Vượt trên bạo bệnh để hoàn thành nhiệm vụ
Căn bạo bệnh chẳng thể làm Trung tá Nguyễn Thị Lan gục ngã bởi vào lúc chị tưởng chẳng thể vượt qua được lằn ranh giữa sự sống và cái chết thì cái nắm tay thật chặt của chồng đã giữ chị lại. Khi ba bố con quyết định cắt trụi tóc để cả nhà 'đầu trọc' giống mẹ và sự đồng hành của những người đồng chí, đồng đội, chị hiểu rằng mình không cô đơn.
Một mùa xuân mới lại sắp về miền biên viễn… Xuân khiến lòng người thêm hân hoan với bao hy vọng và niềm tin thắp sáng. Với người nữ Đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (TTXH) Công an tỉnh Lào Cai - Trung tá Nguyễn Thị Lan, thì mùa xuân mang thêm niềm hy vọng vào tương lai.
Căn bạo bệnh chẳng thể làm chị gục ngã bởi vào lúc chị tưởng chẳng thể vượt qua được lằn ranh giữa sự sống và cái chết thì cái nắm tay thật chặt của chồng đã giữ chị lại. Khi ba bố con quyết định cắt trụi tóc để cả nhà "đầu trọc" giống mẹ và sự đồng hành của những người đồng chí, đồng đội, chị hiểu rằng mình không cô đơn.
Đó chính là nguồn sinh lực để chị tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Thêm một mùa xuân mới lại về và chị lại chứa chan hy vọng được sống bên gia đình, được sát cánh cùng đồng đội vì sự bình yên của thành phố biên cương.
Khi phụ nữ làm 113
Yêu thích nghề Công an từ những câu chuyện trinh thám, Trung tá Nguyễn Thị Lan được thỏa niềm đam mê khi trúng tuyển trong một đợt tuyển dụng của Công an tỉnh Lào Cai, thời điểm đó chị vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Sau đó, chị được phân công công tác tại Phòng kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh Lào Cai.
Năm 2005, Trung tá Nguyễn Thị Lan theo học văn bằng hai của Học viện An ninh nhân dân rồi về nhận công tác tại Đội Cảnh sát 113, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Lào Cai.
Công việc đột xuất, bất ngờ vốn chỉ hợp với cánh mày râu. Thế nhưng, chị đã xông xáo có mặt ở hầu hết các địa bàn, khi nhận nhiệm vụ. Đó có thể là một vụ trọng án bất ngờ xảy ra trong đêm, cũng có khi là một vụ tai nạn giao thông thương tâm trên đường. Bất kể lúc nào, 113 cũng là lực lượng đầu tiên có mặt tại hiện trường...
Công việc của Đội Cảnh sát trật tự sau này lại là những đêm trắng tuần tra công cộng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý tội phạm. Càng vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán, công việc của chị và đồng đội càng bề bộn. Đây là thời điểm các đối tượng mua bán hàng cấm, buôn lậu.. lợi dụng tình hình để thực hiện hành vi phạm tội.
Với sự khéo léo và kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh với tội phạm, Trung tá Nguyễn Thị Lan được trưng dụng vào không ít các vụ việc nhạy cảm.
Qua công việc và những tình huống cụ thể, người nữ cán bộ đã thể hiện được khả năng đặc biệt của mình; cùng đồng đội bảo vệ thành công các sự kiện chính trị, văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Chị cũng tham gia nhiều vụ án lớn, trong đó có vụ bắt giữ các đối tượng mua bán trái phép 6.000 viên ma túy tổng hợp...
Có một kỷ niệm đặc biệt mà chị nhớ mãi bởi cách xử lý tình huống đột xuất thu được kết quả bất ngờ. Chị được giao nhiệm vụ giám sát một đối tượng trong một kế hoạch bảo vệ. Theo thông tin có được, đối tượng sẽ lợi dụng sự kiện này để lao vào xe ôtô của đoàn công tác. Khi tìm hiểu hoạt động của đối tượng này, Trung tá Nguyễn Thị Lan phát hiện người phụ nữ này có tính ghen tuông. Cụ thể vào thời điểm đó, người phụ nữ này đi cùng với bạn trai, nhưng khi nhìn thấy bạn trai nhắn tin điện thoại cho ai đó là lập tức chị ta ghen tuông...
Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Trung tá Nguyễn Thị Lan, chị vờ lại gần, hỏi chuyện người đàn ông, nhằm đánh lạc hướng chú ý của đối tượng. Và đúng như dự đoán, khi thấy một người phụ nữ khác ở cạnh bạn trai của mình, người phụ nữ đã tập trung vào bạn trai mà quên đi việc chính muốn làm...
Vượt lên biến cố
"Một biến cố lớn đã làm thay đổi cuộc đời tôi" - Trung tá Nguyễn Thị Lan nghẹn lời. Đó là khoảng thời gian năm 2015, chị thấy trong người có những dấu hiệu bất thường, thi thoảng ở vùng ngực lại đau nhức như có một vật nhọn đâm vào.
