Vượt núi đến trời Âu

Nằm ở phía Nam châu Âu, nước Ý còn được gọi là 'xứ sở huyền thoại', nơi mà hầu như ai cũng ao ước một lần trong đời được đặt chân đến. Vậy mà, từ huyện miền núi Đakrông, đôi bạn thân Nguyễn Thị Hồng Hà, Lê Văn Đức đã nối bước nhau đến Ý với suất học bổng toàn phần.

 Hồng Hà có thêm nhiều người bạn mới ở nước Ý xa xôi - Ảnh: NVCC

Hồng Hà có thêm nhiều người bạn mới ở nước Ý xa xôi - Ảnh: NVCC

Mầm chữ trên đất cằn

Những ngày này, cả nước Ý gần như chuyển sang sắc trắng của băng tuyết. Trong chiếc áo ấm to sụ, Nguyễn Thị Hồng Hà và Lê Văn Đức bất chợt nhớ về cái rét cắt da, cắt thịt của những ngày sống ở huyện miền núi Đakrông. Đôi bạn khó có thể quên hình ảnh những em bé gầy gò, đen nhẻm, co ro trong mưa lạnh. Hà và Đức biết, cái lạnh chỉ là một trong vô vàn khó khăn, thử thách mà những đứa trẻ vùng cao phải đối diện trên hành trình đi tới ngày mai ấm áp. Đó là con đường dài, lắm chông gai nhưng chắc chắn sẽ có đích đến.

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Đakrông, Hồng Hà sớm bắt gặp hình ảnh thiếu thốn của những em nhỏ vùng cao ngay trong chính bạn bè mình. Cùng tuổi với Hà nhưng nhiều bạn phải một buổi đến trường, một buổi lên rẫy. Chiếc áo ấm là cả giấc mơ đối với các bạn trong những ngày đông se sắt. Vì cảnh khó, một số người bạn của Hà buộc phải nghỉ học, rồi lấy vợ, lấy chồng. Ngày ấy, từ thẳm sâu, Hà đã dấy lên mong ước mai này lớn lên có thể góp sức giúp người dân quê mình, đặc biệt là những học trò nghèo.

 Đôi bạn thân Hồng Hà, Văn Đức đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đến nước Ý - Ảnh: NVCC

Đôi bạn thân Hồng Hà, Văn Đức đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đến nước Ý - Ảnh: NVCC

Năm lớp 11, tập thể của Hà đón thêm một thành viên mới, đó là bạn Lê Văn Đức. Thời điểm ấy, nhiều bạn trong lớp rất tò mò, không hiểu sao Đức lại ngược lên vùng cao học. Thông thường, chỉ các học sinh ở miền núi mới tìm cách về xuôi để có điều kiện học tập tốt hơn. Sau khi thân thiết, Hà mới biết, Đức cũng lớn lên từ nghịch cảnh. Ba mất, đôi vai mẹ Đức phải gánh gồng nuôi 6 anh chị em. Riêng chuyện chạy gạo cho con có bữa cơm no cũng đủ vắt kiệt sức bà. Để mẹ đỡ khổ phần nào, kết thúc lớp 10, Đức chọn phương án chuyển lên huyện miền núi Đakrông sống cùng chị gái, rồi bước chân vào ngôi trường mới THPT Đakrông.

Hà và Đức không nhớ rõ mình thân thiết từ lúc nào. Điểm kết nối giữa hai cá tính có lẽ chính là quyết tâm đèn sách. Hà và Đức vẫn nhớ như in cái cảm giác ngại ngùng khi về tỉnh dự thi học sinh giỏi. Bấy giờ, nhiều bạn miền xuôi lấy làm lạ lẫm khi nghe nhắc đến địa danh “Đakrông”. Trong mắt họ, Hà và Đức đến với kỳ thi như… một cuộc dạo chơi, chỉ để mở mang tầm mắt. Đó cũng chính là động lực để hai học sinh miền núi quyết tâm ghi tên trường, tên mình vào bảng vàng thành tích của tỉnh.

