Vượt qua sự mặc cảm tự ti để sống một cuộc đời đáng sống hơn của nữ sinh trường Báo

Trần Quỳnh Chi (sinh năm 2004) hiện là sinh viên năm hai, chuyên ngành Báo mạng điện tử, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chi đã từng trải qua quãng thời gian khó khăn, sống trong mặc cảm tự ti và phủ nhận chính mình. Nhưng bằng những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, niềm tin vào bản thân, cô gái ấy đang dần hoàn thiện chính mình, sống ý nghĩa hơn, truyền cảm hứng cho những bạn trẻ ngày nay qua một thông điệp: 'Hãy tin vào chính mình!'.

Mặc cảm, tự ti liệu có đáng sợ?

Ngay từ khi còn là cô bé bốn tuổi, vì sự đặc biệt của làn da và thân hình, mình đã từng phải lắng nghe rất nhiều những lời bình phẩm, chê bai từ những người xung quanh. Chính sự tổn thương tâm lý ngay từ nhỏ đã biến mình – từ một cô bé thích ca hát, luôn vui cười, thích kể những câu chuyện hài hước trở thành một cô bé sống khép kín, tự ti và luôn phủ nhận chính mình.

Sự mặc cảm, tự ti ấy tồn tại trong tâm hồn mình cho đến khi mình học cấp ba. Vì luôn lo sợ ánh mắt của những người xung quanh bình phẩm về ngoại hình, mình vùi đầu trong sách vở, luôn ưu tiên việc học hành, cũng như chưa từng tham gia một hoạt động ngoại khóa nào trong suốt ba năm cấp ba.

Quỳnh Chi trong những tấm ảnh cấp 3.

Quỳnh Chi trong những tấm ảnh cấp 3.

Sự chăm chỉ, nỗ lực, cần cù của mình cuối cùng cũng được đền đáp. Mình đạt một số thành tích ấn tượng trong những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường (giải Nhì cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 9, giải Ba môn Ngữ văn vượt cấp năm lớp 11,…). Tuy vậy, mình vẫn luôn phải hứng chịu những lời miệt thị ngoại hình xót xa. Bóng ma tâm lý ấy đeo bám lấy mình, khiến mình chưa từng cảm nhận được những niềm vui thực sự, sự nhiệt huyết của thanh xuân hay những năm tháng tươi đẹp tuổi học trò.

Hành trình vượt qua mặc cảm, tự ti, để sống một cuộc đời đáng sống hơn!

Bước vào môi trường đại học, một môi trường hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm. Mình được gặp và tiếp xúc với những người tài năng, xinh đẹp. Trong lòng mình trỗi dậy một khát khao thay đổi, để có thể sống những năm tháng tuyệt vời hơn. Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực sự thay đổi cuộc đời mình.

Tại đây, mình đã dám thử sức ở những lĩnh vực mới. Từ một cô bé nhút nhát, không dám nói và thể hiện bản thân trước đám đông, mình đã trải nghiệm và khám phá ra những điều tốt đẹp còn ẩn giấu trong bản thân mình. Câu lạc bộ Diễn thuyết AJC đã nâng đỡ và tiếp sức cho mình trong những ngày đầu chập chững ấy. Mình đã thử một lần, và rất nhiều lần sau này, hùng biện, diễn thuyết trước cả nghìn người, để truyền cảm hứng đến những người xung quanh.

Mình đã có những tấm hình tuyệt vời ở môi trường mới.

Mình đã có những tấm hình tuyệt vời ở môi trường mới.

Mình cũng bắt đầu đi làm thêm, để trở nên tự tin và trưởng thành hơn trong cuộc sống. Mình trở thành gia sư môn Ngữ văn (môn học mình vô cùng yêu thích) cho những bạn nhỏ dưới Hà Nội. Khi truyền thụ kiến thức cho các em, điều mình mang đến không chỉ là những kiến thức khô khan, mà còn là những bài học về cuộc sống, những lẽ sống mà chúng ta cần có trong cuộc đời. Đó là tình yêu con người, sự đồng cảm, sự thấu hiểu với những người xung quanh.

