Vượt qua cơn bất ổn bị bạn bè ngó lơ

Bị tổn thương vì bạn bè đột ngột 'ghosting', cá nhân nên dành thời gian để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực bằng cách tập trung vào công việc hay sở thích.

 Nhiều người cảm thấy giận dữ, tổn thương khi bị bạn bè "ghosting". Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels.

Nhiều người cảm thấy giận dữ, tổn thương khi bị bạn bè "ghosting". Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels.

"Ghosting" hay "bơ" là hành động cắt đứt liên lạc với ai đó mà không giải thích hay một lời báo trước. Cụm từ này thường gắn liền với chủ đề hẹn hò, nhưng cũng xảy ra trong mối quan hệ với bạn bè.

Hiện tượng trên không hề hiếm gặp. Trong một nghiên cứu từ năm 2018, 39% người tham gia cho biết từng bị ít nhất một người bạn ngó lơ. Gần đây nhất, một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay cho thấy mọi người thường cảm thấy bị tổn thương sau khi một người bạn hoặc đối tác hẹn hò đột ngột chấm dứt liên lạc.

Theo New York Times, khi bị bạn bè "ghosting", chúng ta có thể tham khảo các cách sau để thoát khỏi cú sốc tinh thần.

 "Ghosting" trong tình bạn xảy ra rất thường xuyên. Ảnh minh họa: Nick Mayer/Pexels.

"Ghosting" trong tình bạn xảy ra rất thường xuyên. Ảnh minh họa: Nick Mayer/Pexels.

Gọi tên cảm xúc

Một nghiên cứu thực tế ở Hà Lan cho thấy mọi người có thể mất khoảng một nửa số bạn bè trên mạng xã hội sau mỗi 7 năm.

Thêm đó, Irene S. Levine, nhà tâm lý học và tác giả của cuốn sách Best Friends Forever: Surviving a Breakup with Your Best Friend (tạm dịch: Mãi mãi là bạn tốt: Cách vượt qua khi đường ai nấy đi với bạn thân) cũng nhấn mạnh rằng sự thay đổi là điều rất phổ biến trong các mối quan hệ.

Hiểu được điều đó, mọi người có thể bình thường hóa các trải nghiệm không vui và cảm thấy thoải mái hơn khi bạn bè rời đi.

Khi bị "ghosting", chúng ta có thể cảm thấy buồn, tức giận hoặc xấu hổ. Nhưng thay vì cố gắng phớt lờ, hãy cố gắng gọi tên cảm xúc đó.

Chỉ khi thừa nhận tâm lý mình bất ổn, ta mới có thể đi đến những bước tiếp theo để giải tỏa chúng.

Phương pháp này được gọi là "dán nhãn cảm xúc", tức là diễn đạt cảm xúc bằng lời nói. Marisa Franco, một nhà tâm lý học nghiên cứu về tình bạn, gợi ý một vài cách như viết nhật ký, khóc hoặc chia sẻ với những người bạn khác.

 Tập trung vào các mối quan hệ khác sẽ giúp cá nhân không cảm thấy cô đơn khi bị ai đó phớt lờ. Ảnh minh họa: Zen Chung/Pexels.

Tập trung vào các mối quan hệ khác sẽ giúp cá nhân không cảm thấy cô đơn khi bị ai đó phớt lờ. Ảnh minh họa: Zen Chung/Pexels.

Tập trung vào các lĩnh vực, mối quan hệ khác

Bị phớt lờ khiến mọi người cảm thấy khó chịu, bất an vì sự mơ hồ, thiếu chắc chắn. Nếu đang ở trong một mối quan hệ như vậy, chúng ta nên chuyển dời sự chú ý của mình vào các khía cạnh khác, ví dụ công việc hoặc sở thích.

Christina Leckfor, nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học xã hội tại Đại học Georgia (Mỹ), khuyên rằng hãy lấp đầy khoảng trống mà "ghosting" tạo ra bằng cách dành thời gian cho gia đình và những người bạn thân khác.

Ngoài ra, nguyên nhân của việc bị ngó lơ có thể không bắt nguồn từ chính bạn. Nếu đối phương đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, bệnh tật hoặc gia đình, nhiều khả năng họ sẽ không muốn chia sẻ với ai, tệ hơn là cắt đứt liên lạc với mọi người.

 Khi bị "ghosting", hãy cân nhắc liên hệ lại nếu vẫn muốn duy trì mối quan hệ. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Khi bị "ghosting", hãy cân nhắc liên hệ lại nếu vẫn muốn duy trì mối quan hệ. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Cân nhắc liên hệ lại

Như nhắc đến ở trên, đôi khi đối phương không cố tính phớt lờ tình bạn. Ngoài ra, xa cách về mặt địa lý cũng là nguyên nhân phổ biến khiến mối quan hệ phai nhạt.

Vì vậy, hãy thử liên lạc lại với bạn bè bằng cách nhắn cho họ rằng: "Dạo này mình không nghe tin tức gì về cậu. Mình không chắc cậu có muốn tiếp tục nói chuyện với mình nữa không".

Khi nhận được tin nhắn, có thể đối phương sẽ thầm cảm ơn vì chúng ta đã kiên trì cứu vãn mối quan hệ.

Bích Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vuot-qua-con-bat-on-bi-ban-be-ngo-lo-post1423470.html