Vượt sóng ghềnh, thực hiện sứ mệnh đi đầu của TPHCM trong kỷ nguyên vươn mình
Trong 50 năm vừa qua, TPHCM bằng tất cả ý chí và quyết tâm đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn, ý nghĩa, xứng đáng với danh hiệu cao quý 'Thành phố anh hùng'.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM là nơi đi trước về sau, là nơi kết thúc của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. TP.HCM cũng là nơi đi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đầu vì cả nước, cùng cả nước trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu với mục tiêu đi trước-về đích trước, nhằm xây dựng TP.HCM văn minh hiện đại, nghĩa tình.
Thực tiễn sinh động về cách làm và ý chí con người
Qua nghiên cứu, các chuyên gia đều thống nhất nhận định, 50 năm qua, Đảng bộ TP.HCM đã khẳng định vai trò lãnh đạo, đưa Thành phố vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trở thành đầu tàu phát triển và hội nhập, đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đóng góp quan trọng vào tiến trình đổi mới, phát triển đất nước.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM
Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, Đảng bộ TP.HCM là đảng bộ rất mạnh. Các thế hệ lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Võ Trần Chí… là những tấm gương chói lọi, luôn vì nước, vì dân. Các vị lãnh đạo cùng Đảng bộ thành phố đã nhìn ra những nút thắt và có giải pháp căn cơ, năng động, mở ra đường hướng cho sự phát triển của TP.HCM.
Nhờ đó, TP.HCM đã có những thành tựu quan trọng trong 50 năm sau giải phóng. Đó là ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. TP từ chỗ thiếu ăn, siêu lạm phát đã phục hồi và tổ chức hoạt động phân phối, lưu thông phù hợp. Kinh tế thành phố phát triển cả về quy mô và chiều sâu, với hơn 230.000 doanh nghiệp, 400.000 hộ kinh doanh cá thể, đóng góp lớn vào GDP và ngân sách quốc gia...
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, thành công đó là nhờ có sự luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu và có những quyết sách kịp thời cho TP của Trung ương, mà tiêu biểu là 4 lần Trung ương có Nghị quyết riêng về TP này.
"Trung ương luôn có sự lắng nghe những đề xuất từ thực tiễn sinh động của TP.HCM. Không nơi đâu có một thực tiễn lớn và sinh động như thành phố này. Và những mô hình, những điển hình tiên tiến đó là những tiền đề để đề xuất những cơ chế, chính sách không chỉ cho thành phố mà là cho cả nước", bà Phạm Phương Thảo cho biết.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho rằng, lịch sử đã chỉ ra, con người Sài Gòn - TP.HCM luôn có ý chí vươn lên mạnh mẽ, càng khó khăn lại càng nung nấu ý chí để vượt qua.
Trong kháng chiến, địch càng đàn áp thì càng đẩy mạnh đấu tranh, người dân TP anh hùng không bao giờ chịu khuất phục…Và khi đã có độc lập tự do, người dân lại càng tự cường, tự lực vươn lên và năng động, sáng tạo, tự cứu lấy mình, không bó tay trước những khó khăn.
Ông Phạm Chánh Trực cho rằng, TPHCM cũng đi đầu, là cái nôi của nhiều phong trào như thanh niên xung phong, xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, bảo trợ bệnh nhân nghèo…Và đặc biệt, TP.HCM làm tất cả những việc đó một cách tự nhiên, không lên gân, hô hào, đao to búa lớn.
Cởi trói thể chế để TPHCM vươn xa
Ngày nay, dù TP.HCM vẫn luôn là đầu tàu quan trọng của cả nước nhưng các điểm nghẽn vẫn còn nhiều, làm chậm lại sự phát triển. Trong các nguyên nhân chung đã được chỉ ra là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực thì thể chế là nguyên nhân lớn nhất, là điểm nghẽn của điểm nghẽn.
Nền kinh tế TP.HCM có độ mở lớn nên điểm nghẽn thể chế cũng tác động lớn nhất với thành phố. Điều đó còn ảnh hưởng đến tinh thần hăng say, dám nghĩ, dám làm khi cơ chế chính sách bị xung đột.

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, điểm nghẽn thể chế là do con người tự đặt ra, tự trói chân mình, cần sớm tháo gỡ.
"Ngoài đường lối thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Tự mình phải cởi trói cho mình. Thể chế do ai làm? Là do mình trói buộc mình, do mình không là nhận định đúng tình hình và không đi theo kịp thực tiễn thì bây giờ phải tự cởi trói cho mình. Cái này là chủ quan của mình thôi chứ có ai cấm cảm gì ai", ông Huỳnh Đảm nêu vấn đề.
Phát biểu tại Hội thảo “TPHCM-Thành tựu xây dựng, bảo vệ và phát triển ngày 25/3, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đã khẳng định, trong 50 năm vừa qua, thành phố bằng tất cả ý chí và quyết tâm đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn, ý nghĩa, xứng đáng với danh hiệu cao quý "Thành phố anh hùng”.
Để tiến vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TPHCM phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. TP phát huy tư duy kiến tạo phát triển, kiến tạo sự thay đổi; biến cơ chế xin - cho thành phục vụ; xem người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể phải phục vụ; xem doanh nghiệp là nguồn lực, là động lực cho sự phát triển.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng, nhiệm vụ năm 2025 đối với TPHCM, trong đó có nhiệm vụ thực hiện cuộc cách mạng về thể chế:
"Năm 2025 cũng là năm thành phố và cả nước thực hiện cuộc cách mạng về thể chế mang tính đột phá của đột phá về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả; là năm tăng tốc bứt phá, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống đến tạo đột phá trong các động lực tăng trưởng mới. Do đó rất cần sự tham gia, góp sức chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và của nhân dân", ông Nguyễn Văn Được cho biết.

TPHCM nỗ lực hơn nữa để bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc (ảnh V.Q)
Cả dân tộc Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa mới, chuẩn bị hành trang để bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc. Và với sự sẵn sàng, tính tiên phong của mình, chắc chắn TPHCM sẽ lại đi đầu, xứng đáng là đầu tàu của cả nước.