Vượt mọi khó khăn chống dịch ở Tây Nguyên
Có khi vừa ngả lưng, chưa kịp nghỉ đã phải bật dậy. Rồi khi cả ngày lăn lộn truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, thậm chí vượt qua bao đèo dốc nhưng các thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch ở Tây Nguyên vẫn vượt qua tất cả. Động lực thôi thúc mạnh mẽ nhất với mỗi người là khát vọng khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Không quản ngày đêm
Nói về những vất vả của các nhân viên y tế tuyến đầu trong việc phòng, chống COVID-19, Bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Chúng tôi luôn xác định rằng, đó là nhiệm vụ vừa nhọc nhằn nhưng cũng đầy trách nhiệm. Vậy nên, khi có bất cứ tình huống dịch bệnh nào xảy ra là bật dậy tức tốc bố trí người đi truy vết, dập dịch ngay. Nhiều cán bộ, nhân viên có khi ngày nọ nối ngày kia tranh thủ ăn nhanh, uống nhanh… để còn kịp chống dịch.
Những phút giải lao hiếm hoi tranh thủ nghỉ ngay bên bàn làm việc. Có ngày nhân viên lấy mẫu xét nghiệm đôn đáo với bộ quần áo bảo hộ qua hết khu này đến khu khác. Mệt mỏi như được xua tan đi khi nghĩ đến bốn chữ “cộng động bình an”.
Từng có nhiều ngày làm việc trong khu cách ly COVID-19, điều dưỡng Lê Thị Bình (Bệnh viện Lao và bệnh phổi Đắk Lắk) bộc bạch: Có những ngày không quản giờ giấc để hai con nhỏ ở nhà cùng người thân miệt mài làm việc trong khu cách ly, lúc đầu cũng thấy lo. Nhưng cứ thực hiện nghiêm các quy định của ngành y tế, cứ cháy lên trong mình khát vọng dập được dịch, hướng dẫn, điều trị tốt nhất cho những người cách ly là thấy tinh thần hăng say trở lại.
Nhiều lần ngồi xe công nông và các phương tiện khác vào các buôn làng vùng sâu ở Tây Nguyên chống dịch, bác sĩ Lê Văn Vinh (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai) cũng chia sẻ: Được đều động đến các vùng tâm dịch để thần tốc truy vết cùng các đồng nghiệp khác ai cũng quyết tâm cao độ. Có những hôm vật lộn từ sáng đến đêm, người mệt lả đi nhưng quyết vượt rừng, xuyên qua các ruộng rẫy để truy vết thêm được ca F1 nào hay ca đấy. Ai cũng tâm niệm phải tiết kiệm từng phút.
Một trong những khó khăn thường trực lớn nhất của các y, bác sĩ vượt rừng, băng suối đi truy vết phòng chống dịch bệnh ở Tây Nguyên đó là bà con đồng bào dân tộc thiểu số có tâm lý e ngại cách ly, lo lắng bị kỳ thị. Vậy nên, mỗi nhân viên y tế lại kiêm thêm “nhà tuyên truyền” để vận động. Ai cũng tâm niệm, ban đầu chưa hiểu, nói cho hiểu, quan trọng là kiên trì. Có khi ban ngày chưa truy vết được thì đêm truy tiếp. Phải chặn đứng việc lây lan dịch ra cộng đồng.
Phòng dịch là rất quan trọng
Theo các nhân viên y tế chuyên làm nhiệm vụ vận động phòng dịch COVID-19 ở Tây Nguyên, công tác tuyên truyền, vận động rất quan trọng bởi đây là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Phải giúp người dân hiểu được rằng, thực hiện các quy định của ngành y tế chính là bảo vệ mình và người thân.
BS Nguyễn Đức Vũ, Phó GĐ Trung tâm y tế KRông Bông (Đắk Lắk) chia sẻ: Người dân ở đây thưa thớt. Hay đi rẫy. Nhân viên y tế phải vất vả hơn ở những nơi khác. Sẽ kết hợp với các thôn, buôn vận động nhân dân chủ động phòng, chống COVID-19, khai báo ngay khi thấy các bất thường. Đồng thời rà soát, triển khai các biện pháp “biến” mỗi người uy tín trong cộng đồng thành một thông tin viên đặc biệt cho các Tổ phòng, chống COVID-19.
Theo Trung tâm kiểm roát bệnh tật Đắk Lắk sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm COVID-19 kể từ ngày 25/4 đến sáng 13/5, hàng trăm nhân viên y tế đã được “tung” vào các điểm có yếu tố dịch tễ để truy vết thần tốc, xuyên ngày đêm lấy mẫu xét nghiệm. Có ngày nhiều bác sĩ chỉ tranh thủ giải lao trong 30 phút lại bắt tay vào công việc.
Nhiều cán bộ, nhân viên xét nghiệm bộc bạch: Có vất vả bao nhiêu cũng phải vượt qua vì cả nước đang chung tay chống dịch. Có ngày sáng đến đêm lăn lộn lấy mẫu xét nghiệm cho nhanh ra các kết quả, phục vụ tốt nhất cho việc phòng dịch, truy vết. Bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cứ vận động họ hưởng ứng rồi lấy mẫu rất thuận tiện, bà con còn đồng lòng cùng các bác sĩ chống dịch.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng, ngành y tế địa phương các tỉnh Tây Nguyên cũng yêu cầu từ buôn, làng đến tỉnh phải chung tay, đồng lòng chống dịch. Không ai được chủ quan, lơ là.
Ngành y tế các địa phương phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đi hoặc đến từ vùng dịch. Vận động người dân hạn chế di chuyển đến các tỉnh, thành phố có dịch với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để áp dụng bắt buộc khai báo y tế, tiến hành cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Thực hiện khoanh vùng cách ly và phong tỏa ngay khu vực dân cư có yếu tố dịch tễ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vuot-moi-kho-khan-chong-dich-o-tay-nguyen-n192364.html