Vượt qua định mệnh

Năm 2020, thế giới đã trải qua một trong những thời khắc cam go nhất trong lịch sử phát triển của mình...

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua sẽ mang lại những thay đổi lớn cho nước Mỹ và thế giới những năm tới.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua sẽ mang lại những thay đổi lớn cho nước Mỹ và thế giới những năm tới.

Năm 2020, thế giới đã trải qua một trong những thời khắc cam go nhất trong lịch sử phát triển của mình...

Sự trùng hợp hy hữu

Như một sự trùng hợp hy hữu của định mệnh, đúng vào ngày 14-12-2020, tại Mỹ đã diễn ra đồng thời hai sự kiện: 538 đại cử tri các bang bỏ phiếu quyết định rằng người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 là ông Joe Biden; cũng trong ngày hôm ấy, Sandra Lindsay, một y tá chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Y tế Long Island Jewish ở New York, là người đầu tiên tại Mỹ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Bằng việc bỏ phiếu chính thức hóa kết quả cuộc bầu cử ngày 3-11-2020 công nhận ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, các cử tri đoàn trên khắp nước Mỹ dường như đã đánh dấu chấm hết cho những nỗ lực pháp lý không mệt mỏi của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump nhằm đảo ngược kết quả cuộc bầu cử.

Còn việc một nữ y tá ở quận Queen của New York được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên đánh dấu nước Mỹ bước vào một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống lại cơn đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người trong số hàng chục triệu người bị nhiễm bệnh. Tiếp theo những liều vắc-xin đầu tiên sẽ là một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nếu như chống Covid-19 thật sự là một cuộc chiến tranh thì vắc-xin chính là “vũ khí” hiệu quả để chấm dứt cuộc chiến đó.

Ngày này, vì thế, đã trở thành một ngày định mệnh không chỉ đối với nước Mỹ mà còn với toàn thế giới. Bởi nó hợp nhất hai sự kiện đã diễn ra trong suốt cả năm 2020 sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến toàn thế giới trong suốt những năm dài tiếp theo.

Cuộc bầu cử Tổng thống sẽ quyết định một “nước Mỹ trên hết”, biệt lập, đóng cửa các đường biên, chống lại thương mại đa phương, xem xét lại toàn diện các hiệp ước, hay trở lại với các liên minh, khôi phục những thỏa thuận thương mại và chống biến đổi khí hậu, thậm chí quay lại cả những hiệp định với “kẻ thù” của Mỹ dưới một hình thức nào đó. Là siêu cường số 1 thế giới, đương nhiên là người đứng đầu nước Mỹ, thông qua việc hoạch định chính sách sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống quốc tế.

Còn Covid-19, sát thủ vô hình hoành hành trong suốt cả năm 2020, đã gây nên thảm trạng kinh hoàng trên khắp thế giới, là cơn ác mộng đối với cuộc sống của hàng tỷ người trên khắp hành tinh. Việc có được những liều vắc-xin cho phép người ta nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm và cũng là lần đầu tiên, con người nhận ra khả năng có thể chiến thắng được kẻ thù đáng sợ này.

Vậy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và dịch Covid-19 đã làm biến đổi thế giới như thế nào trong năm 2020?

Cơn “đại hồng thủy” trong thế kỷ XXI

Vắc-xin Covid-19 đánh dấu bước tiến mới trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Từ đầu năm 2020, chủ yếu theo các đường bay quốc tế, Covid-19 lan cực nhanh khắp thế giới, trở thành một cơn “đại hồng thủy” dịch bệnh quét qua các lục địa, kể cả châu Nam Cực. Theo những thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm cuối năm, đã có khoảng gần 80 triệu người trên thế giới bị nhiễm căn bệnh quái ác, trong đó gần hai triệu người tử vong. Một trong những quốc gia phải chịu hậu quả nặng nề nhất do Covid-19 gây ra chính là Hoa Kỳ, hằng ngày phải chịu tổn thất bằng một vụ tấn công khủng bố 11-9 với trung bình hơn 3.000 người tử vong mỗi ngày.

Những con số thương vong đó chưa hẳn là cao nếu so sánh với những đại dịch bệnh trong quá khứ loài người (vì trình độ khoa học ngày nay đã phát triển gấp nhiều lần) nhưng nỗi sợ hãi mà Covid-19 gây ra thì không gì đong đếm được. Vi-rút cô-rô-na chủng mới tạo ra một sự “bình đẳng” tuyệt đối: bất kỳ ai cũng có thể bị lây nhiễm, cho dù đó là Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh hay một người dân nghèo khổ ở Ấn Độ, Sri Lanca...

Nó thách thức mọi hệ thống y tế từng được đánh giá là tiên tiến đến đâu và trong một vài trường hợp, sự lựa chọn chính sách sai lầm mang tính quốc gia đã khiến cho một số nước lâm vào thảm họa.

Covid-19 đã khiến cho toàn bộ nền kinh tế thế giới năm 2020 lâm vào cuộc suy thoái lớn nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng diễn ra từ 100 năm trước, cuối thập niên 1920 của thế kỷ XX. Nó là thứ giấy quỳ làm hiển hiện những bất cập của chuỗi cung ứng toàn cầu, cách các nền kinh tế phản ứng với khủng hoảng, sự bấp bênh của hệ thống y tế lớn nhỏ. Tất cả các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều có mức suy giảm nghiêm trọng, tốc độ tăng trưởng âm trong năm 2020.

Dịch bệnh đã tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao của mỗi quốc gia cũng như toàn cầu. Các đường biên bị đóng cửa, những quy tắc của liên minh bị phá vỡ, các sự kiện thể thao lớn nhất thế giới bị hủy bỏ hoặc lùi thời điểm tổ chức vô thời hạn...

