Vượt thử thách trên Ấn Độ Dương
Vùng biển Jupiter trên Ấn Độ Dương, rộng 45x45 hải lý nằm phía Đông Bắc cảng Visakhapatnam của Ấn Độ ngày thường vốn thưa tàu bè qua lại, trở nên sôi động hơn bởi sự xuất hiện của hàng chục chiến hạm từ các nước trên thế giới hội quân diễn tập nhiều khoa mục trên biển trong khuôn khổ Diễn tập Hải quân đa phương MILAN năm 2022 (MILAN 2022).
Tàu 016-Quang Trung, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân nổi bật với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay tham gia tất cả các khoa mục trong 56 giờ liên tục…
1 giờ sáng, trên buồng hành trình của Tàu hộ vệ tên lửa 016-Quang Trung chỉ còn ánh sáng nhấp nháy từ hải đồ điện tử và màn hình radar, những ánh mắt tập trung, chăm chú. Ban đêm, cường độ diễn tập giảm bớt so với ban ngày, nhưng không khí làm việc trên tàu vẫn khá căng.
Tiếng rèn rẹt của bộ đàm và hệ thống thông tin liên lạc một lúc lại vang lên những thông tin mệnh lệnh được tổ tham mưu tác chiến tiếp nhận từ tàu chỉ huy Jalashwa thuộc nhóm chiến thuật số 3 của nước chủ nhà Ấn Độ. Tàu chỉ huy đang yêu cầu các tàu trong nhóm chiến thuật khẩn trương tiếp cận xây dựng đội hình hàng dọc đúng cự ly và vận tốc quy định, tăng cường quan sát, trực canh-một trong nhưng khoa mục diễn tập đầu tiên.
“Đài chỉ huy ngành 5!”- khẩu lệnh của thuyền trưởng vang lên yêu cầu tăng vận tốc lên 15 hải lý/giờ để bám đội hình đúng cự ly và tốc độ. Những khoảng lặng hiếm hoi cũng là lúc căng thẳng nhất vì mọi ánh mắt đổ dồn quan sát tàu đã chiếm lĩnh đúng vị trí trong đội hình chưa, có bảo đảm an toàn hàng hải, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hay không…
“Không như hành trình thông thường với vận tốc và hướng tương đối ổn định, khi diễn tập, tàu phải cơ động trong đội hình nhóm chiến thuật (7 tàu) theo những hướng khác nhau và thường xuyên thay đổi vận tốc để chiếm lĩnh các vị trí quy định. Cường độ công việc ở các vị trí chiến đấu trên tàu vì thế cũng lớn hơn vì phải xử lý các tình huống trong thời gian gấp, nhất là các vị trí thuộc Ngành 5 (cơ điện) vốn được coi như “trái tim con tàu”, Đại úy Nguyễn Hữu Minh, Trưởng ngành chia sẻ từ Đài chỉ huy ngành 5.
Hệ thống thông thoại trên buồng hành trình làm việc hết công suất. Các sĩ quan trong tổ tham mưu tác chiến liên tục nhấc điện thoại để tiếp nhận thông tin và mã hóa theo quy ước liên lạc giữa các tàu hải quân và cả bằng tiếng Anh từ tàu chỉ huy cũng như tàu bạn để báo cáo giúp thuyền trưởng nắm được ý định chiến thuật và tiến hành điều động tàu chuẩn xác trong từng khoa mục.
Trung úy Nguyễn Hoàng Giang, thành viên Tổ tham mưu tác chiến cho biết: “Chúng tôi phải tiếp nhận và xử lý hàng trăm thông tin mỗi ngày trong từng nội dung khoa mục diễn tập. Nếu không nhanh và chính xác sẽ mất thời cơ, ảnh hưởng tới khả năng xử lý của thuyền trưởng cũng như sự vận động của tàu trong nhóm chiến thuật”. Mọi thông tin tiếp nhận đều được đăng ký, ghi chép đầy đủ để bảo đảm không có sai sót, nhất là các thông số về hướng, vận tốc, cự ly, cùng những yêu cầu khác của chỉ huy khoa mục đối với Tàu 016-Quang Trung, chỗ nào chưa rõ đều được hỏi lại.
