Sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn phải phụ thuộc vào Ukraine để duy trì hoạt động của loại tên lửa hạt nhân chiến lược R-36M2 nặng 210 tấn biệt danh Satan do Liên Xô phát triển.
Satan loại tên lửa hạt nhân khủng khiếp nhất thời điểm chúng ra đời, loại tên lửa này làm NATO và Mỹ mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên xung đột với Ukraine khiến cho loại tên lửa này bị đe dọa nghiêm trọng, vì Kiev đang phụ trách mảng bảo trì, bão dưỡng cũng như cung cấp động cơ cho chúng hoạt động.
Không để bị thất thế, Nga đã bắt tay vào phát triển loại tên lửa hạt nhân mới với tên gọi RS-28 biệt danh Sarmat.
Với 15 đầu đạn hoạt động độc lập tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ, RS-28 Sarmat được coi là loại tên lửa hạt nhân kinh hoàng nhất mà con người từng chế tạo.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu đi vào biên chế, chỉ cần một tên lửa loại này có thể thổi bay cả một quốc gia.
RS-28 Sarmat sẽ là thành phần nòng cốt trong lực lượng răn đe hạt nhân tương lai của Nga.
Loại tên lửa đạn đạo chiến lược liên lục địa này là một trong 5 loại vũ khí chiến lược thế hệ mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu trong thông điệp liên bang đọc hồi tháng 3-2018.
RS-28 Sarmat thế hệ mới của Nga mang được tải trọng thuốc nổ tương đương với 8 megaton TNT, tức đạt sức công phá gấp hơn 400 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Nhật Bản vào năm 1945.
Ông Putin từng tuyên bố, Nga đã phát triển được một "tên lửa hành trình toàn cầu" trang bị động cơ hạt nhân "không thể đánh chặn" và có tầm bắn "không giới hạn" trên thực tế.
"Nga đã từng và vẫn đang là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới", Tổng thống Putin phát biểu với các khán giả tham dự buổi đọc thông điệp liên bang tổ chức tại Moscow.
"Các quốc gia khác chỉ lắng nghe Nga khi chúng ta phát triển các hệ thống vũ khí mới", hãng tin Sputnik dẫn lời ông Putin - "Vậy thì bây giờ họ hãy lắng nghe".
RS-28 Sarmat sử dụng "công nghệ hồi quyển đa đầu đạn phân hướng độc lập" (MIRV) để tấn công, nghĩa là mỗi đầu đạn mà nó mang theo có thể độc lập tấn công từng mục tiêu riêng rẽ.
Tùy thuộc vào vị trí triển khai trên không trung và cách thức di chuyển, mỗi đầu đạn có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm dặm.
Để đánh chặn một đầu đạn hạt nhân, một công nghệ đang được Mỹ nghiên cứu phát triển có tên gọi "thiết bị tấn công động năng" (kinetic kill vehicle).
Về cơ bản đây là một đầu đạn công nghệ cao cỡ lớn được phóng lên bằng tên lửa. Các đầu đạn này có thể tự định vị mục tiêu (đầu đạn hạt nhân), ra đòn tấn công ngay trong quá trình bay ở giai đoạn giữa và phá hủy đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích quân sự Mỹ David Wright, vẫn còn nhiều cách khác để xâm nhập hệ thống phòng thủ của đối phương giống như loại đầu đạn mà ông Putin tuyên bố là "bất khả chiến bại".
RS-28 Sarmat được trang bị các hệ thống dẫn đường tiên tiến và có thể là một số biện pháp đối phó để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa. Chẳng hạn như, chuyên gia Wright phân tích, Nga có thể trang bị cả chục đầu đạn mồi bẫy cho RS-28 Sarmat để hút tên lửa tấn công phóng lên từ hệ thống phòng thủ.
Ông Wright cũng đã từng nghiên cứu về các biện pháp khác mà Nga có thể sử dụng để xuyên thủng các tổ hợp phòng thủ của Mỹ, trong đó có hệ thống làm lạnh đầu đạn với mục đích gây nhiễu cho các hệ thống chống tên lửa tầm nhiệt và ngụy trang cho đầu đạn thật.
Tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat của Nga đã được thử nghiệm thành công ba lần, dự kiến phải tới cuối năm 2022 mới chính thức được đưa vào biên chế.
Dù vẫn còn nằm trong quá trình thử nghiệm, sức mạnh của tên lửa RS-28 Sarmat đã khiến rất nhiều quốc gia phải nể sợ, vì nó có thể hủy diệt cả một khu vực rộng lớn lên tới 700.000 km vuông, diện tích này lớn hơn rất nhiều quốc gia hiện nay.
Việt Hùng