'Vượt khó' trên tuyến đầu chống dịch Covid-19
'Quyết tâm vượt mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, luôn là 'lá chắn' vững chắc trên tuyến đầu chống dịch Covid-19...', đó là lời động viên của Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 BĐBP dành cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang làm nhiệm vụ tại các chốt chặn kiểm soát trên biên giới trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, ngày 30-6 và 1-7 vừa qua.
Trong những ngày cuối tháng 6, tình trạng nắng nóng kéo dài, những người lính mang quân hàm xanh vẫn tiếp tục bám chốt, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, phòng ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 vào nước ta. Dù phải đối diện với vô vàn khó khăn, thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại các tổ, chốt luôn quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chúng tôi có mặt tại địa bàn xóm Lũng Om, xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng - nơi cán bộ, chiến sĩ của tổ công tác Đại Sơn, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng dựng lán trại chốt chặn tại khu vực biên giới. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Lê Xuân Thêm, nhân viên trinh sát, Tổ trưởng tổ công tác Đại Sơn, cho biết, chốt của đơn vị được dựng lên từ đầu tháng 2-2020. Đã hơn 4 tháng nay, tổ công tác luôn có 4 thành viên trực tại chốt, trong đó có 1 đồng chí dân quân của xã. “Thời gian vừa qua, nắng nóng kéo dài, địa bàn lại ở xa khu dân cư, để khắc phục tình trạng nắng nóng, chúng tôi phủ thêm một lớp lưới ở trên cùng, sau đó là một lớp bạt lên trên lều dã chiến. Để làm giảm nhiệt độ, chúng tôi lấy nước ở sông Quây Sơn, phun lên trên lều...”.
Còn đối với cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Đức Long, BĐBP Cao Bằng, khu vực dựng chốt chặn của đơn vị được đặt trên địa bàn bản Pò, xã Đức Long, huyện Thạch An. Vì phạm vi thực hiện nhiệm vụ ở địa hình rộng nên chốt kiểm soát của đơn vị nằm ở vị trí không có bóng mát, không có nước sinh hoạt và sóng điện thoại. Để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, nhất là vào thời điểm nắng nóng gay gắt, những người lính nơi đây đã có những cách làm sáng tạo để khắc phục sự khắc nghiệt của thời tiết.
“Xác định việc phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ lâu dài, điều kiện thời tiết ở vùng núi thường xuyên thay đổi khó lường, anh em ở các tổ, chốt đã cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, chúng tôi còn tận dụng thêm những tấm bìa các tông cũ để lót thêm một lớp nữa ngay bên trên mái lều. Điều này giúp giảm bớt được phần nào sự khắc nghiệt của nắng nóng, đảm bảo sức khỏe cho anh em làm nhiệm vụ tại đây” - Thiếu úy Nguyễn Văn Hiếu, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Đức Long, Tổ trưởng tổ công tác tại địa bàn bản Pò cho biết.
Ngoài việc phải chống chọi với nắng nóng gay gắt, việc phòng, chống côn trùng cắn cũng là điều mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP đóng quân ở địa bàn biên giới luôn lưu tâm. Khu vực làm nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ thường ở những nơi rừng sâu, việc bị muỗi, ong, vắt và các loại rắn, rết cắn là điều xảy ra thường xuyên. Vì vậy, những lọ dầu gió, những chai tinh dầu và những loại thuốc bôi chống côn trùng luôn là hành trang của các anh vào mỗi đêm đi tuần tra, kiểm soát ở các đường mòn, lối mở qua biên giới.
Tại khu vực chốt số 5 của Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn, Đại úy Dương Văn Tốt, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm vừa chườm đá lạnh, vừa bôi thuốc lên cánh tay sưng vù do bị ong rừng đốt. “Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 3.971m với 19 cột mốc, trong đó có 15 mốc chính, 4 mốc phụ, cùng 2 cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng. Tuyến biên giới do đơn vị đảm nhiệm có đặc điểm địa hình khá hiểm trở, nhiều đường mòn, núi cao, vách đá tai mèo, thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, trong thời gian làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, ngoài điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các tổ chốt chặn nằm ở sâu trong rừng luôn bị rắn, rết, côn trùng “hành hạ”. Chúng tôi phải có biện pháp phòng tránh để đảm bảo sức khỏe làm nhiệm vụ” - Đại úy Dương Văn Tốt cho biết thêm.