VZ: Bắn xong chưa kịp chạy, Tochka-U Ukraine đã bị Iskander Nga 'giã nát' - Vì sao?
Vz.ru dẫn nguồn QĐ Nga cho biết ít giờ trước phía Ukraine đã khai hỏa tổ hợp Tochka-U vào Melitopol. Nhưng các tên lửa đang bay lẫn tổ hợp dưới mặt đất đều đã bị tiêu diệt.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, vào đêm 18/3 giờ địa phương phía Ukraine đã khai hỏa tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U "Dấu chấm hết" mang đầu đạn chùm vào thành phố Melitopol.
Ông Konashenkov cho biết thêm rằng các tổ hợp phòng không của Nga đã đẩy lùi cuộc tấn công.
Quân đội Nga đã dò được các vị trí khai hỏa của phía Ukraine ở sân bay thuộc vùng ngoại ô đông nam thành phố Zaporozhye và để ngăn chặn nguy cơ đối phương tiếp tục hành động tấn công này, họ đã đáp trả bằng 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander.
Cuộc tấn công của Iskander không chỉ phá hủy các tổ hợp Tochka-U mà còn bao gồm các kho đạn xung quanh - nơi có thể chứa các tên lửa Tochka-U khác.
Được biết các tổ hợp Tochka-U của Ukraine đã được nạp đạn ở Zaporozhye và xa hơn nữa là vùng Khmelnytsky.
Theo chuyên gia quân sự Nga Yuri Knutov, dù cùng là tên lửa đạn đạo chiến thuật nhưng Iskander tiên tiến hơn Tochka-U nhiều lần, lưu ý tên lửa "không bay theo đạn đạo như Tochka-U, mà được dẫn đường trực tiếp suốt hành trình và đảm bảo trúng mục tiêu 100%".
Ông Knutov nhấn mạnh rằng trước chiến dịch của Nga, Quân đội Ukraine có 20 tổ hợp và 800 đạn tên lửa Tochka-U.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng đây có thể là một hoạt động phối hợp giữa vệ tinh quân sự trong việc phát hiện tên lửa Ukraine, các tổ hợp phòng không Pantsir-S, Tor và Buk phòng thủ đánh chặn tên lửa và Iskander trong vai trò phản công.
Theo báo cáo của Quân đội Nga, đã có từ 14 đến 16 tên lửa Tochka-U bị bắn hạ trong thời gian từ ngày 24/2 đến 13/3 - trong đó có 2 tên lửa được cho là bị bắn hạ trong lãnh thổ Nga.
Tochka-U (được Quân đội Liên Xô đưa vào trang bị giữa những năm 1970) chính là thế hệ trước của Iskander (được Quân đội Nga đưa vào trang bị từ năm 2006). Đạn tên lửa Tochka-U có tầm bắn từ 120 đến 500 km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Đạn tên lửa Iskander-M nặng gần 4 tấn (gấp đôi Tochka-U), vận tốc 6-7 Mach (3-4 lần Tochka-U) với hệ thống dẫn đường tiên tiến bao gồm dẫn đường quán tính kết hợp định vị vệ tinh, phân tích địa hình bằng quang học / radar và độ tản mát chỉ bằng 1/20 Tochka-U.
Iskander-K là dạng tên lửa hành trình phóng từ mặt đất còn Iskander-E là biến thể xuất khẩu.