 Mình cũng có thêm nhiều người bạn mới.

Mình cũng có thêm nhiều người bạn mới.

Trong việc học tập, mình cũng trở nên chủ động, học hỏi thêm nhiều kĩ năng mới. Từ một cô bé hướng nội, “luôn trốn mình trong những trang Văn để tự an ủi mình”, mình đã dám làm những điều mới mẻ, thậm chí là khó khăn với bản thân. Mình nhận công việc thuyết trình trong những bài tập nhóm, dù cho những bài thuyết trình đầu không được mọi người đón nhận. Có những lần mình sợ hãi, bất lực đến bật khóc. Nhưng chính mình đã nhận ra: “Những khó khăn ấy đã tạo nên một bản thân mình thật mạnh mẽ, dũng cảm như ngày hôm nay”.

Bắt đầu đi nhiều hơn, để đồng cảm và yêu thương nhiều hơn

Khi còn là một cô bé mang trong mình tâm hồn ngây thơ, non nớt, mình rất thích đọc những câu chuyện cổ tích. Những câu chuyện gieo những ý niệm tốt đẹp vào trái tim mình: “Cái thiện sẽ chiến thắng cái ác”. Mình còn rất thích những chương trình ý nghĩa của Chuyển động 24h (Đài truyền hình Việt Nam) như: Cặp lá yêu thương, Việc tử tế. Và mình tự nhủ rằng, bản thân phải nỗ lực, cố gắng hơn, để trở thành một người tử tế, mang đến những điều hạnh phúc cho những người kém may mắn trong cuộc đời. Đó cũng là cơ duyên đưa mình đến với ngôi trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Mình bắt đầu tham gia vào nhiều chiến dịch thiện nguyện hơn nữa. Mình đến thăm các em nhỏ ở làng trẻ SOS, hay trao tặng cho những cụ già, những người vô gia cư những món quà nhỏ để họ và mình đều tràn ngập những điều ấm áp trong tâm hồn. Ngày 27/7, mình đến thăm trại tâm thần của những cựu chiến binh đã từng đi qua cuộc chiến đầy máu và nước mắt của dân tộc, để nghiêng mình kính cẩn, cũng như thầm biết ơn cuộc sống ngày hôm nay.

Mình cười thật tươi trong những bức hình.

Mình cười thật tươi trong những bức hình.

Và mình nhận ra, cuộc sống này thật đáng sống. Những mặc cảm, tự ti dần như đang tan biến đi trong mình.

Cho dù cuộc sống không ít khó khăn phía trước, và mình vẫn còn nhiều điều chưa hoàn thiện. Nhưng mình tin chắc rằng, chỉ cần mình không ngừng nỗ lực và cố gắng, tin tưởng vào bản thân, những điều tốt đẹp chắc chắn sẽ lại đến.

Cô phải nỗ lực, cố gắng hơn, để trở thành một người tử tế, mang đến những điều có giá trị đến xã hội.

Cô phải nỗ lực, cố gắng hơn, để trở thành một người tử tế, mang đến những điều có giá trị đến xã hội.

Và mình, một cô gái 19 tuổi đầy những ước mơ trong đáy mắt, những nhiệt huyết trong tâm hồn, vẫn đang nỗ lực để trở thành một người “tích cực, đọc những áng văn dịu dàng, gặp được những người tuyệt vời như ánh dương, trong mắt tràn ngập nụ cười ấm áp. Nỗ lực hơn, tử tế và lương thiện hơn, học tập chăm chỉ, nghiêm túc làm việc, tha thiết yêu đời.”

Tú Chân (Ghi)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/vuot-qua-su-mac-cam-tu-ti-de-song-mot-cuoc-doi-dang-song-hon-cua-nu-sinh-truong-bao-post1563325.tpo