Vượt qua trầm cảm nặng, tôi trẻ trung, hài hước và biết cho đi
Lúc phát bệnh, tôi sút cân, mặt mũi đờ đẫn vô hồn, ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng bồn chồn, buồn rầu, thê lương. Tôi không thể cười, không thể khóc, không biết vui buồn ra sao.
Tôi đã một lần vượt qua bệnh trầm cảm học đường trong quãng thời gian chừng 3 năm vì không thể thích nghi với nhịp sống và học tập tại thành phố.
Những năm đó, vừa xa quê hương, gia đình và những người bạn thân thiết, tôi lạc lõng cô đơn, buồn chán ở ngôi trường mới tập trung nhiều bạn học sinh ưu tú, hoạt bát và giỏi toàn diện. Tuổi trẻ đau ốm khủng hoảng ấy đã khiến tôi không đủ khả năng thi đỗ đại học.
Từ một học sinh học giỏi nhất trường cấp 2, tôi rẽ ngang học trường nghề, làm công nhân và không còn muốn phấn đấu học hành.
Tôi đi làm, nhanh chóng lấy chồng, sinh con. Họ hàng vẫn khen tôi tốt số vì kiếm được anh chồng cao ráo, đẹp trai, thương yêu vợ con. Nhưng tôi biết nhiều người vẫn nói mỉa mai sau lưng tôi là: “Con bé đấy hâm hâm mà vẫn lấy được chồng…”.
Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi tay trắng tự lập, nuôi 2 đứa con nhỏ chật vật, gian nan. Thỉnh thoảng, ông bà nội ngoại cũng tiếp tế, hỗ trợ chút ít. Tôi cũng nhớ nằm lòng câu nói “buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện”, nhịn ăn nhịn mặc để tích lũy kinh tế, mong xây được nhà cửa khang trang cho con cái bớt khổ.
Nhưng cuộc sống luôn có những bất trắc khó lường. Công việc của tôi sa sút thảm hại khi phải nghỉ luân phiên ngày càng nhiều. Sức khỏe kém, sức ì tăng khiến tôi chẳng biết xoay xở kiểu gì để tăng thêm thu nhập. Sau đó, tôi tích cực làm thêm một số việc để trang trải cho nhu cầu bản thân là chính.
Chồng tôi cũng lăn xả làm thêm đủ thứ việc từ làm điện nước, chạy xe ôm đến bốc vác để có tiền. Tôi cay đắng nhận ra mình kém cỏi thua xa bạn bè, đồng nghiệp. Và để nguôi ngoai nỗi buồn ấy, tôi cố gắng quán xuyến việc nhà, dạy con học khá hơn, bớt đi tiền học thêm chạy đua với nhiều gia đình xung quanh.
Sau khi thất nghiệp nửa vời 5 năm, tôi một lần nữa đối mặt với bệnh tật đầy khắc nghiệt. Chồng tôi bỏ việc cơ quan, quyết tìm cơ hội mới để phát triển sự nghiệp. Công việc và đồng nghiệp mới mẻ, hoàn toàn khác biệt khiến chồng tôi căng thẳng suốt một thời gian dài.
Thời điểm ấy, tôi không cho phép mình ốm để chăm sóc con, động viên chồng. Tôi chịu đựng suốt một năm việc chồng về muộn, uống rượu bia triền miên với lý do tạo mối quan hệ thân quen, ngoại giao... và hay trút giận, quát mắng vợ con.
Đến khi công việc của chồng tạm ổn, vui vẻ, lương thưởng đưa cho vợ xông xênh thì tôi kiệt quệ về tinh thần và sức khỏe. Một lần nữa, bệnh trầm cảm tái phát. Tôi chần chừ khoảng một tuần và sau đó quyết định đi khám chữa tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, sau đó chuyển tiếp đến Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh diễn tiến rất nhanh. Từ chẩn đoán mắc trầm cảm nhẹ, sau một tháng uống thuốc, bác sĩ ghi nhận bệnh chuyển nặng và khuyên tôi nhập viện điều trị nội trú. Tôi từ chối và xin bác sĩ kê thuốc về nhà tự điều trị. Thời điểm ấy dịch Covid-19 bùng phát, nhân viên ở nhà phòng tránh dịch là chính. Hầu như tôi chỉ ru rú trong nhà, ôm điện thoại nhắn tin gọi điện với người thân, bạn bè, cầu cứu họ giúp đỡ mình làm sao thoát bệnh.
Lúc ấy, tôi sút cân, mặt mũi đờ đẫn vô hồn, ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng bồn chồn, buồn rầu, thê lương. Tôi không thể cười, không thể khóc, không biết vui buồn ra sao. Đầu óc quay cuồng, tăm tối. Đến đi chợ, nấu một bữa cơm ngon cho các con tôi cũng không làm nổi. Tôi tha thẩn đi ra chợ, vòng qua vòng lại mãi mới mua nổi mớ rau, con cá, chút đậu thịt.
