Vượt qua thách thức, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn
Kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, chúng ta đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Kinh tế tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt bình quân 6,4%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,5 lần, từ 116 tỉ USD năm 2010 lên gần 300 tỉ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.332USD năm 2010 lên khoảng 3.000USD năm 2020 và đạt được mục tiêu chiến lược đề ra.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thu hút nguồn lực xã hội để phát triển đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu nhập trung bình); đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; tình hình chính trị-xã hội ổn định; đồng thời, tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nổi bật là: Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước...
Đây chính là sự kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực, là thành quả lớn nhất của Việt Nam trong những năm đổi mới, đúng như lời nhận xét của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020: “Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay”.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu đề ra. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Công tác quy hoạch, kế hoạch và việc huy động, sử dụng các nguồn lực còn hạn chế, kém hiệu quả, đầu tư còn dàn trải. Thực hiện các đột phá chiến lược còn chậm; việc tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có một số mặt yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về giáo dục, đào tạo và y tế; đạo đức, lối sống trong một bộ phận xã hội xuống cấp.
Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng; tài nguyên, đất đai chưa được quản lý tốt, khai thác và sử dụng kém hiệu quả, chính sách đất đai có mặt chưa phù hợp; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu còn một số hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển đất nước. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ. Sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị-xã hội và đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia.
Những hạn chế, yếu kém trên đây do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc, thống nhất; tư duy phát triển kinh tế-xã hội chậm đổi mới, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển đất nước; bệnh thành tích còn nặng; hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, việc thực thi chưa nghiêm; quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn nhiều yếu kém, còn có biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”; tổ chức bộ máy cồng kềnh, một bộ phận cán bộ, công chức yếu cả về năng lực và phẩm chất; tổ chức thực hiện kém hiệu quả, nhiều việc nói chưa đi đôi với làm; chưa tạo được chuyển biến mạnh trong việc giải quyết những khâu đột phá, then chốt và những vấn đề xã hội bức xúc; quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ; kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; tình trạng lợi dụng chức quyền, tham nhũng, lãng phí còn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều nơi rất nghiêm trọng.
Đối với các bài học chủ yếu được rút ra từ thực tiễn phát triển đất nước và kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm qua, dự thảo Báo cáo tổng kết đã rút ra được những bài học rất bổ ích làm cơ sở để rút kinh nghiệm, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. 5 bài học đều rất quan trọng và có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau; trong đó, bài học thứ ba nêu rõ: Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế của thời đại; trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, thể hiện bản lĩnh trí tuệ, năng động, sáng tạo với quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt, thể chế pháp luật cần được xây dựng đầy đủ, đồng bộ với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tập trung cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; lấy kết quả phục vụ và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá. Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc và quan trọng nhất, thể hiện trí tuệ, đạo đức và tư duy đổi mới của Đảng ta.
Thượng tá Nguyễn Đức Sỹ, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP