Vượt qua chính mình
Khi không có cơ hội giành huy chương ở Olympic Paris 2024 thì nhiều VĐV Việt Nam vẫn xác định phải vượt qua chính mình. Chuyện tưởng đơn giản nhưng lại thực tế lại không đơn giản.
Cú sảy chân bất ngờ của “Rái cá sông Gianh”
Tại Olympic Paris 2024, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã sớm kết thúc thi đấu nội dung 800m tự do. Anh bị loại ngay sau lượt thi vòng loại đầu tiên và điều đó không làm ai bất ngờ. Bởi ngay từ trước khi bước vào cuộc thi này, giới chuyên môn đều đánh giá là Huy Hoàng khó so đọ được với những kình ngư có trình độ, thể hình vượt trội. Thứ hạng tại cuộc thi của kình ngư Việt Nam không quá quan trọng. Quan trọng là chỉ số chuyên môn của Huy Hoàng.
Cuối cùng, Huy Hoàng về thứ 5 ở lượt bơi vòng loại của mình nhưng đáng chú ý là chỉ số chuyên môn lại thấp, khiến giới chuyên môn thực sự bất ngờ. Theo đó, thành tích của Huy Hoàng là 8 phút 08 giây 39, mức thấp trong vài năm gần đây.
Tại ASIAD 19 năm 2023, Huy Hoàng giành HCĐ nội dung 800m nam với thông số 7 phút 51 giây 44. Còn tại Olympic Tokyo 2020 năm 2021, cũng ở nội dung 800m, kình ngư này đạt thông số 7 phút 54 giây 16. Đó là những thông số chuyên môn phù hợp với khả năng, thực lực của kình ngư người Quảng Bình này.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, các thông số ở nội dung 800m của Huy Hoàng bắt đầu đi xuống. Tại giải vô địch thế giới các môn thể thao dưới nước tại Qatar hồi tháng 2, Huy Hoàng chỉ đạt thành tích 8 phút 05 giây 17. Còn trước khi dự Olympic Paris 2024, Huy Hoàng chỉ đạt thành tích 8 phút 09 giây 66 tại giải vô địch thế giới vào tháng 6. Đây là thông số thực sự không ổn so với thực lực kình ngư số 1 Việt Nam tại đường bơi dài này.
Đáng chú ý, ở nội dung 800m tự do nam, thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của Huy Hoàng là 7 phút 49 giây 67. Cho nên người ta có lý do để hy vọng Huy Hoàng có thể đạt thành tích trong khoảng dưới 8 phút ở kỳ Olympic Paris này. Đặc biệt, để chuẩn bị cho Olympic Paris 2024, Nguyễn Huy Hoàng cũng được đi tập huấn dài hạn, tham dự nhiều giải bơi cấp độ khác nhau với những VĐV có thể hình vượt trội.
Vì vậy, mới có những bất ngờ trước chỉ số chuyên môn của Huy Hoàng tại nội dung 800m ở Olympic Paris 2024, nhất là khi anh đang tuổi 24, độ tuổi không còn trẻ nhưng cũng phải là lớn tuổi trong môn bơi. Thành tích đi xuống của anh chỉ có thể lý giải về vấn đề chuyên môn, tâm lý. Theo lý giải của đại diện Ban huấn luyện đội tuyển bơi Việt Nam, một phần Huy Hoàng không đạt được tốc độ tốt nhất trên đường bơi 800m tự do vừa qua do bị ngợp trước các đối thủ. Như thế vấn đề tâm lý cũng đã được đề cập, lý giải phần nào về thành tích vừa qua của kình ngư này.
Đứng dậy mạnh mẽ hơn
Ngay ở Olympic Paris, người ta cũng đã chứng kiến sự vượt qua chính mình đầy mạnh mẽ của tay chèo môn đua thuyền rowing Phạm Thị Huệ. Bà mẹ 2 con người Quảng Bình đang đầu quân cho thể thao Đà Nẵng này từng có thành tích không tốt ở vòng tranh vé đầu tiên dự vòng tứ kết.
Nhưng rồi đến vòng tranh vé vớt vào tứ kết sau đó, cô đã cải thiện đáng kể thành tích để giành vé vào tứ kết. Đến vòng tứ kết, dù xác định khó so đọ với các đối thủ nhưng Phạm Thị Huệ cũng đặt mục tiêu phải đạt thông số tốt hơn ngày hôm trước. Cuối cùng, cô cũng hoàn thành mục tiêu dù không lọt vào vòng đấu tiếp theo.
Môn bơi không có nhiều cơ hội để chứng tỏ sự vượt qua chính mình như môn rowing khi VĐV bị loại không thể thi đấu ở vòng phân hạng hoặc tranh vé vớt. Cũng vì thế, Nguyễn Huy Hoàng không có cơ hội để chứng tỏ có thể đạt thành tích tốt hơn tại nội dung 800 tự do nam tại sân chơi này.
Cơ hội của tuyển thủ này giờ chỉ còn ở nội dung 1.500m tự do, sẽ diễn ra vào ngày 3/8 (giờ Việt Nam) tới. Câu chuyện giờ không nằm ở năng lực chuyên môn mà nằm ở khâu cải thiện tâm lý để giúp Huy Hoàng có sự tự tin cao nhất, trong đó cải thiện khâu tốc độ, điều được nhận xét là còn thiếu trong phần thi 800m tự do vừa qua của kình ngư này.
Điều quan trọng hơn cả là Đoàn thể thao Việt Nam cũng không tạo áp lực thành tích cho các tuyển thủ mà chỉ động viên họ nỗ lực đạt thành tích tốt nhất. Trong trường hợp này, sự xuất hiện của các chuyên gia tâm lý nhằm giúp VĐV đạt trạng thái thoải mái nhất lại là điều được nhắc đến. Bởi trước Olympic Paris 2024, khi nhắc đến việc đầu tư trọng điểm cho VĐV chính Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cũng cho rằng đây là khâu quan trọng.
Tuy nhiên, với điều kiện có hạn nên trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic Paris 2024 cũng chỉ có thể cơ cấu được 2 bác sĩ thuần túy chuyên môn chữa trị chấn thương. Còn việc xuất hiện của các chuyên gia tâm lý vẫn thực sự là xa vời. Lúc này, phải trông vào cái tài về tâm lý của lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam cũng như HLV trực tiếp.
Thực tế, câu chuyện vượt qua chính mình đặt ra với những VĐV như Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thị Huệ… tại kỳ Olympic Paris 2024 cũng đặt ra không ít vấn đề với thể thao Việt Nam, từ việc tiếp tục cải thiện tầm vóc, sức mạnh, tốc độ cho VĐV để họ có thể tự tin đua tranh sòng phẳng với những VĐV khác cho đến khâu cải thiện tâm lý cho VĐV. Đó sẽ là câu chuyện dài với thể thao Việt Nam.
Lần sau tốt hơn lần trước
Ở ASIAD 19 năm 2023 tại Trung Quốc, Huy Hoàng thi đấu nội dung đầu tiên là 1.500m tự do nhưng gặp vấn đề tâm lý nên không giành huy chương. Sau đó, Huy Hoàng có chuẩn bị tốt hơn, đặc biệt ở khâu tâm lý, để giành HCĐ cự ly 800m đồng thời vượt chuẩn A dự Olympic Paris 2024.
Với lần thi đấu tới ở cự ly 1.500m tự do tới tại Olympic Paris 2024, người ta cũng hy vọng Huy Hoàng sẽ vượt qua chính mình đầy ngoạn mục.
Minh Khuê
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/vuot-qua-chinh-minh-i739166/