Vứt bỏ con mới đẻ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Bạn đọc hỏi: Hiện nay, có vụ việc trẻ sơ sinh bị chính mẹ đẻ hoặc người thân đang tâm vứt bỏ, rất đau lòng! Hành vi trên của những người mẹ, người thân bị xử lý như thế nào thưa luật sư? Nguyễn Thị Thùy Dung (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Luật sư trả lời:
Tại khoản 2, Điều 124 quy định Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ như sau:
“2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.”
Theo quy định này, người mẹ vứt bỏ con mới đẻ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu sau:
- Nạn nhân là con đẻ, bị vứt bỏ trong khoảng thời gian 7 ngày tuổi;
- Hậu quả là đứa trẻ chết;
- Nguyên nhân thực hiện hành vi là do người mẹ bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt.
Trong trường hợp đứa trẻ đã hơn 7 ngày tuổi hoặc người mẹ không thuộc trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc hoàn cảnh khách quan đặc biệt thì người mẹ có thể bị truy cứu Tội giết người quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với trường hợp chưa đủ cấu thành tội phạm, người mẹ thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 22, Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em như sau:
“Điều 22. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;
b) Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;
c) Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm tại khoản 1, Điều này”.