Trong mọi quyết định điều động tàu của thuyền trưởng, yếu tố bảo đảm an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là an toàn hàng hải và sự hoạt động của VKTBKT. Nhưng thực tế diễn tập không hề dễ dàng ở những khoa mục khá phức tạp vì đòi hỏi sự linh hoạt và chủ động cao của người thuyền trưởng. Nhóm chiến thuật số 3 gồm 7 tàu các nước Ấn Độ, Pháp, Sri Lanka, Seychelles và Việt Nam thực hiện một số khoa mục tác chiến như bắn pháo đối hải, bắn pháo đối không nên đòi hỏi các tàu tuân thủ, chấp hành mệnh lệnh của tàu chỉ huy và tuân thủ các quy tắc bảo đảm an toàn.
Ở những khoa mục khó, phức tạp nguy cơ xảy ra va chạm cao như Tiếp vận trên biển ở khoảng cách chính ngang 50 mét, với vận tốc 10 đến 12 hải lý/giờ, xây dựng Đội hình chụp ảnh trên không, có thời điểm cự ly giữa các tàu trong đội hình cách nhau 2,5 liên (gần 500 mét) theo hàng và cột, ở các tình huống như vậy đòi hỏi thuyền trưởng tính phải toán thật chính xác, tập trung cao độ tăng cường quan sát trên các trang bị radar, kết hợp với quan sát mạn và quang điện tử để điều động, đồng thời chuẩn bị TBKT ở chế độ sự cố sẵn sàng sử dụng.
Suốt quá trình diễn tập trên biển, tàu vận động trong điều kiện ngày đêm để thực hiện các khoa mục nối tiếp nhau, từ kiểm tra thông tin liên lạc, xây dựng và vận động theo đội hình, bắn pháo, tiếp vận trên biển, hạ xuồng, cứu người rơi xuống nước, chưa kể các tình huống phải xử lý sự cố liên quan máy móc, kỹ thuật. Sơ đồ vận động hạm được kiểm tra, theo dõi liên tục trên buồng hành trình để bảo đảm tàu đang vận động theo đúng đội hình.
Để bảo đảm theo kịp cường độ diễn tập khá căng, Trung tá Vũ Trọng Tân, Thuyền trưởng Tàu 016-Quang Trung cho biết: “Trong thời gian diễn ra các khoa mục diễn tập, ngoài ban canh chính đi ca, tàu cũng tăng cường các sĩ quan trong tổ tham mưu tác chiến và các đồng chí có kinh nghiệm quan sát. Điều này đòi hỏi các vị trí đều có chuyên môn tốt, có trình độ ngoại ngữ và sức khỏe để thực hiện tốt nhiệm vụ”.
Theo Thiếu úy Phạm Xuân Trung, ngành Vũ khí dưới nước, đảm nhiệm vị trí quan sát mạn: Trong suốt quá trình diễn tập, các vị trí quan sát 2 bên mạn phải căng mắt, tập trung theo dõi, nhận dạng mục tiêu, ngoài quan sát các tàu bạn trong đội hình vận động, phải nắm được số hiệu, thứ tự các tàu trong đội hình đặc biệt khi có sự thay đổi các yếu tố vận động, ngoài ra khi phát hiện mục tiêu lạ trong khu vực diễn tập, nhanh chóng báo cáo sĩ quan trực canh, đồng thời phải phân tích, đánh giá và đưa ra nhận định chính xác, kịp thời báo cáo hướng vận động của mục tiêu khi có nguy cơ xảy ra đâm va.
