lại giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tuân thủ quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho hay: Từ trước tết Nguyên đán, toàn tỉnh cơ bản gieo cấy xong lúa đông xuân 2020 - 2021 với diện tích ước đạt 25.500 ha, đạt 100% kế hoạch. Bộ giống lúa chủ lực gồm: HN6, Đài Thơm 8, Bắc Thơm 7, Khang Dân 18, HC95, Bắc Thịnh, Thiên Ưu 8… Hiện nay, cây lúa đang sinh trưởng tốt ở thời kỳ đẻ nhánh rộ. Trên đồng ruộng, các đối tượng sâu bệnh gây hại không đáng kể, chuột và ốc bươu vàng gây hại ít so với mọi năm. Đối với rau màu, do ảnh hưởng của thiên tai cuối năm 2020 nên nhiều diện tích trồng các loại rau màu trên địa bàn tỉnh chưa kịp khôi phục, tiến độ gieo trồng các loại cây lạc, ngô, sắn bị trễ so với mọi năm. Đến nay, diện tích ngô được trồng trên toàn tỉnh là 2.400 ha, đạt 70% kế hoạch; lạc trồng được 2.000 ha, đạt 65% kế hoạch; sắn trồng được khoảng 7.000 ha, đạt 70% kế hoạch. Diện tích ngô, lạc, sắn gieo trồng trà đầu đang phát triển tốt. Diện tích còn lại, nông dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để tiếp tục xuống giống.

Bà Nguyễn Hồng Phương cho biết thêm: “Hiện sở đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021; tiếp tục khôi phục diện tích đất trồng lúa và đất trồng màu còn lại; chủ động quản lý, theo dõi tình hình chăn nuôi trên địa bàn và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; xây dựng đề án “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021- 2030”.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155647