Vượt qua nỗi buồn
Để nỗi buồn không có chỗ đứng trong tâm hồn, nhiều người phải học cách chấp nhận và từng bước vượt qua
"Mặc dù đã 8 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không bao giờ quên khuôn mặt rạng rỡ của An. Tôi nhớ từng cử chỉ, hành động, giọng nói, tiếng cười của em. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn buồn vô cớ khi đi ngang những nơi chúng tôi từng đi qua" - chị Ngọc Bình (29 tuổi; ngụ quận 10, TP HCM) chùng giọng khi kể về cô em gái sinh đôi qua đời ở tuổi 21.
Cố quên nhưng lòng vẫn nhớ
Bình và An là chị em sinh đôi, họ sinh ra và lớn lên tại TP HCM, cùng học một trường đại học. Tám năm sau khi em gái qua đời, mỗi lần nghe tiếng xe cứu thương, Bình vẫn rùng mình. "Buổi trưa hôm đó, chúng tôi còn ngồi ăn cơm với nhau, cùng chở nhau đi mua hoa về chưng. Em nói mệt rồi vào phòng nhưng một lúc sau tôi vào thì thấy em đã yếu, đưa đi bệnh viện nhưng em không qua khỏi" - chị Bình nhớ lại.
Mặc dù cố gắng quên đi những chuyện đã qua nhưng mỗi khi nhớ đến em gái, lòng chị lại chợt buồn. Mỗi đầu tháng, chị Bình thường mua hoa thạch thảo tím chạy lên mộ trò chuyện cùng em. "Từ ngày em mất, những vật dụng trong nhà như cái áo, kẹp tóc hay những gì em yêu thích, tôi cất trong một chiếc tủ nhỏ để lâu lâu mở ra xem và coi như em vẫn còn đâu đây. Ba mẹ tôi đã lén tôi đem đốt hết những vật dụng này để tôi không luyến tiếc những gì đã qua. Ban đầu tôi buồn lắm, giận lắm nhưng sau khi đi gặp chuyên gia trị liệu, tôi mới ngỡ ra mình thương em như vậy không tốt cho người còn sống và cả người đã ra đi. Bây giờ, tôi tin rằng em đã là một phần trong tôi nên tôi sống trọn vẹn từng ngày" - chị Bình chia sẻ.
Đến bây giờ, chị Ánh Hoa (39 tuổi; ngụ quận 6, TP HCM) vẫn không tin người đầu ấp tay gối của mình đã ra đi. "Buổi chiều hôm đó tôi đang đi làm thì mẹ tôi gọi, nói chồng tôi vừa bị tai nạn và đang trên đường đưa về nhà. Trời đất như sụp đổ, tôi không tin vào những gì đã và đang xảy ra vì nó đến quá đột ngột" - chị Hoa kể.
Kể từ khi chồng qua đời, chị Hoa dẫn 2 con về quê sinh sống cùng mẹ ruột. Chị chọn làm online để vừa có thời gian chăm sóc các con vừa tham gia công tác thiện nguyện.
"Mỗi tháng, tôi lên TP HCM thăm gia đình chồng. Buồn lắm nhưng không còn cách nào khác là phải sống thật tốt để vượt qua vì đằng sau mình còn người thân, gia đình và con cái. Có nhiều lúc suy sụp nhưng tôi nghĩ phim hay ở đoạn kết, nên cố gắng sống để có một cái kết đẹp và không đầu hàng giữa chừng" - chị Hoa nói.
Đừng chú trọng chuyện đã qua!
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ, quận 10, TP HCM), trầm cảm là hậu quả lâu dài của stress. Giai đoạn chuyển từ stress sang trầm cảm tùy vào mức độ nặng nhẹ của nỗi khổ, niềm đau mà từ vài tuần đến vài tháng. Nhóm dễ bị trầm cảm là những người nghiện ma túy, nghiện rượu, có cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn, bị phụ tình, hàm oan, mất người thân…Nếu không có người nâng đỡ giúp cho họ vượt qua thì sẽ rơi vào trạng thái mất ngủ dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm thần.
"Mất người thân là một nỗi mất mát lớn không có thể nào bù đắp được. Nỗi đau của sự mất mát trỗi dậy làm cho mình gặm nhấm từng ngày, từng giờ trong sự cô đơn, thương tiếc, nhớ nhung. Có nhiều người đã gặm nhấm nỗi đau suốt cả kiếp người còn lại, có người mất nhiều năm mới vượt qua được nhưng đối với người có tu học thì vượt qua dễ dàng. Hãy biến nỗi đau thương, mất mát bằng những hành động phước báu cụ thể, hồi hướng cho người quá cố, bằng cách này người sống lẫn người mất đều được lợi lạc như nhau" - Thượng tọa Thích Nhật Từ phân tích.
Thạc sĩ xã hội học Phạm Hoàng Phước nhấn mạnh: "Ngày nay nhiều người gặp áp lực, bế tắc trong công việc, cuộc sống, gia đình nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Đặc biệt, những người sống độc thân, xa gia đình và ít bạn bè thì nỗi cô đơn cao gấp nhiều lần. Khi gặp những vấn đề tâm lý, nên cố gắng chia sẻ với người thân, bạn bè thân thiết để nỗi buồn vơi đi".
Ngoài ra, theo ông Phạm Hoàng Phước, cần chú tâm vào các hoạt động chăm sóc bản thân, rèn luyện thể dục thể thao để có một cơ thể tốt và một tinh thần minh mẫn. "Lập kế hoạch cho bản thân và tuân thủ theo kế hoạch đã đề ra như đi ngủ sớm, tránh thức khuya lướt web, xem mạng xã hội quá nhiều. Đồng thời, đi du lịch cũng là một cách giúp giải tỏa nỗi buồn. Bên cạnh đó, tham gia các chương trình nhân đạo, từ thiện, các dự án phát triển cộng đồng cũng là một cách khám phá bản thân, giúp chúng ta nhận thức mình có giá trị hơn và nỗi buồn không có chỗ để len lỏi vào" - ông Phạm Hoàng Phước nhắn nhủ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-dinh/vuot-qua-noi-buon-20230218200455338.htm