Vượt khó giúp dân nơi biên cương xứ Huế
Gần 25 năm đóng quân thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) A So, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), nhiều cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn KT-QP 92 (Quân khu 4) đã cống hiến tuổi thanh xuân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hình ảnh các anh bộ đội cần mẫn đến các bản làng xa xôi để vận động, tuyên truyền, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bài trừ hủ tục... đã in đậm trong tâm trí của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Tròn 19 tuổi, chàng trai trẻ Đặng Văn Quyền nhập ngũ vào Trung đoàn 92, Sư đoàn 337 (Quân khu 4). Tháng 5-1999, Đoàn KT-QP 92 được thành lập trên cơ sở Trung đoàn 92, với nhiệm vụ xây dựng Khu KT-QP A So. Binh nhất Đặng Văn Quyền cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Đoàn KT-QP 92 bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ “khai thiên lập địa” xây dựng đơn vị giữa thung lũng A So từ ngày đó.
25 năm gắn bó với biên cương, Binh nhất Đặng Văn Quyền, nay là Đại úy QNCN, nhân viên Ban Hành chính, Đoàn KT-QP 92 vẫn nhớ như in những ngày đầu đặt chân đến vùng đất này. Ngày ấy, khó khăn lớn nhất đối với bộ đội và bà con là nguồn nước sinh hoạt nơi đây bị nhiễm chất độc dioxin với nồng độ cao, không thể dùng nước ngầm mà chỉ có thể dùng nước mặt. Hằng ngày, anh Quyền cùng đồng đội và bà con phải cơ động nhiều cây số đến các con suối nhỏ lấy nước vào can mang về nấu ăn và tắm giặt...
“Ngày đầu đơn vị vào đóng quân thực hiện nhiệm vụ giữ đất, giữ rừng, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo gặp rất nhiều khó khăn. Những ngôi nhà tạm bợ mọc lên giữa núi rừng bao la, không điện, đường giao thông đi lại rất khó khăn và đặc biệt, những cơn mưa ngàn xứ Huế kéo dài hằng tuần... Vậy nhưng chúng tôi luôn xác định tốt nhiệm vụ, bám dân, bám bản, tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ dần các hủ tục”, Đại úy QNCN Đặng Văn Quyền chia sẻ.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu KT-QP A So ở vùng đất khó, bên cạnh việc xây dựng, củng cố doanh trại mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn KT-QP 92 còn tập trung “3 bám" (bám dân, bám bản, bám đối tượng), "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), "6 xóa" (xóa: Đói cái ăn, đói cái mặc, đói chữ, đói thông tin, đói thuốc chữa bệnh, thiếu nước sạch), giúp dân từng bước thoát nghèo. Ấn tượng, trăn trở nhất đối với Thiếu tá QNCN Lê Thanh Lịch, nhân viên Đội Xe máy trong những ngày đầu đặt chân đến địa bàn là cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trước thực tế đó, bộ đội đã miệt mài giúp bà con với phương châm “cầm tay chỉ việc”, từ những việc nhỏ nhất như làm chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm; làm nhà vệ sinh; tuyên truyền thói quen ăn chín, uống sôi, kế hoạch hóa gia đình...
“Việc tuyên truyền không dễ bởi nhiều hủ tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào. Thế nhưng “mưa dầm thấm lâu”, nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động, đến nay, từ suy nghĩ đến hành động của bà con đã có sự đổi thay tích cực”, Thiếu tá QNCN Lê Thanh Lịch cho biết. Với Trung tá QNCN Nguyễn Quốc Hoàn, nhân viên Phòng Tham mưu-Kế hoạch, bám bản, bám dân để giúp đỡ đồng bào là tình cảm và trách nhiệm của mỗi quân nhân. Nhà cách đơn vị gần 400km nên trước đây, khi đường giao thông đi lại khó khăn, mỗi năm anh chỉ về thăm gia đình một lần; bố mẹ già, con nhỏ đều do một tay vợ anh lo toan, chăm sóc. Năm 2003 và 2018, cha mẹ lần lượt qua đời, anh đã không thể về kịp để gặp cha mẹ lần cuối... Nói về công việc của mình, Trung tá QNCN Nguyễn Quốc Hoàn bày tỏ: “Người dân ở vùng biên còn nhiều khó khăn, bởi vậy, chúng tôi càng phải nỗ lực vượt mọi gian khổ, giúp đỡ bà con biết trồng trọt, chăn nuôi, từng bước thoát nghèo. Đó vừa là nhiệm vụ vừa là tình cảm, trách nhiệm của người lính”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND huyện A Lưới, đến nay, sau 25 năm thực hiện nhiệm vụ tại Khu KT-QP A So, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn KT-QP 92 đã luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, bà con nhân dân xây dựng đời sống mới, phát triển kinh tế-xã hội và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều đồng chí đã cống hiến cả đời quân ngũ, tuổi thanh xuân cho vùng biên giới này. Hình ảnh các anh đã in đậm trong lòng bà con nhân dân vùng biên. Các anh đã thức với mưa ngàn, vượt mọi gian khó, giúp đỡ bà con phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bài trừ các hủ tục... xứng đáng với danh xưng cao quý Bộ đội Cụ Hồ.