Không phụ sự nỗ lực, Hà và Đức đều gặt hái thành tích đáng ngưỡng mộ. Năm 2016, lúc đang học lớp 11, Đức đã đoạt giải Nhất môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh. Ở kỳ thi cấp quốc gia, Đức là học sinh duy nhất của đoàn Quảng Trị đoạt giải. Vốn yêu thích tiếng Anh, Hà từng bước khắc phục khó khăn về điều kiện học tập để đạt nhiều giải cao như: Giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; giải Ba cuộc thi hùng biện tiếng Anh; giải Khuyến khích tiếng Anh qua mạng internet cấp quốc gia… Cả Hà và Đức đều có kết quả đáng ngưỡng mộ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Với 29,55 điểm, Hà trở thành thí sinh có điểm thi khối D1 cao nhất tỉnh Quảng Trị năm học đó. Về phần mình, thi khối C với 27 điểm, Đức vinh dự nhận suất học bổng toàn phần trong chương trình “Lấy bằng đại học Mỹ tại Việt Nam”.

Đường đến Ca’ Foscari

Trường Đại học Ca’ Foscari tọa lạc ở Venice, nơi được mệnh danh “thành phố lãng mạn nhất thế giới”. Đây là ngôi trường tiên tiến đầu tiên đào tạo kinh doanh và kinh tế ở nước Ý. Ca’ Foscari lọt tốp 90 trường đại học hàng đầu thế giới về ngôn ngữ hiện đại; tốp 150 về lịch sử; tốp 250 về kinh tế và kinh tế lượng, kế toán và tài chính… Đây chính là điểm đến trong mơ của nhiều học sinh tài năng trên khắp thế giới, trong đó có Hà và Đức.

Từ lúc đang là học sinh lớp 11, Trường THPT Đakrông, Hà đã ấp ủ ước mơ du học. Thậm chí, Hà từng có ý định không tham gia kỳ thi THPT quốc gia để tập trung chinh phục các chứng chỉ. Sau này, nhận thấy bản thân vẫn còn một số lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng nên Hà tạm gác dự định. Trong quãng thời gian theo học tại Học viện Ngoại giao, Hà tiếp cận nhiều thông tin liên quan đến du học. Cuối cùng, Hà đặt trọn lòng tin vào Ca’ Foscari. Hà chia sẻ: “Để nhận được học bổng toàn phần của trường, em đã phải làm hồ sơ, phỏng vấn, chứng minh tài chính… Nhận được visa trước khi sang Ý vỏn vẹn 1 ngày, trái tim em như vỡ òa. Em rất hạnh phúc khi được lên chuyến bay đầu tiên của cuộc đời, đến một phương trời rất xa, rất mới, dự báo lắm thử thách nhưng cũng nhiều cơ hội”.

 Hồng Hà chụp ảnh lưu niệm ở Ý - Ảnh: NVCC

Hồng Hà chụp ảnh lưu niệm ở Ý - Ảnh: NVCC

Hành trình đầy cảm hứng của Hà đã tiếp thêm động lực cho Lê Văn Đức. Vốn là người yêu thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa nên một “xứ sở huyền thoại” như Ý có sức hút đặc biệt với cậu. Không chần chừ, Đức bắt đầu bằng việc tập trung ôn luyện tiếng Anh để đủ điều kiện học chương trình quốc tế. Thế nhưng, tiếng Anh không phải là thử thách “khốc liệt” nhất. Cũng như Hà, Đức phải trải qua cảm giác chán nản, mệt mỏi, không thể nghĩ ra ý tưởng viết bài luận thế nào để gây ấn tượng. “Chính tình yêu quê hương, đất nước, khát khao học hỏi đã… “thổi hồn” vào từng con chữ trong bài luận để em vừa thể hiện được đúng là chính mình, vừa trình bày được mục tiêu, kế hoạch tương lai”, Đức bộc bạch.

Mãi đến lúc gặp nhau ở Venice, Hà và Đức mới nhận ra đây không phải là giấc mơ. Với kinh nghiệm của một người đi trước, Hà giúp Đức hoàn thiện các giấy tờ sau khi nhập cảnh. Đôi bạn thân cùng nhau luyện tập tiếng Anh, tiếng Ý và tìm hiểu những điều mới mẻ. Mỗi lần hội ngộ, nhìn lớp lớp nhà cao tầng ngút tầm mắt ở thành phố Venice, Hà và Đức lại liên tưởng đến những dãy núi bao quanh huyện nghèo Đakrông. Một thời, Hà, Đức và các bạn từng ngồi ở trường, lặng yên nhìn đồi núi nối đuôi nhau, rồi buông câu hỏi: “Biết bao giờ, chúng mình mới thực sự vượt núi để về xuôi, đến những thành phố lớn?”. Giờ đây, đôi bạn thân đều hiểu, ngọn núi cao nhất, khó vượt qua nhất không nằm ngoài tự nhiên bao la kia mà ở trong chính mỗi con người. Chỉ cần quyết tâm, nỗ lực hết mình, ta sẽ vượt qua ngọn núi ấy.

