Vượt núi mang ấm no về bản
Khi tia nắng len lỏi qua những tán rừng già, cũng là lúc tiếng khèn, tiếng sáo vang lên hòa cùng tiếng cười, nói rộn ràng của bà con bản Mờng, xã Quang Chiểu (Mường Lát)... Tết đã ở rất gần.
Với mươi cân thịt trâu còn tươi rói vừa đi lấy về, anh Lò Văn Liệu (sinh năm 1984) ở bản Mờng tất bật chế biến món đặc sản thịt trâu gác bếp bản địa. Anh Liệu vui vẻ nói: "Năm nay nhà anh Thuân trong bản mổ trâu, bà con chung nhau mua về ăn tết. Nhà thì mua lòng, mua da, người mua thịt bắp. Chưa đến nửa tiếng đồng hồ, con trâu gần 3 tạ thịt đã bán hết sạch".
Mặc dù anh Liệu sinh ra đã bị tật bẩm sinh, bước đi tập tễnh, nhưng anh lại rất khéo léo qua từng động tác xẻ, thái, tẩm ướp thịt trâu. Anh Liệu cho biết, muốn có thịt trâu gác bếp ngon thì ra đầu bản mua là có, chất lượng còn hơn mình làm. Nhưng tết mà, cái gì tự tay làm ra nó cũng ý nghĩa và có không khí hơn. Với lại mình có làm thì con cái mới học tập và hiểu được giá trị của ngày tết truyền thống dân tộc.
Kinh tế gia đình anh Liệu đang ngày một khấm khá lên. Vợ anh - chị Hà Thị Pẹn (sinh năm 1987) sau những tháng ngày lao động ở Đài Loan gửi tiền về giúp gia đình có của ăn của để. Tết này với gia đình anh Liệu không chỉ no ấm hơn, mà hai vợ chồng vốn nghèo nhất, nhì của bản giờ đã đủ tiền để ra năm xây dựng căn nhà mới - điều mà nhiều người ở bản Mờng không tin.
Còn nhớ, khi chị Pẹn có ý định đi xuất khẩu lao động, bản thân anh Liệu cũng rất bất ngờ. Bởi từ trước tới nay, đàn ông của bản đi xuất khẩu lao động thì nhiều, chứ phụ nữ, đặc biệt lại là người có gia đình thì chưa từng có ai. Nghĩ là vậy, nhưng anh Liệu vẫn tin sự lựa chọn của vợ là con đường duy nhất để gia đình anh thoát nghèo, con cái có tương lai tươi sáng. Anh Liệu nói: “Bản thân mình tàn tật, Pẹn yêu thương mình, đến với mình không tính toán thì không có lý gì mình mất niềm tin ở vợ!”.
Dù vậy, khi người dân trong bản biết tin chị Pẹn đi xuất khẩu lao động, nhiều người đồn đoán chị bỏ chồng con vì không chịu được khổ để tìm cuộc sống giàu sang. Họ cho rằng, chị Pẹn là người phụ nữ đã có gia đình, có con cái, lại không an phận lo cho cái bếp đỏ lửa, cho cái bụng chồng con được no mà bỏ bản, vượt núi đi xứ người. Đi rồi liệu có trở về bản nghèo nữa không?!...
Mặc những lời gièm pha, hai vợ chồng đôn đáo lo vay mượn tiền nong để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Thấm thoát, giờ đã gần 3 năm, gia đình anh Liệu đã trả hết nợ ngân hàng, dành dụm được đủ tiền để xây nhà mới. Nhìn vào bức ảnh cưới của hai vợ chồng, anh Liệu mỉm cười hạnh phúc, kể: Những ngày đầu khi mới sang Đài Loan, chị Pẹn thường xuyên gọi zalo về cho anh và các con kể chuyện bên xứ người. Từ việc sinh hoạt cho đến bất đồng ngôn ngữ, văn hóa. Nó khác xa việc lên nương, lên rẫy ở nhà. Làm việc trong nhà máy tù túng không thoải mái cái đầu, nhưng nhờ những lời động viên của anh, của các con, chị đã vượt qua. Anh Liệu nhớ như in cái ngày chị Pẹn nhận tháng lương đầu tiên, chị đã khoe cho anh và các con trong niềm vui khó tả. Vui đến nỗi, chị nói nhận tiền lương chẳng cần ăn cũng no bụng! Cứ cố gắng thế này thì chả mấy chốc trả hết nợ, thoát được nghèo...
Sau khi tẩm ướp, đưa thịt trâu vào gác bếp, hai đứa con anh Liệu lại tíu tít giúp bố nhặt rau. Tiếng cười, nói của bọn trẻ hòa cùng âm thanh rộn rã trong bản, nơi tiếng cồng chiêng, nhịp khua luống vẫn vang vọng không ngừng.
Ông Hà Văn Nghiền, trưởng bản Mờng, kể rằng, chị Pẹn là người phụ nữ đầu tiên trong bản, dù đã có gia đình vẫn mạnh dạn rời núi đi xuất khẩu lao động, có tiền gửi về cho gia đình. Sau chị Pẹn, nhiều phụ nữ khác ở bản như Hà Thị Nguyệt, Vi Thị Thiệp, Hà Thị Yên... cũng nối bước, học tiếng, đi xuất khẩu lao động để tìm cơ hội đổi đời. Chính những người như các chị đã giúp cho bản Mờng ngày một khởi sắc. Những ngôi nhà mái bằng, nhà tầng khang trang lần lượt mọc lên, phần lớn thuộc về các gia đình có con em đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm ăn xa. Đời sống được nâng lên, bà con không chỉ đủ ăn, đủ mặc, mà còn tích cực đóng góp xây dựng bản làng. Nhờ vậy, bản Mờng đã “cán đích” bản NTM năm 2023.
Bản Mờng từ những mái nhà đơn sơ nép mình dưới đại ngàn thâm u, giờ đây đã tự viết nên câu chuyện thoát nghèo đầy cảm hứng giữa nắng ấm vùng biên.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/vuot-nui-mang-am-no-ve-ban-34980.htm