Vy- người phụ nữ thép
Trương Thụy Tường Vy (còn gọi là Iris Trương) - người phụ nữ mang trong mình lá gan thép khi tham gia vào thị trường mua bán bản quyền truyền hình quốc tế đầy khắc nghiệt và mưu kế.
. Phóng viên: Là người sản xuất chương trình, chị đánh giá thế nào về chương trình "The new mentor" - chương trình gây sốt thời gian qua?
- Iris Trương: Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần sẽ khó có một chương trình truyền hình thực tế nào về thời trang có được một đội ngũ mạnh cũng như sự đầu tư hoành tráng tương đương với "The New Mentor" nhất là trong giai đoạn kinh tế hiện nay. Chương trình mang đến cho khán giả một "món ăn tinh thần" chất lượng khi lồng ghép khéo léo vào các thử thách về văn hóa, nghệ thuật đặc trưng, những video thời trang quảng bá du lịch đầy khác biệt mà trước nay hiếm có.
. Chị cũng sản xuất "Chị đẹp" - một chương trình chưa ra mắt đã gây chú ý. Làm một chương trình có bản quyền, có khó không thưa chị?
-Thật ra mỗi chương trình sẽ có cái khó riêng, nhưng quan trọng là hết lòng, có đầu tư cả tâm trí và tài trí lẫn tài chánh thì cái khó nào cũng vượt qua được. Nói hơi "sách vở" là "Together we win" (chúng ta sẽ thắng khi đi cùng nhau), mà nói theo chị Thu Phương hay nói trong show mà tôi rất ấn tượng là "khó khăn cũng chỉ là thử thách".
. Chương trình truyền hình thì quá nhiều nhưng chương trình hay thì ít. Chị đánh giá thế nào về thị trường chương trình truyền hình hiện nay?
- Hiện nay quá nhiều phương tiện để thể hiện và đăng tải nội dung từ cá nhân đến tập thể. Vì vậy không phải là chương trình hay thì ít mà tôi nghĩ có quá nhiều nội dung để chọn lựa. Đôi khi chúng ta cũng chưa thật sự bỏ ra thời gian đủ để xem. Xã hội thì muôn hình vạn trạng nên nội dung nào hợp với ai thì người đó sẽ thích xem hơn.
Chưa kể là truyền thông và chương trình được tiếp cận như thế nào với khán giả nữa. Khi thế giới phẳng thì khán giả càng được tiếp cận với nhiều nội dung hay của thế giới, muốn có nội dung hay thì cần phải có sự đầu tư tương xứng.
Thị trường truyền hình tôi nghĩ càng ngày càng khó, đòi hỏi người làm nội dung, nhà đầu tư phải tìm tòi, sáng tạo và đầu tư rất nhiều. Mà bạn cũng biết, lạm phát tăng cao, kinh tế cũng khó khăn sau dịch, nên cũng là thử thách lớn của nhiều đơn vị sản xuất nội dung.
. Làm thế nào, dựa vào đâu để chọn mua bản quyền một chương trình truyền hình ít rủi ro nhất?
-Tôi nghĩ tùy thuộc vào sự hiểu biết thị trường, con người và sự cảm nhận của người làm nghề nhiều năm. Hiểu biết thị trường là hiểu biết về văn hóa thưởng thức, văn hóa giải trí cùng nhiều yếu tố khác (độ tuổi, đối tượng hướng đến)
Với cá nhân tôi, một chương trình truyền hình thực tế hay là chương trình tạo nhiều "đất" để phát triển tính cách, tâm lý, nhiều đất thể hiện tính cách và những điều thú vị của nhân vật, lẫn truyền tải những điều hay và ý nghĩa, nhân văn đến với khán giả.
. Từng tham gia nhiều phiên chợ bán bản quyền, chị đánh giá thế nào về thị trường bản quyền chương trình truyền hình quốc tế?
-Tham gia nhiều năm, tôi thấy phiên chợ bản quyền có sự lặp lại, một vòng xoay và nhiều điểm chung của thị trường nội dung truyền hình thế giới. Cũng có nhiều hội thảo hội nghị để chia sẻ trao đổi những kinh nghiệm làm nội dung đa nền tảng.
Chị cũng viết kịch bản chương trình truyền hình, chị thấy Việt Nam đang thiếu những chương trình thế nào?
-Tôi không dám lạm bàn về những điều to tát, tôi thấy có điểm chung ở Việt Nam là dạng nội dung truyền hình đều có thời điểm nở rộ cho những thể loại khác nhau, ví dụ như có thời gian thì bùng nổ chương trình âm nhạc, có thời gian thì chương trình về nghệ thuật hài kịch, có thời gian thì chương trình về hoa hậu, có khi là chương trình về người mẫu.
Là một người làm nghề lâu năm, tôi cũng ao ước được khám phá nhiều thể loại nội dung khác nhau, ví dụ như nội dung truyền hình thực tế của một nghề nào đó.