Về nhà, tôi lại nằm bệt, lại dậy, chỉ ngao ngán nhìn trời nhìn đất rồi hoảng sợ ngay cả nhịp tích tắc của tiếng đồng hồ hay tiếng gà gáy sáng. Tôi lê lết, tuyệt vọng, ngay cả những việc nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân, ăn sáng tôi cũng mãi mới làm được.
Người thân, bạn bè lúc đầu còn an ủi, động viên, bày đủ cách giúp tôi. Nhưng tôi vẫn không nhúc nhích, còn cứ nhắn tin gọi điện than thở, oán hận. Sau thấy tôi phiền nhiễu quá, họ cũng "chạy làng" vì gần tôi, họ chỉ nhận lại toàn năng lượng xấu. Nhiều lần, tôi nghĩ cách kết liễu đời mình vì mỗi ngày trôi qua đối với tôi quá nặng nề, đau khổ, tăm tối không lối thoát…
Bạn bè đến thăm, động viên khiến tôi càng đau đớn, buồn tủi. Người thân cho tiền, bảo tôi đi du lịch, tôi cũng chẳng thiết tha. Tôi như bị giam vào một cái lồng kín bưng, giãy giụa, tuyệt vọng. Một người bạn đã giúp tôi kết nối với một tiến sĩ tâm lý. Bạn ấy đã nhiệt tình tư vấn giúp tôi mấy lần.
Tôi nhớ nhất câu nói của bạn ấy: “Chị phải biết yêu chính bản thân mình và kiếm việc gì đó để làm, 'nhàn cư vi bất thiện' chị ạ”.
Đúng thế, tôi làm sao có thể khỏi bệnh nếu không quyết tâm? Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khuyên: Thuốc men và bác sĩ chỉ quyết định 50%, 50% là từ ý chí của bệnh nhân. Thế là tôi quyết tâm điều chỉnh tâm lý, giờ giấc sinh hoạt, ăn uống.
Tôi làm điều ấy một mình vì chồng bận đi làm, hai con nhỏ đang đi học. Mẹ đẻ, mẹ chồng đã già, cũng không hiểu biết gì về bệnh này nên không thể hỗ trợ. Tôi quyết định làm đủ thứ việc nhà, gắng gượng từng chút một. Khi khỏe hơn, tôi làm cả những việc mà bình thường bản thân rất sợ như: đi nhặt rác quanh chỗ làm việc mỗi tuần một lần.
Tôi trồng cây, chăm hoa, truyền cảm hứng đọc sách tới mọi người. Thế là tôi cai được thuốc. Làm nhiều việc quá, tôi ngủ gật ngay cả trong bữa ăn cơm. Và rồi giấc ngủ sâu, bữa ăn ngon quay trở lại một cách kì diệu khiến tôi hồi phục nhanh chóng sau 4 tháng không đến bệnh viện khám chữa định kỳ.
Tôi vẫn cứ liên tục duy trì cách sống tích cực ấy, làm những gì mình thích. Vì cảm thấy mình có ích với mọi người xung quanh nên tôi đã trở lại sống mạnh khỏe, bình an, trẻ trung đến mức nhiều người ngạc nhiên.
Có lẽ "trong cái rủi có cái may", tôi cảm thấy mình đã biết sống lạc quan hơn, biết yêu chính bản thân để có thể vô tư giúp đỡ người khác mà không phải so đo tính toán thiệt hơn như trước đây. Tôi dành thời gian kết nối trò chuyện với một số em học sinh có biểu hiện chán đời, tiêu cực bằng cách tặng các em một cuốn sách thật hay. Tôi chia sẻ động viên bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, lắng nghe họ tâm sự, rủ họ đi thể dục, đi chơi…
Tôi không ngại làm những việc khiến mọi người nhìn mình bằng con mắt khó hiểu. Tôi có thể đồng cảm chia sẻ ngay cả với những bạn bè xa lạ trên Facebook bằng những bài viết nhỏ lạc quan, hài hước và vui vẻ!
Nghịch cảnh trong cuộc đời đưa mỗi người tới những ngã rẽ khác nhau. Có người vì nghịch cảnh mà suy sụp, không thể đứng vững nhưng cũng có người mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn.
Vượt qua nghịch cảnh như thế nào tùy thuộc vào bản lĩnh, ý chí của mỗi người. Báo VietNamNet mời độc giả chia sẻ những câu chuyện vượt qua nghịch cảnh của bản thân cho diễn đàn cùng tên qua địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn.
Những bài viết có nội dung ý nghĩa, hấp dẫn sẽ được chọn để đăng tải trên VietNamNet.