Vứt bỏ con mới đẻ trong nhà vệ sinh: Người mẹ có thể bị xử lý như thế nào?
Vứt bỏ con mới đẻ trong nhà vệ sinh: Người mẹ có thể bị xử lý như thế nào? Chuyên gia pháp lý nhận định hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ tử vong là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em, quyền sống của con người.
Thông tin từ Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, Công an huyện Việt Yên đang củng cố hồ sơ vụ việc Vàng Thị T. (19 tuổi, quê huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) để làm rõ về hành vi vứt bỏ con mới đẻ.
Trước đó, ngày 22/1, tại khu vệ sinh chung của một số doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Đình Trám (huyện Việt Yên), một số công nhân phát hiện có máu trên nền nhà và một bé trai sơ sinh đã tử vong.
Sau khi tiếp nhận thông tin trình báo, Công an huyện Việt Yên đã làm rõ, khoảng 2 giờ ngày 22/1, Vàng Thị T. trong thời gian đi làm ca đêm đã ra khu vực vệ sinh, sau đó tự sinh con rồi bỏ lại.
Làm việc với cơ quan công an, Vàng Thị T. cho biết do lo lắng, sợ bị gièm pha nên đã quyết định bỏ con đẻ của mình. Cơ quan công an đang tiếp tục củng cố hồ sơ hồ sơ vụ việc, để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với Gia đình Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ tử vong là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em, quyền sống của con người.
Bởi vậy, người phụ nữ trong trường hợp này sẽ bị xử lý về tội "Giết người" hoặc tội "Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ" theo quy định của Bộ luật Hình sự tùy thuộc vào từng hoàn cảnh và nhận thức cụ thể của người mẹ trẻ này.
Chuyên gia pháp lý này cho rằng, trong một số trường hợp thì hành vi vứt, bỏ con mới đẻ sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người" với lỗi cố ý gián tiếp. Người mẹ hoàn toàn có thể nhận thức được rằng, hành vi vứt bỏ con mới đẻ như vậy có thể dẫn đến đứa trẻ tử vong nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi vứt bỏ con và bỏ mặc hậu quả đứa trẻ có thể tử vong xảy ra.
Thực tế, đứa trẻ tử vong thì người mẹ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
"Với hành vi giết người dưới 16 tuổi thì người phạm tội sẽ phải chịu mức chế tài là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là chế tài rất nghiêm khắc của pháp luật để bảo vệ quyền sống của con người", Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Trong trường hợp người phụ nữ sau sinh bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con trong 7 ngày tuổi khiến trẻ tử vong thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.
Điều 124 Bộ luật Hình sự tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ quy định chế tài xử phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định người phụ nữ đã mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi khi vứt bỏ con, thì người mẹ sẽ bị bắt buộc chữa bệnh theo quy định và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vụ việc này cũng sẽ là bài học cho các bạn trẻ khi sống buông thả, thiếu trách nhiệm với bản thân, thiếu kỹ năng sống. Với những bạn trẻ thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết, sống buông thả, thiếu trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng xã hội thì rất dễ xảy ra những tình huống tương tự, gây ra những chuyện đau lòng, tạo ra những gánh nặng cho xã hội.