Trong một đợt tập huấn tại TP Hồ Chí Minh, một cơn đau đã khiến chị buộc phải đi khám bệnh, lúc đó bác sỹ chỉ nói rằng chị bị đau xương. Một năm sau đó, những cơn đau lại tiếp tục dày vò chị. Cuộc kiểm tra lúc đó chưa kết quả, nhưng bằng linh cảm của một người phụ nữ, chị đã phát hiện ra những dấu hiệu không bình thường trong cơ thể…
Cho đến bây giờ, Trung tá Nguyễn Thị Lan vẫn không quên được cảm giác khi biết sự thật, chị bị K vú. Mạnh mẽ là vậy nhưng lúc đó chị đã không kiềm chế được bản thân, lao vào nhà vệ sinh khóc nức nở, cảm thấy như trời đất dưới chân mình sụp đổ. Sau cảm giác hẫng hụt, chị nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, hỏi các bác sỹ việc cần làm...
Những mũi sinh thiết như cứa vào từng thớ thịt, ngoài nỗi đau về thể xác còn là sự suy sụp về tinh thần. Khi có kết quả chính thức, chị gọi cho chồng đưa hai con trai xuống Hà Nội, lúc đó con trai lớn của chị đang học lớp 5 còn con trai thứ hai vừa vào lớp một để các con ý thức về bệnh tật của mẹ. Cùng tối hôm đó, chị quyết định về Việt Trì (Phú Thọ) thăm bố mẹ. Giấu đôi mắt sưng húp sau đôi kính râm, chị không cho ai nói với bố mẹ về căn bệnh của mình...
Cuộc phẫu thuật của chị buộc phải dừng lại do tiên lượng quá xấu. Câu hỏi ngây ngô của cậu con trai nhỏ kéo chị lại với thực tại: "Mẹ ơi, có phải mẹ chỉ sống được 5 năm nữa không ạ?". Lúc ấy, chị thấy cổ họng nghẹn lại. Chị nói với con rằng, nếu con ngoan, mẹ sẽ sống được lâu hơn. Và chị quyết tâm giành giật sự sống bằng ý chí!
Hai tuần một lần, chị đi chữa bệnh. Sau khi truyền hóa chất 3 tiếng, chị lại khăn gói về Hà Nội rồi lên Lào Cai. Qua 7 ngày đầu tiên, là những ngày ăn uống để phục hồi rồi ngày thứ 14 lại tiếp tục những đợt hóa trị. Có những thời điểm chị tưởng như tuyệt vọng. Những lúc ấy, bàn tay của anh đã nắm chị thật chặt... Trong những lần chị đi chữa bệnh, anh luôn là người đồng hành. Nhiều khi cả đêm anh ngồi xoa lưng cho vợ, căn phòng nhỏ, điều hòa lại chiếu thẳng vào người khiến anh bị cảm nặng.
Có lần truyền hóa chất chị bị bội nhiễm, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Gần 10 ngày phải đối mặt giữa sự sống và cái chết, cơ thể chị dường như chẳng thể gắng gượng phải thường xuyên thở bằng bình oxy. Lúc đó, chị chỉ mong được ra đi, cho quên hết đau đớn. Giữa lúc mê man sốt nóng, sốt lạnh, chị vô tình nghe được câu chuyện đau lòng về một đứa trẻ không có mẹ.
Bản năng người mẹ đã thôi thúc chị phải sống... Thế là chị ngồi dậy, đòi ăn cháo. "Miệng đắng ngắt nhưng tôi cố nuốt từng thìa cháo. Mỗi thìa cháo là nước mắt lại trào ra... nhưng tôi cảm nhận mình vẫn đang còn sống", Trung tá Nguyễn Thị Lan nhớ lại.
Lần khác, trong khi đang miên man trên giường bệnh, chị nghe thấy hai con trai nói chuyện với nhau. "Nếu có 3 điều ước là giàu có, có nhiều đồ chơi đẹp và mẹ khỏi bệnh thì em thích điều gì..." - cậu con trai lớn hỏi đứa em. Một cảm giác hẫng hụt, xen lẫn hồi hộp, chị chờ đợi câu trả lời của con. "Đương nhiên là mẹ khỏi bệnh", câu nói đó một lần nữa đã tiếp thêm cho chị nghị lực sống.
Lần thứ hai đó là khi chị truyền hóa chất, tóc chuyển sang màu rỉ sắt, mỗi lần đưa tay lên là cả mảng tóc rụng xuống. Chị rơm rớm nước mắt nói với chồng muốn được cắt tóc. Khi ấy anh bảo cả nhà cùng cắt tóc. Anh lấy kéo cắt cho chị, rồi tự cắt cho chính mình. Khi nhìn thấy đầu của bố, mẹ trọc lốc, hai con chị cũng đòi cắt tóc theo cho giống mẹ…
Rời giường bệnh, người nữ đội trưởng ấy lại bắt tay vào công việc mới. Không chỉ gia đình, bên chị còn có những đồng đội ở Công an tỉnh Lào Cai, có sự giúp đỡ của Ban giám đốc cả về tình cảm và vật chất, giúp chị vượt qua những ngày gian khó...
Khi những chùm pháo hoa bung tỏa trên bầu trời, báo hiệu một mùa xuân mới lại về, cũng là lúc chị và đồng đội lại có mặt trên những cung đường, góp thêm sắc thắm cho những mùa xuân trên dải đất biên cương.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/39-vuot-tren-bao-benh-de-hoan-thanh-nhiem-vu-577213/