Vượt khó trên vùng đất dốc (tiếp theo)

Không thể phủ nhận hơn ba năm qua, cây ăn quả đã tạo bước phát triển đột phá trong nông nghiệp ở Sơn La. Tuy nhiên, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng không phải là chuyện dễ, khi mà diện tích cây ăn quả tăng nhanh, sản lượng lớn. Câu chuyện gắn sản xuất gắn với tiêu thụ đặt Sơn La vào thế cần có những giải pháp quyết liệt, đủ tầm…

Hội thi xoài huyện Yên Châu, năm 2019.

Hội thi xoài huyện Yên Châu, năm 2019.

Kỳ 2: Yếu tố thị trường và sự phát triển bền vững

Nụ cười và nước mắt

Đã có nước mắt, trả giá cho những nóng vội, sai lầm trong quá trình triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), canh tác trồng cây ăn quả. Thậm chí, năm 2018, đã có chuyến hàng dự định xuất khẩu (XK) sang Mỹ phải ngậm ngùi mang về…

Nằm ở vùng cao biên giới phía tây nam của tỉnh Sơn La, huyện Sông Mã hiện có 6.736ha diện tích trồng nhãn, lớn gấp rưỡi vùng trồng nhãn lâu đời tại Hưng Yên. Câu chuyện về cây nhãn nơi đây bắt đầu từ những năm 1960, khi người dân đi khai hoang phát triển kinh tế miền núi đã mang theo giống nhãn lồng Hưng Yên lên trồng ở hai bên bờ dòng sông Mã, thuộc các xã Nà Nghịu, Mường Hung, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong… Cây nhãn giống cũ, khi sản xuất chưa tính đến thị trường, thu nhập của người dân bấp bênh nên diện tích nhãn giảm dần.

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, huyện Sông Mã đã thực hiện việc ghép mắt cải tạo vườn tạp, đồng thời trồng mới những giống nhãn có năng suất, chất lượng cao như PHM 99-1, T6... Đặc biệt, năm 2017, HĐND tỉnh Sơn La và huyện Sông Mã đã đưa ra chính sách hỗ trợ mỗi hộ nông dân 200 nghìn đồng ghép nhãn giống mới, cải tạo vườn tạp, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, nên chỉ sau hai năm cây nhãn đã cho thu hoạch trở lại, quả nhãn to, năng suất cao, hiệu quả nâng lên rõ rệt.

Ông Lương Văn Vịnh, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Sông Mã cho biết: Thời gian đầu, huyện phải cùng các nhà khoa học vận động từng hộ, cam kết nếu cây hỏng sẽ chịu trách nhiệm bà con mới cho thử nghiệm cấy ghép. Giờ đây, khi thấy giống nhãn sinh trưởng cho quả to, cùi dày, vị thơm ngon hơn thì người dân đã tự làm không cần phải hỗ trợ. Năm 2018, huyện Sông Mã XK được 7.040 tấn nhãn quả tươi, đạt 17% tổng sản lượng nhãn trên địa bàn. Tuy nhiên, XK chính ngạch chỉ chiếm một phần rất nhỏ, đạt 139 tấn…

Đến thăm nhà vườn của tỷ phú nhãn Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Bảo Minh (bản C5, xã Chiềng Khoong), một trong ba HTX đầu tiên tại Sông Mã được cấp mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Australia, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi khu vườn 10ha được quy hoạch bài bản, trồng nhãn xen với bưởi, cam sai trĩu trịt.

Ông Phúc chia sẻ, làm nông nghiệp dễ mà khó. Có năm thắng lớn, gia đình thu nhập đạt 1,5 tỷ đồng, nhưng có năm chỉ hòa vốn hoặc lãi chút đỉnh. Muốn làm giàu thì không những cần am hiểu kỹ thuật canh tác, mà còn phải có tư duy nhanh nhạy về thị trường (TT). Như năm ngoái, nhãn Sông Mã được mùa to nhưng rớt giá khiến nhiều hộ trồng nhãn cười trong nước mắt...

