Vượt qua nỗi sợ hãi

Bóng đá nam Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực từ dư luận sau những kết quả thi đấu không như ý. Gần nhất, đội tuyển quốc gia nước này thất bại 0-1 trước Syria trên sân nhà thuộc khuôn khổ giao hữu; đội tuyển U.23 chật vật giành vé dự vòng chung kết giải U.23 châu Á 2024.

Dù có nền thể thao phát triển hàng đầu thế giới nhưng bóng đá Trung Quốc đang đi chệch hướng. Họ chưa từng vô địch châu Á hay giành huy chương vàng Á vận hội và cũng chưa thể trở lại sân chơi World Cup sau lần đầu tham dự vào năm 2002. Kế hoạch cải cách và phát triển bóng đá Trung Quốc gắn với 3 giai đoạn đang gặp nhiều thách thức. Nhiều người cho rằng, tham vọng biến đội tuyển nữ quốc gia thành số 1 thế giới vào năm 2030, đội tuyển nam quốc gia vô địch World Cup vào năm 2050 rất khó thực hiện.

Bóng đá nam Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực từ dư luận. Ảnh: Báo Tiền phong

Bóng đá nam Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực từ dư luận. Ảnh: Báo Tiền phong

Sau thất bại của đội tuyển nữ quốc gia tại World Cup 2023, bóng đá Trung Quốc đang dồn toàn lực vào Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19). Nếu như đội tuyển nữ có cơ sở, cơ hội để giành huy chương vàng thì đội tuyển Olympic nam đang gặp nhiều áp lực khi bị đặt dấu hỏi lớn về chuyên môn và động lực thi đấu.

Trước khi ASIAD 19 khởi tranh ở Hàng Châu, từ ngày 23-9 đến 8-10, tờ Sohu đăng bài viết có đoạn: “Nhiều cầu thủ không muốn được triệu tập lên đội tuyển Olympic Trung Quốc. Thu nhập của cầu thủ liên quan trực tiếp đến việc thi đấu cho câu lạc bộ chủ quản nên họ thiếu động lực để phục vụ đội tuyển khi ASIAD không thuộc Liên đoàn Bóng đá thế giới và trùng lịch với giải bóng đá vô địch quốc gia Trung Quốc”. Thậm chí tờ Sohu thẳng thắn: “Thành tích thi đấu của các đội tuyển quốc gia Trung Quốc không tốt, nên trong lòng cầu thủ dường như có cảm giác sợ hãi mỗi khi lên tuyển”.

Với lợi thế sân nhà, đội tuyển Olympic Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giành thành tích cao tại ASIAD 19 để làm cú hích kéo cả nền bóng đá đang sa sút. Tuy nhiên, mỗi lần ASIAD được tổ chức trên sân nhà, bóng đá nam Trung Quốc đều không đạt kết quả như mong muốn. Họ xếp thứ 6 tại ASIAD Bắc Kinh năm 1990, hạng 12 tại ASIAD Quảng Châu năm 2010. Từ khi môn bóng đá nam dành cho lứa trẻ U.23 tại ASIAD 14, thành tích tốt nhất của Trung Quốc chỉ là hai lần vào tứ kết năm 2002 và 2006.

Tại môn bóng đá nam ASIAD 19, đội tuyển Olympic Trung Quốc cùng bảng A với Bangladesh, Myanmar và Ấn Độ. Nước chủ nhà nhiều khả năng sẽ dễ dàng vượt qua vòng bảng, song muốn đạt thành tích cao thì họ cần những trận đấu vượt ngưỡng và các cầu thủ phải vượt qua tâm lý sợ thua. Đó cũng là lý do thầy trò huấn luyện viên Dejan Djurdjevic đang cố gắng tập luyện, giấu quân, giấu bài nhằm tạo bất ngờ cho các đối thủ để một lần ghi danh trên bảng vàng Á vận hội.

TAM NINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/vuot-qua-noi-so-hai-742898