Thượng úy Vũ Đình Chỉnh, Sĩ quan ngành hàng hải cho biết: “Chỉ cần mất tập trung, nghe không rõ khẩu lệnh, thao tác lái không chính xác sẽ mất thời chiếm lĩnh, gây hiểu nhầm cho các tàu vận động phía sau làm ảnh hưởng tới cả đội hình chung. Vì vậy khi tham gia diễn tập, mọi vị trí đều phải tập trung cao độ, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các vị trí và tuyệt đối tuân thủ các mệnh lệnh chỉ huy của thuyền trưởng”.
Điều kiện thời tiết được cho là khá lý tưởng cho các khoa mục diễn tập trên biển. Tuy nhiên, ở một số thời điểm ảnh hưởng thời tiết sương mù cũng không làm khó được các chỉ huy, sĩ quan, thủy thủ với kinh nghiệm đi biển đường dài và chinh phục các vùng biển lạ. Thuyền trưởng Vũ Trọng Tân, khi còn là Phó thuyền trưởng Tàu 016-Quang Trung đã có kinh nghiệm tham gia thi đấu ở môn thi “Cúp biển” tại Army Games 2021 ở vùng biển Vladivostok (Liên bang Nga) vốn được biết nhiều qua “đặc sản”… sương mù dày đặc.
Sự chuẩn bị tốt về VKTBKT trước diễn tập đã góp phần đáng kể vào thành công trong diễn tập của chiến hạm mặt nước hiện đại nhất Việt Nam mang tên vị vua Quang Trung. Tham gia trên tàu còn có những chỉ huy từng kinh qua các vị trí thuyền trưởng và cán bộ trên những tàu chiến khác nhau, giống như những “điểm tựa” tin cậy trên cả hải trình dài vượt đại dương và trong diễn tập.
Trưởng đoàn công tác, Đại tá Nguyễn Văn Ngân, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân chính là một trong những thuyền trưởng đầu tiên của lớp tàu Gepard. Trung tá Nguyễn Đình Quân, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162, Chỉ huy trưởng hành quân luôn bám sát quá trình diễn tập cũng từng kinh qua vị trí chỉ huy nhiều tàu chiến, trong đó có tàu tên lửa tấn công nhanh “tia chớp” 376. Họ có khả năng nghe âm thanh của hệ trục, của động cơ để phán đoán tình trạng kỹ thuật.
Khi tàu đang hành trình, mỗi lần nghe thấy âm thanh bất thường, các chỉ huy tàu kỳ cựu này đều yêu cầu tàu kiểm tra tình trạng hoạt động của TBKT, và khẩn trương báo cáo. Không có một vị trí chiến đấu, một dấu hiệu bất thường nào trong suốt quá trình diễn tập lọt qua được mắt của các cựu chỉ huy tàu chiến dày dạn kinh nghiệm.
May mắn có mặt trên chiến hạm 016-Quang Trung trong suốt thời gian tham gia Diễn tập MILAN 2022, chúng tôi thêm khâm phục hơn trình độ và kỹ năng đi biển tuyệt vời của các chỉ huy, thủy thủ trên những chiến hạm chinh phục đại dương của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Các chiến hạm Việt Nam từng nhiều lần tham gia các cuộc diễn tập hải quân đa phương khác nhau ở khu vực và thế giới. Sự tham gia thành công ở Diễn tập MILAN 2022 cùng với hàng chục chiến hạm hiện đại trên thế giới, Tàu 016-Quang Trung đã ghi thêm dấu ấn của Hải quân nhân dân Việt Nam trên những đại dương rộng lớn, khẳng định trình độ và kỹ năng làm chủ VKTBTK, trình độ xử trí các tình huống trên biển trong các điều kiện ngày đêm, khả năng phối hợp hiệp đồng với tàu hải quân các nước, khẳng định năng lực của Hải quân nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Bài và ảnh:MỸ HẠNH-LINH OANH
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/vuot-thu-thach-tren-an-do-duong-687935