Những ngày này, vùng nhãn đang rất sôi động, chính quyền, người dân cùng các HTX, doanh nghiệp (DN) chung tay nâng giá trị quả nhãn. Để chuẩn bị cho vụ thu hoạch 2019, UBND huyện Sông Mã đã sớm triển khai kế hoạch số 912/KH-UBND về tiêu thụ, XK nông sản. Theo đó, UBND huyện đã chủ động kết nối, mời gọi các DN tham gia cùng các HTX trong huyện liên kết tổ chức chương trình XK nhãn. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Uniseed có trụ sở TP Hồ Chí Minh cũng đến tìm hiểu, cam kết tiêu thụ sản phẩm nhãn. Đại diện DN này cho biết, nếu các HTX cam kết sản xuất đúng theo tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm chất lượng thì mỗi năm DN có thể tiêu thụ khoảng 15 đến 20 nghìn tấn nhãn, tương đương một nửa sản lượng nhãn của vùng nhãn Sông Mã.

Sông Mã đang tấp nập vào vụ thu hoạch nhãn 2019.

Sông Mã đang tấp nập vào vụ thu hoạch nhãn 2019.

Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Lê Thị Yến cho biết: Dự kiến năm nay, nhãn Sông Mã tiêu thụ tại TT trong nước khoảng 19 nghìn tấn, XK sang Mỹ, Australia, Trung Quốc khoảng 6.000 tấn. Với giống nhãn chín sớm, từ đầu vụ đến nay toàn huyện đã thu hoạch hơn 1.000 tấn, giá đầu vụ lên tới 50 nghìn – 60 nghìn đồng/kg. Chính vụ, dự báo giá sẽ ổn định từ 25 nghìn đồng/kg trở lên, với mức giá này, bà con nông dân huyện Sông Mã đã coi là vụ mùa thắng lớn.

Nhãn không phải là cây quá khó trồng, nhưng nếu không am hiểu kỹ thuật, không biết cách chăm sóc thì sẽ ra quả cách năm. Được giá, lại không được mùa, sản lượng nhãn của Sông Mã năm nay dự kiến chỉ bằng một nửa so với năm 2018. Cạnh vườn nhà ông Lê Danh Phúc, nhiều hộ nông dân trồng nhãn mất trắng. Ông Nguyễn Văn Vững, trưởng bản C5 ngậm ngùi cho biết: Bản C5 có 40/71 hộ trồng nhãn nhưng năm nay chỉ có 10 hộ đậu quả. Vườn nhà tôi năm ngoái quả sai, vì thế mà cây yếu, mình lại không khoanh cành, khoanh gốc nên nhãn không ra quả.

Không lo đầu ra thì mất dễ hơn được

Ngoài việc thay đổi nhận thức của người dân, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, để bảo vệ thương hiệu trái cây Sơn La trên TT, con đường duy nhất vẫn là sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Trong khi một số nơi còn loay hoay với đầu ra sản phẩm thì nhiều HTX ở Sơn La đã nhanh chóng bắt nhịp canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt là sản xuất hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị. Vì vậy, trồng cây ăn quả ở Sơn La đang xảy ra câu chuyện nếu làm tốt thì cung không đủ cầu.

Với 105ha trồng cam, bưởi hữu cơ, trong đó có 6ha đã đạt chứng nhận USDA (chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt nhất Hoa Kỳ), HTX nông trại hữu cơ Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đang là một điển hình phát triển bền vững theo hướng canh tác an toàn. Trực tiếp hướng dẫn nông dân sản xuất phân hữu cơ bón cây, anh Vũ Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên HTX Nông trại hữu cơ Vân Hồ, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưởi da xanh Việt Nam cho biết: tuyên truyền cho bà con dùng phân hữu cơ khó khăn lắm. Nghe quy trình làm hữu cơ, ai cũng bảo… vô lý quá! Cầm tay chỉ việc, nhưng cũng mất cả năm sau bà con mới nhận ra cái lý của việc canh tác dựa vào tự nhiên. Giờ đây bài toán đầu ra không lo, bởi sản xuất hữu cơ hiện cung không đủ cầu. Từ năm 2017 đến nay, thu nhập trung bình của các hộ thành viên HTX nông trại hữu cơ Vân Hồ đều đạt khoảng 800 triệu đồng/năm, có hộ cao nhất được 1,3 tỷ đồng/năm.

HTX nông trại hữu cơ Vân Hồ trồng dược liệu dưới tán cây ăn quả để gia tăng thu nhập cho các hộ dân.

HTX nông trại hữu cơ Vân Hồ trồng dược liệu dưới tán cây ăn quả để gia tăng thu nhập cho các hộ dân.

