Vượt qua các thách thức khi tham gia RCEP
Phỏng vấn ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF)...
Là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bên cạnh những triển vọng tích cực, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đem đến khá nhiều thách thức cho Việt Nam. Khu vực doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn để tiếp cận thị trường nhập khẩu là các đối tác RCEP, khó khăn hơn trong gia nhập chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết tại Hà Nội nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. Theo ông, hiệp định này sẽ tác động như thế nào đến Việt Nam?
So với những hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, giá trị gia tăng dự kiến RCEP đem lại cho Việt Nam là không nhiều ngay cả khi Ấn Độ còn tham gia hiệp định. Các dự báo trước đây cho thấy, tăng trưởng xuất nhập khẩu nhờ RCEP thấp hơn đáng kể so với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bởi mức cắt giảm thuế quan trong RCEP không có đột biến so với các FTA giữa ASEAN với 6 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. RCEP là "phiên bản" FTA được gộp lại từ những hiệp định này.
Có một số mặt hàng trong RCEP được cắt giảm sâu hơn so với mặt bằng chung hiện nay, nhưng vì một số FTA ASEAN với các đối tác được ký kết cách đây vài năm và đang trong lộ trình cắt giảm thuế sâu nên mức cắt giảm thuế quan trong RCEP với các FTA này sẽ không đủ kích thích để tạo ra sự đột biến trong tăng trưởng xuất nhập khẩu.
Hơn nữa, RCEP không phải là một FTA thế hệ mới với rất nhiều cam kết sau đường biên nên sẽ không có những đột phá về cải cách thể chế, thị trường, lao động, cơ cấu sản xuất... RCEP vẫn là câu chuyện của khu vực chứ không phải là một FTA thế hệ mới giữa một bên là các quốc gia phát triển với một bên là các quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, RCEP cũng có những tác động làm thay đổi nền thương mại và đầu tư của khối. Đó là cấu trúc thương mại của các nước sẽ thay đổi nhanh, dẫn tới dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ thay đổi theo.
Chẳng hạn, trước đây, để được ưu đãi xuất khẩu sang Nhật Bản, một số mặt hàng phải đạt được tỷ lệ nội khối ít nhất từ khoảng 30-40%. Nhưng với việc nâng tỷ lệ nội khối trong xuất khẩu hàng hóa của các thành viên RCEP, nhiều doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi này để gia tăng xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của Việt Nam từ các đối tác trong RCEP có thể gia tăng.
Điều này dẫn tới hệ lụy về cạnh tranh chuỗi cung ứng trong nước. Đó là hàng nhập khẩu sẽ nhiều hơn khi doanh nghiệp FDI và trong nước tận dụng xuất khẩu hàng hóa dựa trên nền tảng nhập khẩu từ các nước thành viên. Phát triển chuỗi cung ứng trong nước sẽ gặp khó khăn và thách thức nhất là khi chúng ta muốn cải thiện chuỗi cung ứng trong nước.
Về đầu tư, RCEP có thể tạo ra 2 xu hướng ngược chiều nhau. Trước đây, do nhiều yếu tố như Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hay chiến lược Trung Quốc+1, chính sách hướng Nam của Nhật Bản, Hàn Quốc... nhiều doanh nghiệp muốn đẩy sản xuất sang các nước ASEAN. Điều này giải thích cho sự bùng nổ của làn sóng FDI vào Việt Nam những năm qua.
Với RCEP, lực cản dịch chuyển có thể sẽ lớn hơn. Các ông lớn có thể sẽ bắt tay nhau, khiến dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản sang Trung Quốc, từ Hàn Quốc sang Trung Quốc sẽ tăng lên. Vì vậy, dòng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang ASEAN trong đó có Việt Nam sẽ chậm lại khi Trung Quốc trở thành thị trường đầu tư thuận lợi hơn so với các thành viên RCEP khác.
Như ông chia sẻ, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ các đối tác trong RCEP đặc biệt là từ Trung Quốc sẽ gia tăng. Điều này có nghĩa là thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP sẽ không có nhiều cải thiện?
Hiện nay Việt Nam thâm hụt thương mại với khá nhiều thành viên RCEP. Đáng lưu ý, thâm hụt với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang gia tăng do nhu cầu nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp FDI tăng lên. Việc giảm thâm hụt trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào sự dịch chuyển của dòng vốn FDI bởi nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đang rất lớn.
Trong khi đó, khả năng xuất khẩu hàng tiêu dùng của Việt Nam vào các đối tác trong khu vực đặc biệt là ASEAN không nhiều bởi các nền kinh tế này có sự tương đồng khá lớn với hàng hóa của Việt Nam. Do đó, khả năng giảm thâm hụt sẽ rất khó.
Bất kể FTA nào đều có những tác động thuận nghịch. Trong rất nhiều trường hợp, dù tác động nghịch nhiều hơn, các nền kinh tế vẫn tham gia các hiệp định này. Chẳng hạn như trường hợp của Canada và Chile... trong CPTPP. Nếu dựa trên mô hình phân tích, tham gia CPTPP sẽ khiến các nền kinh tế này thua thiệt. Nhưng vấn đề đặt ra là nếu không tham gia, đứng ngoài cuộc chơi có thể còn bị thua thiệt nhiều hơn.
Theo ông, những ngành nào sẽ chịu tác động mạnh từ RCEP?
Những ngành nào các doanh nghiệp FDI đang dẫn dắt sẽ vẫn là những ngành được hưởng lợi từ RCEP. Câu chuyện thay đổi chuỗi cung ứng điện tử ở khu vực vẫn sẽ diễn ra và Việt Nam vẫn có thể trở thành trung tâm hút vốn FDI trong lĩnh vực điện tử hàng đầu khu vực.
Ngoài ra, một số ngành sản xuất cần nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc rồi xuất khẩu trở lại trong RCEP như hóa chất, nhựa... cũng sẽ thuận lợi. Trong khi đó, dệt may và da giày sẽ là hai ngành chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn khi nguồn lực bị hút theo những ngành có khả năng cạnh tranh cao trong RCEP.
Vậy chúng ta nên có hành động thế nào để nắm bắt những mặt tích cực và giảm bớt những tác động tiêu cực nếu có, thưa ông?
Không chỉ nhìn RCEP là tác nhân duy nhất ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam trong tương lại. Ngoài các FTA được ký kết, những yếu tố như chiến tranh thương mại, dịch Covid-19... vẫn là những yếu tố tác động tới Việt Nam. Theo đó, chúng ta vẫn là quốc gia được hưởng lợi trong một giai đoạn nhất định.
Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, sự dịch chuyển chuỗi sản xuất, tránh sự độc quyền tại Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở thời điểm RCEP có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc tới lợi ích của RCEP với việc dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Bởi hiện nay chi phí lao động tại quốc gia đông dân nhất thế giới này đang gia tăng chóng mặt.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn của thế giới như chính sách ưu đãi thuế, đất đai, phát triển công nghiệp hỗ trợ... Vấn đề bây giờ là làm sao để những chính sách này trở thành lực hút kéo các doanh nghiệp FDI hàng đầu tới Việt Nam. Thực thi và hiệu quả là cần thiết vào lúc này.
Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/vuot-qua-cac-thach-thuc-khi-tham-gia-rcep-20201125085805237.htm