Tất cả cho thấy Covid-19 đã phủ một màu u ám lên bức tranh toàn cầu trong năm 2020.

“Cuộc sát hạch” lớn

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, vốn lâu nay thu hút sự chú ý của cả thế giới, lại càng trở nên đặc biệt hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng và tấn công mạnh mẽ vào nước Mỹ. Vô hình trung, từ chỗ là sự kiện để người dân Mỹ lựa chọn ra người đứng đầu đất nước trong bốn năm tiếp theo, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lại trở thành một cuộc sát hạch chính sách đối phó với Covid-19.

Ông Trump, với quan điểm cho rằng vừa phải chống dịch nhưng đồng thời cũng phải để cho nền kinh tế có chỗ để thở và việc đeo khẩu trang chỉ mang ý nghĩa chính trị là chính, đã gặp bất lợi khi con số thương vong của nước Mỹ tăng cao từng ngày.

Bất lợi đó biến thành con số chênh lệch hơn sáu triệu phiếu phổ thông mà ứng cử viên Joe Biden đã vượt lên trước ứng cử viên bên Cộng hòa, cho dù ông Trump vẫn giành được số phiếu kỷ lục đối với một Tổng thống đương nhiệm.

Ông Trump không cam lòng! Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được các hãng truyền thông lớn của Mỹ công bố, đương kim Tổng thống cùng với đội ngũ tranh cử của mình đã lao vào một cuộc marathon tranh cãi pháp lý nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Ngày bầu cử biến thành tuần bầu cử, rồi tháng bầu cử, vậy mà quá trình chuyển giao quyền lực ở nước Mỹ vẫn trong trạng thái nhùng nhằng chưa quyết.

Bất chấp cuộc chiến vô vọng với hàng chuỗi thất bại ở các tòa án, ông Trump và những người ủng hộ mình vẫn kiên trì thực hiện các nỗ lực đấu tranh pháp lý cho đến phút cuối cùng.

Sự chậm trễ trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến phản ứng của nước Mỹ đối với dịch Covid-19 trong năm 2021. Nước Mỹ có thể sẽ trở lại với chủ nghĩa đa phương (cả về kinh tế, thương mại lẫn chính trị), tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc (vì chẳng dễ gì chính quyền mới có thể đảo ngược lại được những chính sách mà ông Trump đã “cài cắm” sâu rễ bền gốc trước đó), nhưng chắc chắn là với một Tổng thống mới, sẽ tiếp tục có những bước đảo ngược chính sách ngoạn mục, điều mà chính ông Trump đã từng làm 5 năm trước khi tiếp quản Nhà Trắng từ tay ông Obama.

Định vị Việt Nam

Năm 2021 là năm cả thế giới căng mình khắc phục những hậu quả do thảm họa Covid-19 gây ra, trước hết là phải hồi sinh kinh tế sau đại dịch. Sự xuất hiện của những loại vắc-xin mới chỉ là bước đầu tiên, là điểm tựa để các nhà hoạch định chính sách duy trì sự hoạt động của các nền kinh tế bị tổn thương nặng nề do lockdown (phong tỏa).

Đấy sẽ là một quá trình gian nan, không thể đạt được kết quả trong một sớm một chiều. Do sự cách biệt trong trình độ phát triển, những ảnh hưởng khác nhau của đại dịch, sẽ diễn ra một quá trình phục hồi nhiều tốc độ ở các nước khác nhau khiến cho những con số phục hồi vào cuối năm 2021 có sự cách biệt lớn trên các lục địa.

Việt Nam tự định vị ở đâu trong bức tranh toàn cầu của năm 2020?

Là một quốc gia có đường biên giáp với Trung Quốc, nơi khởi phát của dịch bệnh, đến tháng 5-2020, ở Việt Nam vẫn chưa có một trường hợp tử vong nào vì vi-rút corona, thành tựu mà một tờ báo của Australia đã gọi là “đáng mơ ước”.

Tiếp đó, khi làn sóng tấn công thứ hai của Covid-19 tiếp tục tấn công dữ dội, Việt Nam vẫn bình tĩnh chống trả, hạn chế tối đa những tổn thất dịch bệnh đối với người dân và nền kinh tế. Có chính sách đúng đắn, phản ứng từ sớm, quyết liệt phá vỡ chuỗi lây nhiễm, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh thành công. Cuộc sống bình thường trên các đường phố Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 quả thật đúng là điều mơ ước đối với nhiều quốc gia vẫn đang oằn mình chống dịch.

Thành công trong khống chế dịch bệnh dẫn tới những bước đột phá về phát triển kinh tế sau đại dịch. Việt Nam là một trong số các nền kinh tế hiếm hoi có mức tăng trưởng dương. Ngân hàng Thế giới đưa ra báo cáo cho biết trong điều kiện kinh tế thế giới dự báo suy giảm ít nhất 4%, nền kinh tế Việt Nam có khả năng tăng trưởng 3%. Nó cho thấy tầm nhìn và năng lực của Việt Nam trong việc đối phó với khủng hoảng, giúp đất nước vượt qua được cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua.

Cùng với thế giới, Việt Nam cũng đã bắt đầu thử nghiệm những mũi vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên. Năm 2021 sẽ là năm bước ngoặt để Việt Nam vượt qua khủng hoảng, phát triển xanh, bền vững, trong một thế giới còn ít nhiều chao đảo sau đại dịch.

YÊN BA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/quoc-te-hangthang/vuot-qua-dinh-menh-634294/