Vượt qua định kiến, vươn lên làm kinh tế

Từ dịch vụ xay xát gạo, gia đình chị Sô Thị Hồng đã có thu nhập khá. Ảnh: MINH DUYÊN

Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở Phú Yên đã vượt qua những hạn chế về nhận thức, định kiến của xã hội và các hủ tục lạc hậu, tự tin vươn lên, khẳng định khả năng trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Có thu nhập khá

Chị Ksor Hờ Thiết, người dân tộc Ba Na ở thôn 3, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất mới vào trồng 10ha sắn và nuôi 35 con bò, nên đã có thu nhập bình quân hơn 150 triệu đồng/năm. Có tiền, chị xây được nhà cửa khang trang với cuộc sống khá giả.

Chị Ksor Hờ Thiết chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp bây giờ chỉ dựa vào đất và sức thôi chưa đủ mà phải có kỹ thuật mới và thường xuyên nắm thông tin thị trường, để kịp thời chuyển đổi cây trồng phù hợp; có như vậy mới cho năng suất cao, nông sản bán được giá. Tôi trồng sắn chuyên canh, nếu không vững kỹ thuật để xảy ra sự cố như sâu bệnh, hạn hán thì có thể bị mất trắng.

Với chị Sô Thị Hồng, người dân tộc Chăm ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) lại mạnh dạn mở dịch vụ máy cày, máy xay xát kết hợp với trồng 5ha mía, 5.000m2 lúa nước và chăn nuôi 20 con heo. Mỗi năm trừ chi phí, chị thu lãi 90-100 triệu đồng. Theo chị Hồng, sản xuất nông nghiệp dựa vào thời tiết, giá cả nên bấp bênh, không ổn định. Chị bàn với chồng, đầu tư vốn mua máy cày, máy xay xát gạo, vừa phục vụ cho sản xuất gia đình, vừa làm dịch vụ cho bà con. Nhờ vậy, gia đình chị có nhiều nguồn thu nhập, nguồn thu này hỗ trợ cho nguồn thu kia nên luôn ổn định.

Còn chị Hoàng Thị Hiền, người dân tộc Tày ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), nhờ nhanh nhạy chuyển từ trồng cây cà phê sang cây sầu riêng đã có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Chị Hiền cho biết: Thấy cây cà phê cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, tôi chuyển sang trồng chuyên canh 90 gốc sầu riêng. Tôi chọn sầu riêng giống Mon thong và Ri.6 hạt lép, cho trái to, dày cùi, thơm béo được thị trường ưa chuộng. Từ khi chuyển sang cây trồng mới này, thu nhập của gia đình tôi khá hẳn lên.

Hay chị Mang Thị Út ở thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) lại thực hiện đa canh để lấy ngắn nuôi dài, tạo thu nhập ổn định cho kinh tế gia đình. “Với 10ha, tôi trồng mía, sắn, keo lai. Nếu chỉ trồng một loại cây, điều kiện không thuận thì khó xoay xở. Đa canh đã giúp gia đình tôi có thu nhập 150 triệu đồng/năm”, chị Út nói.

Tích cực hoạt động xã hội

Bà Trương Thị Bích Liên, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), cho biết: Sơn Hội có 2.485 nữ, chiếm hơn 51% tổng số khẩu toàn xã, trong đó 474 chị là người DTTS. Trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, Hội LHPN xã đứng ra tín chấp vay vốn, giúp các chị có điều kiện để phát triển sản xuất. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, có 42 chị đồng bào DTTS đã thoát nghèo, trong đó 18 chị vươn lên thành hộ khá.

Ngoài ra, nhóm phụ nữ DTTS của xã tiết kiệm được hơn 218 triệu đồng, giúp giống cây trồng, đất sản xuất, tiền mặt… cho chị em là người đồng bào nghèo để xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, phụ nữ xã Sơn Hội nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng là lực lượng tích cực trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2014 đến nay, các chị đã vận động được 14 gia đình hiến 1.840m2 đất để xây dựng 6 tuyến đường liên thôn; hội viên phụ nữ góp 2.753 ngày công làm đường bê tông nông thôn.

Chị Nay Hờ Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh, cho biết: Chị em đồng bào DTTS trên địa bàn huyện tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chủ động nắm bắt phương pháp canh tác mới và ứng dụng có chọn lọc vào điều kiện sản xuất của gia đình mình. Đồng thời, các chị em còn tích cực nâng cao kiến thức đời sống như sinh đẻ có kế hoạch, nuôi con khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc… Hiện địa phương có 5.653 phụ nữ DTTS, trong đó từ năm 2018 đến nay có 100 chị em thoát nghèo thành công.

Theo Phó Ban Dân tộc tỉnh Lê Thị Thanh Bích, tham gia làm kinh tế, nhiều chị em DTTS đã khẳng định được bản thân, qua đó nói lên tiếng nói của mình trong gia đình và khẳng định vai trò ngoài xã hội. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi tư duy, cách nhìn để chị em từng bước vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống của mình và gia đình, cũng như góp phần vào thực hiện bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Tham gia làm kinh tế, nhiều chị em DTTS đã khẳng định được bản thân, qua đó nói lên tiếng nói của mình trong gia đình và khẳng định vai trò ngoài xã hội.

Bà Lê Thị Thanh Bích, Phó Ban Dân tộc tỉnh

MINH DUYÊN - NGỌC LY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/231040/vuot-qua-dinh-kien-vuon-len-lam-kinh-te.html