. Giữa rating và chất lượng tử tế của một show truyền hình chị nghiêng về yếu tố nào?
-Tôi nghĩ chất lượng tử tế và rating đều có thể song hành cùng nhau, và tôi nghiêng về cả hai (cười). Nhưng nếu bắt buộc phải lựa chọn tôi lựa chọn sự tử tế, vì nếu không có sự tử tế thì sẽ không có gì cả.
. Hiện nhiều ý kiến cho rằng show truyền hình đang chết, chị thấy thế nào?
-Tôi nghĩ sẽ có sự thay đổi để phù hợp hơn. Bằng chứng là bạn thấy tuy ít và có chọn lọc hơn thì các show truyền hình bây giờ cũng rất hay và được yêu thích, và show nào nổi tiếng thì những show đó bên cạnh sự giải trí thì luôn có đóng góp tích cực cho 1 nghề, 1 lĩnh vực và đóng góp tích cực chung cho số đông.
Như "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" chúng tôi gọi là chương trình truyền hình thực tế truyền cảm hứng. Tôi nghĩ rằng các chị em phụ nữ sẽ thấy được mình, sẽ xúc động và sẽ thêm động lực để sống, làm việc, yêu thương chính mình và yêu thương cuộc sống này.
. Sự nhảm nhí đang chiếm khá nhiều sóng truyền hình. Điều đó có phải là nguyên nhân khiến show truyền hình mất khán giả?
-Tôi không thấy sự nhảm nhí đang chiếm sóng truyền hình. Nhảm nhí có lên ngôi hay không là do chúng ta lựa chọn. Thật sự xung quanh tôi rất nhiều anh chị em làm truyền hình, làm nội dung và các anh chị em nghệ sĩ đã và đang hoạt động nghệ thuật bằng cái tâm. Những điều nhảm nhí hay ai làm điều nhảm nhí thì đều sẽ có bài học cho mình từ khán giả hay nói vui là từ "nhân quả", nên chúng ta cứ sống đúng, còn lại thì thời gian sẽ trả lời hoặc thanh lọc.
Hiện nay đời sống bận rộn, phương tiện giải trí thì nhiều nên mỗi khán giả đều có nhiều cách để giải trí theo sở thích của mình.
. Một phụ nữ làm công việc sản xuất, khó khăn mà chị phải đối mặt là gì?
-Mọi người hay bảo phụ nữ là "xây tổ ấm" nên với công việc của mình, tôi thường xuyên vắng nhà, cái bếp cũng ít có ấm. Vậy nên, nếu người đàn ông bên cạnh không thấu hiểu, không yêu thương không chia sẻ thì đúng là khó thật. Mà điều này tôi nghĩ cũng không đòi hỏi được. Cái gì cũng có giá của nó phải không bạn?.
Tôi chỉ cảm thấy tôi rất may mắn. Tôi hay đùa là tôi biết ơn vũ trụ, các chị bạn cũng hay cười tôi khi nói điều này. Nhưng tôi biết ơn lắm. Được làm nghề, được yêu thương, được giúp đỡ, thì còn gì may mắn bằng nữa?.
Với nghề mà phần lớn là đàn ông như nghề này thì phụ nữ như chúng tôi cũng được ưu tiên lắm (cười). Đôi khi cũng có cảm giác "quyền lực" khi 1 bàn họp chỉ toàn đàn ông bàn về kỹ thuật, lúc đó chỉ mình là phụ nữ thì cũng có cảm giác "oai oai" (cười).
. Chị cân bằng thế nào cuộc sống của một phụ nữ trong gia đình và một nữ tướng ở trường quay?
-Đến giờ làm nghề này gần 20 năm, tôi cũng thật sự chưa cân bằng lắm. Lúc thì đi quá trời đi, rồi lúc không đi thì ở nhà cống hiến những bữa ăn cho gia đình.
Đúng là khi ở trường quay và ở nhà tôi khác lắm. Ở đâu thì làm đúng việc ở đó thôi, tôi nghĩ bí quyết là vậy. Đây là nghề đã nuôi tôi sống, 1 cuộc sống tròn đầy với nhiều sự học hỏi và trải nghiệm.
Nghề này cũng giúp tôi và các bạn cùng nghề của chúng tôi phát triển kiến thức. Chúng tôi có sự may mắn và hạnh phúc khi được tiếp xúc nhiều ngành nghề, tiếp xúc với con người ở nhiều lĩnh vực. Và công việc này làm cho mình vừa được làm, lại được cảm giác cống hiến cho mọi người, lại được tiếp cận những điều mới mẻ đa dạng. Nếu công việc chỉ là làm kiếm tiền thì thật sự không thú vị bằng việc vừa có thể có thể kiếm tiền vừa được làm những điều ý nghĩa cho cuộc sống.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/vy-nguoi-phu-nu-thep-20231018091010849.htm