Vượt khó giữa 'vòng xoáy' giá cả
Xăng, dầu tăng giá bảy lần liên tiếp kéo theo hàng loạt mặt hàng từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng thiết yếu tăng theo. Giữa cơn 'bão' giá, nhiều công nhân, người lao động đang phải tìm đủ cách xoay xở để vượt khó…
Giữa cái nắng nóng như thiêu đốt của những ngày tháng 3 ở phương nam, anh Võ Tài, 35 tuổi, quê Gia Lai, vẫn miệt mài chở từng đơn hàng thực phẩm giao cho khách. Xong việc, anh bật ứng dụng điện thoại, khoác vội chiếc áo đồng phục của những người giao thức ăn công nghệ bắt đầu làm thêm nghề thứ hai.
“Từ đầu năm đến nay, giá cả tăng vùn vụt thì nghề nào đối với tôi cũng trở thành nghề chính. Tôi nhận hai đầu việc của hai đơn vị khác nhau để giao hàng cả ngày; xăng, dầu, ăn uống mình tự chịu. Khi xăng tăng đến gần 30.000 đồng/lít, thực phẩm tăng giá, tôi gặp rất nhiều khó khăn”, anh Tài cho hay.
Anh Võ Tài cho biết thêm đang thuê nhà trọ ở quận Gò Vấp. Anh xuống thành phố làm việc được mấy năm nay nhưng chưa lúc nào chật vật như hiện tại. Bình thường, mỗi ngày anh đổ xăng khoảng 80.000 đồng chạy cả ngày, giờ phải đổ hơn 120.000 đồng mới đủ. Xăng tăng giá, mọi thứ đều tăng theo. Tô cháo lòng vỉa hè trước chỉ 15.000 đồng, giờ cũng vọt lên 20.000 đến 25.000 đồng; gói xôi, ổ bánh mì là món bình dân nhất nhưng giờ đều chạm mốc 20.000 đồng và là món rẻ nhất lúc này. Để có đủ số tiền 4 triệu đến 5 triệu đồng mỗi tháng gửi về quê cho vợ nuôi hai con, anh phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm chi tiêu nhiều hơn.
Những ngôi nhà được dựng bằng tôn lụp xụp trong xóm trọ nghèo nằm sâu trên đường liên khu 4-5, phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) buổi trưa càng thêm vắng lặng vì thanh niên trẻ đều đi làm, chỉ còn những người lớn tuổi nhặt nhạnh mớ rau mua từ hôm trước còn sót lại, chế biến bữa cơm ăn vội cho qua ngày. Bà Bùi Thị Tùng, 61 tuổi, quê An Giang, thở dài, nói: “Lúc này thứ gì cũng tăng giá chóng mặt, cầm 100.000 đồng đi chợ mà tính toán mãi chỉ đủ tiền mua rau nấu nồi canh chua suông (không cá, thịt; chỉ có rau). Đồ ăn đắt đỏ quá mà tiền làm không có, giờ chỉ còn cách tằn tiện vì cũng không còn cách nào khác”.
Đây là lần thứ hai từ đầu năm 2022 đến nay, bà Bình, chủ quán cơm bình dân trên đường Kinh Dương Vương (gần bến xe Miền Tây) thông báo tăng giá lên 45.000 đến 50.000 đồng mỗi phần. Bà Bình phân trần, do giá xăng liên tục lập đỉnh mới cho nên đầu mối cung cấp nguyên liệu cũng tăng giá rau, thịt do chi phí vận chuyển cao. Đơn cử như các loại rau sống đều tăng từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg; thịt gà, cá cũng tăng từ 15 đến 20%; chi phí thuê lao động cũng tăng... “Không thể cầm cự nổi nữa, quán phải điều chỉnh lại giá. Giá cao chắc chắn khách sẽ ít lại, nhưng nếu không tăng, chúng tôi không trụ nổi”, chủ quán cơm bình dân này trần tình…
Trước tình hình các mặt hàng có xu hướng tăng, nhiều siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách ổn định, giữ giá hàng hóa trong khả năng có thể. Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Trần Lâm Hồng cho biết, từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, một số nhà cung cấp đã đề nghị điều chỉnh giá nhưng siêu thị đã thương lượng và tìm mọi giải pháp để tăng giá thấp nhất.
“Tăng giá là việc không ai muốn vì gây thiệt hại chung cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất, phân phối; trong đó, thiệt hại đối với doanh nghiệp là doanh số sẽ giảm mạnh. Từ đầu tháng 3, dù nhận được hàng loạt yêu cầu tăng giá nhưng chúng tôi đang đàm phán, cả hai bên tìm mọi cách để kìm hãm việc tăng giá. Tuy nhiên, tinh thần là từ đầu tháng 4 sẽ phải điều chỉnh giá hàng loạt với biên độ tăng khá cao”, ông Trần Lâm Hồng thông tin.
Đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng cho biết đang cố gắng đàm phán với nhà cung cấp làm hàng nhãn riêng để có giá tốt nhất, ổn định cho khách hàng. Về tổng thể, giá cả có biến động nhẹ, một số mặt hàng rau, củ, quả tăng nhẹ khoảng 3 đến 5%...
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, về lâu dài, để không tăng giá sản phẩm quá cao, các doanh nghiệp sản xuất mong muốn nhà phân phối cùng chia sẻ khó khăn và Chính phủ có giải pháp đối với giá xăng, dầu. Giá xăng, dầu tăng cao liên tục khiến doanh nghiệp trong các lĩnh vực đều khó khăn. Với các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu, khó khăn này đến lúc phải tính vào giá thành sản phẩm và tất nhiên là ảnh hưởng đến người tiêu dùng…
Mới đây, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp bán hàng bình ổn thị trường, đại diện Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh đề nghị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt heo, trứng gia cầm tạm hoãn tăng giá bán bình ổn dù giá nguyên liệu đầu vào đã tăng đủ để điều chỉnh. Lý do Sở Tài chính đưa ra là nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh sức mua đang thấp và giá cả có xu hướng tăng.
Giám đốc Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, việc xăng, dầu tăng giá khiến một số mặt hàng cũng tăng theo, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng... Sở Công thương mong các doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ giữ giá bình ổn để giữ sức mua, đồng thời có thể chia sẻ khó khăn với người dân…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/vuot-kho-giua-vong-xoay-gia-ca-689616/