Vượt rào cản để tạo bước ngoặt mới cho nông sản Việt
Để xuất khẩu nông sản Việt tận dụng được các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và phát huy được thế mạnh sau dịch, doanh nghiệp cần đáp ứng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất để và không nên xem đây là mục tiêu để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Là nhận định của bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại tọa đàm “Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam” tổ chức ngày 26/6.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỉ USD là cà phê, gạo, rau quả… Thời điểm hiện tại, tuy hoạt động xuất khẩu nông sản đang bị chi phối từ tình hình dịch bệnh trên thế giới nhưng sắp tới, với thuận lợi từ các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… nông sản Việt được nhận định sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị phần nhiều hơn tại các nước.
Tuy nhiên để đón những cơ hội này, các doanh nghiệp phải lưu ý nâng cao chất lượng, đáp ứng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất để có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao của các thị trường. “Chúng ta không nên xem những tiêu chuẩn khắt khe này là rào cản mà phải xem là mục tiêu để phát triển bền vững cho ngành chế biến nông sản thủy sản” - bà Bùi Thị Thanh An đánh giá.
Đặc biệt sắp tới đây khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp nông sản cần gấp rút tổ chức lại hệ thống sản xuất để nâng cao hiệu quả, hiệu suất giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng, hạ giá thành… Ngoài ra, doanh nghiệp phải tập trung nắm bắt thông tin thị trường, phân tích nhanh nhạy, ứng dụng trực tiếp thông tin thị trường vào hoạt động sản xuất. Bởi hiện tại các thị trường EU, Mỹ không chỉ quan tâm tới chất lượng sản phẩm mà quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, quá trình sản xuất như thế nào? Điển hình như sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ phải đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp và các tiêu chuẩn khác như sở hữu trí tuệ…
Về phía cơ quan hải quan, ông Mai Xuân Thành - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra một số vấn đề đáng lưu ý từ góc độ hải quan khi thực hiện EVFTA.
Theo đó, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Điều này sẽ tạo thêm nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận mở rộng thị phần ở thị trường rộng lớn này.
Ông Thành khẳng định, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cụ thể gần đây nhất, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ký Quyết định số 1616/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong và sau dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan; chủ động, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho tổ chức, cá nhân trong quá trình làm thủ tục hải quan trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan…
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Để các sản phẩm nông sản Việt Nam thực sự là nông sản có chất lượng thì phải có được các tiêu chuẩn hài hòa so với thế giới như GlobalGAP. Cùng với đó, còn cần phải làm tốt các khâu mà các thị trường đang cần là đáp ứng được các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc. Một nút thắt quan trọng nữa cần được tháo gỡ là vấn đề xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, trong đó việc xây dựng thương hiệu cần làm tốt không chỉ là nhãn hiệu mà còn là các giá trị của sản phẩm được thừa nhận bởi cơ quan quản lý, thị trường.