Cùng với sự tăng lên nhanh chóng của diện tích vùng trồng, từ năm 2017, Sơn La bắt đầu triển khai hàng loạt giải pháp để tính hỗ trợ đầu ra cho HTX. Trong đó, Sơn La đặc biệt chú ý tới việc mời các doanh nghiệp chế biến, XK mang công nghệ, quy trình vào kết hợp các HTX sản xuất, tiêu thụ trái cây.

Những ngày tháng 6 vừa qua, khi hình ảnh xoài Sơn La xuất hiện tại các siêu thị của Mỹ, Anh… nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên khi biết đó là sản phẩm của một HTX mà 100% thành viên là người dân tộc Thái. Đi qua cây cầu treo bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La), trước mắt chúng tôi là vườn xoài sai trĩu quả của HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc. Năm 2017, nhờ sự kết nối của tỉnh Sơn La và huyện Yên Châu, HTX Chiềng Hặc đã hợp tác với Công ty TNHH Agricare, lần đầu tiên đưa xoài XK sang Australia.

Năm 2018, dưới sự hướng dẫn của Viện Green Tech Việt Nam, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu (XNK) GreenPath Việt Nam đã kết hợp HTX Chiềng Hặc thực hiện quy trình trồng và xử lý sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học hữu cơ, đưa xoài XK sang Mỹ. Dần quen cách thức tiêu thụ nông sản qua hợp đồng kinh tế, đến nay HTX Chiềng Hặc đã tự kết nối thêm với các DN khác để trồng xoài theo thị trường đích đến. Vụ thu hoạch vừa qua, HTX Chiềng Hặc đã XK thành công 900 tấn xoài, trong đó mở rộng được thị trường mới tại Anh thông qua sự hợp tác với Công ty TNHH Dua - Dua Việt Nam.

Anh Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Chiềng Hặc chia sẻ: Làm nông nghiệp rất cần có kiến thức, dám sống chết với vườn cây và không ngừng học hỏi. Nhiều người thấy tỉnh khuyến khích trồng cây ăn quả cũng mua đất, làm vườn, chuyển sang trồng cây ăn quả mà không nghiên cứu đất, khí hậu, nghiên cứu TT, không có đầu ra thì mất dễ hơn là được.

Xoài Sơn La được đưa về kho của nhà nhập khẩu tại bang California (Hoa Kỳ).

Xoài Sơn La được đưa về kho của nhà nhập khẩu tại bang California (Hoa Kỳ).

Những loại nông sản mới của Sơn La không chỉ có mẫu mã đẹp, mà còn thơm, ngon, ngọt với dư vị rất đặc trưng đã nhanh chóng chinh phục được những thị trường khó tính trên thế giới.

Ông Tâm Huỳnh, Giám đốc Công ty XNK CT (Bang California, Mỹ), đơn vị nhập khẩu và phân phối trái cây Sơn La tại Mỹ cho biết: Không chỉ cộng đồng người Việt, mà cả người bản xứ tại Hoa Kỳ cũng rất ưa thích những trái cây như xoài, nhãn, thanh long của Sơn La. Hiện một thùng xoài (5kg) của Sơn La đang được bán với giá chào hàng chưa có lãi là 35 USD, đã đắt gấp 2-3 lần so với xoài của Mexico nhưng vẫn nhanh chóng được tiêu thụ hết. Tuy nhiên, là một DN, chúng tôi nhìn câu chuyện này trên ở hai khía cạnh. Thứ nhất, dù là một thương hiệu mới nhưng nông sản của Sơn La đã được đón nhận, đánh giá cao. Thứ hai, xoài Sơn La được bán với giá chào hàng chưa có lãi là 35 USD/5kg. Song, người nông dân chỉ được hưởng chưa đến 1 USD/1kg, còn lại là những chi phí đội thêm do vận chuyển. Vì vậy, nếu Việt Nam có những biện pháp hỗ trợ để giảm chi phí vận chuyển, tỉnh Sơn La ổn định được vùng trồng để bảo đảm sản lượng, chất lượng, mẫu mã như hiện nay thì tôi cho rằng trái cây của Sơn La sẽ có chỗ đứng vững chắc ở thị trường Hoa Kỳ.

>>Kỳ 1: Sơn La tạo bước chuyển ngoạn mục

(Còn nữa)

BÀI, ẢNH: ĐỨC TUẤN - THÁI LINH - HỒNG SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/41087202-vuot-kho-tren-vung-dat-doc-tiep-theo.html