Vượt sông Dnieper, bước tiến chiến thuật hay bất lợi đối với Ukraine?
Theo các nguồn tin của Nga, các lực lượng Ukraine đã vượt sông Dineper và thiết lập một vị trí ở bờ đối diện, cùng lúc đó, Kiev cũng tiến vào lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine.
Ukraine đổ bộ lên bờ Đông sông Dnieper
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, quân đội Ukraine đã thiết lập một vị trí chiến lược nhằm giành lại quyền kiểm soát thị trấn Poima và tiến về phía Bắc tới thị trấn Pishchanivka gần đó.
Theo đó, các đơn vị của hai Lữ đoàn thủy quân lục chiến Ukraine đã tiến vào đất liền tới các thị trấn Poima và Pishchanivka và bắt đầu củng cố lực lượng tại đây. Ukraine đã có được một vị trí ở khu vực do Nga kiểm soát sau một chiến dịch tấn công liên tục bằng pháo binh và máy bay không người lái.
Trong khi đó, một video ghi lại cảnh trên chiến trường cho thấy, pháo binh Nga đang nhắm mục tiêu vào lực lượng Ukraine gần một cây cầu đường sắt ở tả ngạn sông Dnieper. Qua video, không rõ liệu Ukraine có thể thiết lập sự hiện diện lâu dài trong khu vực hay không. Một đoạn video khác lại cho thấy lực lượng Ukraine đang di chuyển khỏi khu vực giao tranh ban đầu và quay trở lại nơi an toàn hơn gần cầu Antonivka.
Chuyên gia Nga Vladimir Rogov cho biết, tình hình xung quanh khu vực gần như không có gì thay đổi khi cả Nga và Ukraine vẫn tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo binh và máy bay không người lái.
Blogger quân sự người Nga Vladimir Kulikovsky ngày 18/10 cho hay cuộc vượt sông Dnieper của thủy quân lục chiến Ukraine diễn ra trước 3 ngày “bắn pháo dữ dội” nhắm vào các vị trí của Nga ở tả ngạn sông Dnieper. Theo ông Kulikovsky, các máy bay không người lái của Nga đã phá hủy những chiếc thuyền mà Ukraine chiến sử dụng để băng qua sông Dnieper. Lực lượng mặt đất của Nga đã ngăn chặn quân đội Ukraine thiết lập hoàn toàn vị trí trong khu vực.
Theo ông Rogov, các đội trinh sát Ukraine cũng đã đổ bộ bằng thuyền và đang tập trung ở làng Krynok và trên đảo Kazatsky.
Trong khi đó, các quan chức Nga cho biết quân đội nước này chặn bốn nhóm trinh sát Ukraine vượt sông Dnieper.
“Nỗ lực của đối phương nhằm giành chỗ đứng ở bờ Đông không mang lại kết quả gì. Các đơn vị của Nga đã khiến đối phương chịu thất bại nặng nề và tổn thất lớn”, tỉnh trưởng Kherson do Nga bổ nhiệm Vladimir Saldo ngày 18/10 thông báo.
Mục đích của Ukraine khi vượt sông Dnieper
Để tiến hành một cuộc tấn công vào vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát, Ukraine sẽ phải thực hiện các cuộc tấn công đổ bộ qua sông Dnieper vì tất cả các tuyến đường chính đã bị phá hủy.
“Hoạt động đổ bộ của Ukraine có rủi ro cao nhưng cũng có thể mang lại lợi ích cho Kiev. Nếu thành công, Ukraine sẽ có cơ hội tiến gần đến Bán đảo Crimea và vượt qua các công sự của Nga ở Zaporizhzhia”, công ty tư vấn quân sự Rochan Consulting nhận định.
Theo Telegraph, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực hiện kế hoạch trên của Ukraine cũng có thể sẽ lặp lại các chiến thuật mà lực lượng nước này đã sử dụng ở phía Đông khu vực Zaporizhzhia và Donetsk.
Các nhà phân tích phương Tây đánh giá, Ukraine đang nỗ lực tiến về phía bờ Biển Đen nhằm xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga và mở ra một tuyến đường mới hướng tới Crimea.
Mới đây nhất, Ukraine đã nhận được hệ thống tên lửa tác chiến lục quân ATACMS do Mỹ cung cấp. Quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga ở miền Đông Ukraine.
Các nhà bình luận Nga cho rằng, với việc hệ thống ATACMS được triển khai trên chiến trường, Ukraine sẽ tìm cách tấn công vào vùng lãnh thổ ở tả ngạn để nhắm mục tiêu vào các trung tâm hậu cần phía sau tiền tuyến của Nga.
“Thông tin về việc mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát của Lực lượng Vũ trang Ukraine trên bờ sông Dnieper cho thấy kế hoạch tạo ra một vị trí chiến lược đối với các hành động tiếp theo”, kênh Two Majors trên Telegram cho hay.
Kênh này cho biết thêm, một yếu tố mới trên chiến trường là sự xuất hiện của ATACMS, tên lửa tầm xa mà Ukraine đã sử dụng để tấn công vào các sân bay trên lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Berdiansk và Lugansk.
“Ở giai đoạn tiếp theo, Ukraine có thể sẽ cố gắng tiến hành các cuộc tấn công nghi binh để tiếp cận các khu vực ở phía Nam, cũng như các cuộc đột kích quy mô lớn bằng UAV”.
Trong khi đó, công ty Rochan Consulting nhận định rằng, ưu thế vẫn đang nghiêng về phía Nga.
“Khi nhìn vào số lượng đơn vị cả hai bên triển khai, rõ ràng là phía Ukraine ít hơn. Để tiến hành được các hoạt động tấn công bất ngờ, Ukraine cần cần sự phối hợp cao của pháo binh, cho phép Kiev thiết lập và mở rộng khu vực gần bờ sông Dnieper. Ukraine có thể sẽ gặp khó khăn nếu không triển khai thêm đội hình”, Rochan Consulting cho hay.