Vượt lên nỗi đau da cam

Trở về từ chiến trường miền Nam với những vết thương chiến tranh, lại mang trong mình di chứng do ảnh hưởng của chất độc da cam, nhưng bằng ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt lên số phận, ông Phùng Bá Lâm, thị trấn Nước Hai (Hòa An), hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt làm giàu chính đáng.

Sinh năm 1952, ông Lâm tình nguyện nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào tháng 4/1970, công tác tại đơn vị pháo binh phụ trách pháo cao xạ, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường B2 miền Nam. Ông Lâm cho biết: Đơn vị của tôi tiếp xúc với vùng chất độc da cam vào tháng 3/1973. Khoảng thời gian ấy, quân Mỹ cho máy bay rải chất độc xuống những cánh rừng miền Nam Việt Nam, phá hoại rừng và nguồn cung cấp thực phẩm của quân ta. Cây cối lớn nhỏ cháy trụi hết do ảnh hưởng của chất độc hóa học.

21 năm trong quân ngũ, đến năm 1991, ông Lâm xuất ngũ trở về địa phương, là thương binh 21%, nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin. Ông có 3 người con, bản thân ông may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi mang trong mình chất độc da cam nhưng các con và 7 người cháu của ông không ai phải chịu ảnh hưởng của chất độc quái ác ấy, nhưng trong ông vẫn luôn canh cánh nỗi lo vì nhiều nạn nhân đến đời thứ 3, thứ 4 mới bị di chứng… Công tác trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã nhiều năm, ông chứng kiến không ít mảnh đời bất hạnh của nhiều hội viên với những vết thương âm ỉ trong người do chất độc da cam đang từng ngày gặm nhấm xương thịt và cơ thể họ, con, cháu họ. Chất độc da cam đã gây ra cho gia đình những người đồng chí, đồng đội của ông nỗi đau dai dẳng cả về thể xác lẫn tinh thần.

Ông Lâm đầu tư phát triển chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lâm đầu tư phát triển chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mặc dù là thương binh, đối mặt với những cơn đau bệnh tật, sức khỏe giảm sút từ vết thương cũ và ảnh hưởng chất độc hóa học khi trái gió trở trời, nhưng ông cùng vợ tích cực tìm hiểu, đi học tập tại các tỉnh bạn, mạnh dạn đầu tư nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế để cải thiện đời sống, như mô hình nuôi chim cút, nuôi gà Ai Cập, cá trê phi,… Vài năm trước, gia đình phát triển mô hình nuôi lợn và duy trì từ 8 - 15 con lợn nái, trên 10 con lợn thương phẩm, cho thu nhập (trừ hết chi phí) gần 100 triệu đồng/năm, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên 2 vợ chồng chuyển sang mô hình chăn nuôi bò. Hiện đàn bò của gia đình ông có 4 con, luân phiên xuất chuồng, cho thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng/năm, trong đó có 1 con bò cái được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tạo điều kiện cho vay vốn không lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua và chăn nuôi duy trì giống. Hiện tại, vợ chồng ông nuôi thử nghiệm mô hình ếch thương phẩm với 2 bể nuôi 2.000 con, ông dự định kết hợp với một số hội viên khác tại địa phương phát triển mô hình chăn nuôi dúi trong thời gian tới.

Bên cạnh chăn nuôi, ông tận dụng trên 1 ha đất rừng của gia đình trồng các loại cây thông, sa mộc để lấy gỗ, sau khi thu hoạch thu về trên 100 triệu đồng. Hiện gia đình ông tiếp tục trồng keo, dự kiến thu hoạch trong 2 năm tới. Với ý chí, tinh thần không ngại khó, ngại khổ, ngại thất bại, từ một gia đình còn nhiều khó khăn, đến nay gia đình ông đã thoát nghèo, làm giàu chính đáng, trở thành hộ gia đình tiêu biểu, tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Lâm tích cực tham gia và nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức hội tại địa phương. Với những cống hiến và nỗ lực của bản thân, nhiều năm liền gia đình ông đạt danh hiệu gia đình văn hóa; ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huy chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng ba… cùng nhiều giấy khen, bằng khen khác cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Thùy Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/vuot-len-noi-dau-da-cam-3171234.html