Vượt qua dịch bệnh, kinh tế có đà 'cất cánh'
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng tự hào, tăng trưởng GDP từ 2%-3%
Ngày 3-11, (QH) thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Ổn định kinh tế vĩ mô
Cho rằng dù một số chỉ tiêu không hoàn thành do khách quan, song đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận kết quả đạt được về KT-XH vẫn rất đáng tự hào. Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 4 năm đầu nhiệm kỳ mà không phải "hy sinh" các chỉ tiêu khác, như tỉ giá, lạm phát, nợ công. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, thậm chí IMF dự báo quy mô vượt Singapore. "Dù vậy, bức tranh kinh tế còn nhiều điểm mà chúng ta không thể hài lòng" - ông Lộc nhận xét.
Nói về mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ thời gian tới, ông Lộc đồng tình song cho rằng sẽ là thách thức. GDP chỉ tăng trung bình 6,3% trong giai đoạn 2010-2019, nhưng mục tiêu 5 năm tới tăng 6,5%-6,7%. "Có khát vọng là cần thiết, đặt mục tiêu cao giúp cả hệ thống nỗ lực hơn nhưng cũng gây sức ép cho chính sách tài khóa, tiền tệ. Điều này có thể gây ra tình trạng bất ổn vĩ mô như đã xảy ra trong quá khứ" - ông Lộc lưu ý và đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu ổn định vĩ mô làm nền tảng, bệ đỡ trong giai đoạn tới.
Góp ý kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng nếu nhìn nhận đây là một "chặng bay mới", có người gọi là "Đổi mới lần 2", thì 10 năm tới đây đất nước phải "cất cánh" và đạt được trình độ cần có để thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", từ đó "bay" nhanh hơn để gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển. "Chưa thấy Chính phủ nêu giải pháp đối với các dự án trùm mền, đắp chiếu đang nợ, lỗ lũy kế hàng trăm ngàn tỉ đồng. Cử tri cần Chính phủ thông tin về việc này" - ĐB Nghĩa yêu cầu.
Thu hồi các dự án chậm triển khai
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho biết năm 2020 là khoảng thời gian mà cả nhân loại, trong đó đặc biệt là nước ta trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn nhưng nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng, tương đối đồng bộ các mục tiêu như nghị quyết QH đã đề ra.
"Trong khi hầu hết các nước trên thế giới có tăng trưởng âm thì ước tăng trưởng của nước ta khoảng 2%. Chúng ta đã duy trì được sản xuất, kinh doanh không bị rơi vào suy thoái. An ninh, năng lượng, lương thực được bảo đảm" - ông Hận nói.
Dù vui mừng về những thành tựu đã đạt được nhưng các ĐB kiến nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ về thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt vừa qua. Không chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở các lĩnh vực khác, để qua đó đánh giá đúng chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, đúng thực trạng về đời sống của nhân dân.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho biết với tình hình đại dịch Covid-19, thiên tai ở miền Trung, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, năm 2020 khả năng sẽ hụt thu ngân sách nhà nước; nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới sẽ rất khó khăn, cần có sự đồng lòng vào cuộc quyết liệt của tất cả các ngành, các cấp. Ông Hải đề nghị cần xem xét, cân nhắc, tiếp tục cắt giảm nhiệm vụ chi thường xuyên, chưa cấp bách.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nhìn nhận nguồn vốn đầu tư công được xem là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, chậm giải ngân vốn đầu tư công trở thành vấn đề trầm kha, cứ đến quý III hằng năm là vấn đề này tiếp tục được nêu ra và trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Từ thực tế đó, ĐB tỉnh Bình Phước đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lựa chọn, phân bổ các dự án đầu tư công. Phải kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu.
Hôm nay, 4-11, QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về KT-XH.
Ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội
Ngày 3-11, QH đã tiến hành quy trình bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc, ĐB thuộc đoàn TP HCM. Theo kết quả từ ban kiểm phiếu, có 471/482 ĐBQH có mặt thực hiện việc bỏ phiếu, trong đó có 470/471 phiếu hợp lệ. Kết quả biểu quyết có 467 phiếu (96,8% tổng số ĐBQH khóa XIV) đồng ý bãi nhiệm ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc. Có 3 phiếu không đồng ý (0,62%). Như vậy, căn cứ Luật Tổ chức QH, nội quy kỳ họp, QH đã bãi nhiệm ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc. Nghị quyết bãi nhiệm cũng đã được QH thông qua ngay sau đó. Trước đó, Ủy ban Thường vụ QH xác định ông Phạm Phú Quốc xin nhập quốc tịch Cộng hòa Cyprus và đã có quốc tịch Cộng hòa Cyprus nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn ĐBQH theo quy định tại điều 22 Luật Tổ chức QH.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vuot-qua-dich-benh-kinh-te-co-da-cat-canh-20201103220227825.htm