Hướng về quê hương

Những ngày này, đi qua xã Mò Ó và xã Tà Rụt thuộc huyện miền núi Đakrông, không khó để bắt gặp hình ảnh các cô, cậu bé người Vân Kiều, Pa Kô khoác chiếc áo ấm màu mận chín. Giữa bầu không khí lạnh tê buốt của vùng cao, chiếc áo ấm cùng với nụ cười tỏa nắng của em thơ khiến mọi người đều cảm thấy ấm lòng. Ít ai biết, những chiếc áo này chính là món quà mà Hà, Đức và một cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng Trị gửi tặng các em nhỏ vùng cao. Để có những chiếc áo ấm này, ba bạn trẻ tâm huyết phải bỏ nhiều thời gian, công sức, gõ cửa khắp nơi để vận động nhà hảo tâm.

Sống, học tập ở nơi mà “chỉ cần đưa máy lên chắc chắn sẽ có những bức ảnh đẹp” nhưng hình ảnh về mảnh đất, con người Quảng Trị và đặc biệt là huyện miền núi Đakrông vẫn thường trực trong tâm trí Hà, Đức. Dẫu bận rộn nhưng hai bạn trẻ không bỏ sót một dòng tin nào về quê hương. Khi nghe Quảng Trị hứng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh, đôi bạn thân đứng ngồi không yên. Khát vọng “làm một điều gì đó ý nghĩa” cho quê hương bùng cháy trong lòng Hà và Đức. Cuối cùng, hai bạn đã bàn bạc với nhau, xây dựng kế hoạch hướng về Quảng Trị. “Chúng em biết những du học sinh mới chân ướt, chân ráo sang Ý học tập như mình khó làm được điều gì quá to tát. Vì thế, em và Đức nỗ lực làm việc nhỏ bằng một trái tim lớn. Điều chúng em rất vui là bước đầu đã vận động được những tấm lòng nhân ái tặng lợn giống cho người dân tái thiết sau lũ, tặng áo ấm cho học sinh vùng cao”, Hà tâm sự.

 Hồng Hà, Văn Đức (ngồi ở giữa) chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng với các bạn trẻ Quảng Trị trong chương trình “Xách ba lô lên và thi” - Ảnh: NVCC

Hồng Hà, Văn Đức (ngồi ở giữa) chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng với các bạn trẻ Quảng Trị trong chương trình “Xách ba lô lên và thi” - Ảnh: NVCC

Bên cạnh các hoạt động thiện nguyện hướng về quê nhà, Hà và Đức đã lên ý tưởng tổ chức một số buổi chia sẻ kiến thức môn Lịch sử, tiếng Anh trực tuyến cho học sinh Quảng Trị. Hai bạn cũng đang nghiên cứu, xây dựng các lớp học tiếng Anh online quy mô nhỏ để giúp các bạn trẻ ở quê nhà rèn kỹ năng nghe, nói. Từ trái tim mình, Hà và Đức mong muốn sẽ bắc một nhịp cầu để những học sinh Quảng Trị, đặc biệt là ở huyện Đakrông vượt núi đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nước Ý. Về phần mình, đôi bạn trẻ này đã hoạch định tương lai là sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ ở Ý, chọn những ngành chuyên sâu để sau này có thể cống hiến nhiều hơn.

Càng gần đến ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, dẫu ở trời Âu xa xôi nhưng Hà và Đức vẫn cảm thấy rộn ràng trong lòng. Hà nhớ lại cái cảm giác hụt hẫng trong ngày 30 Tết Nguyên đán năm đầu tiên sang Ý. Hôm ấy, trong khi gia đình, bạn bè Việt Nam đang quây quần cho bữa cơm tất niên cuối năm thì Hà lại phải xách cặp đến trường dự thi môn cuối cùng của học kỳ ở Trường Đại học Ca’ Foscari. Đó là “thách thức tinh thần” mà có lẽ chỉ những người xa Tổ quốc mới hiểu. Thế nhưng năm nay, có lẽ nỗi buồn sẽ vơi bớt, niềm vui sẽ nhân lên khi bên Hà còn có người bạn tri kỷ. Hà và Đức đã bàn nhau tổ chức một bữa cơm tất niên với những người bạn yêu đất nước Việt Nam, mảnh đất Quảng Trị.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155429