Wan-Bissaka và thảm họa tuyển trạch của Man Utd
Đội ngũ tuyển trạch Man Utd lọc danh sách hơn 800 hậu vệ tiềm năng để gợi ý CLB chiêu mộ Aaron Wan-Bissaka, nhưng kết quả là sự thất bại ê chề.
Jim Lawlor và Marcel Bout, 2 thành viên cấp cao trong đội ngũ tuyển trạch MU, tuyên bố chia tay đội bóng vào tối 20/4 (giờ Hà Nội). Đây là động thái cho thấy chuẩn bị có cuộc thanh lọc triệt để, từ các cấp điều hành cho đến đội hình MU sau mùa 2021/22.
Lawlor là người đứng đầu bộ phận tuyển trạch MU. Trong khi đó, Bout giữ vai trò đầu não trong mạng lưới tuyển trạch ở các quốc gia ngoài nước Anh. Lawlor và Bout làm việc cùng nhau trong 6 năm, nhưng để lại dấu ấn gần như bằng 0.
Thảm họa tuyển trạch thời hậu Sir Alex
Lawlor từng giữ vai trò quan trọng để hỗ trợ Sir Alex tuyển trạch cầu thủ ở giai đoạn 2006-2012. Nhiệm vụ chính của đội tuyển trạch MU là liên tục phát hiện, sàng lọc những tài năng trên khắp thế giới, rồi đề xuất cho ban huấn luyện để cân nhắc chiêu mộ.
Chicharito là một trong những vụ tuyển trạch thành công của đội ngũ do Lawlor làm đầu tàu. Khi đó, Chicharito là tiền đạo vô danh tại giải Mexico. Với mức giá 7,5 triệu euro, MU có món hời, khi Chicharito ghi 20 bàn trong mùa đầu tiên và góp công lớn để giúp "Quỷ đỏ" đòi lại ngôi vương Premier League.
Thời hậu Sir Alex, MU chiêu mộ 42 tân binh. Gần 1/3 trong số đó là những tài năng trẻ và "Quỷ đỏ" chiêu mộ dựa trên kết quả tuyển trạch cầu thủ. Hè 2015, MU chi 34 triệu euro để mua Memphis Depay từ PSV. Sau đó, Diogo Dalot, Aaron Wan-Bissaka, Daniel James, Amad Diallo và Facundo Pellistri là những tài năng được kỳ vọng khi gia nhập sân Old Trafford.
Tất cả thương vụ kể trên đều gây thất vọng. Depay rời CLB sau 1,5 năm. Wan-Bissaka và Dalot ra sân thường xuyên, nhưng không đáp ứng chuyên môn. James bị bán tháo sang Leeds. Còn Diallo và Pellistri ngay lập tức rời CLB theo dạng cho mượn và chưa cho thấy tiềm năng để đá chính ở đội hình MU trong tương lai.
Wan-Bissaka là vụ chuyển nhượng thảm họa của MU. Trước mùa 2018/19, HLV Ole Gunnar Solskjaer đề nghị ban lãnh đạo chi mạnh tay để tìm hậu vệ phải, thay thế Antonio Valencia.
Theo Manchester Evening News, bộ phận tuyển trạch MU lọc danh sách hơn 800 hậu vệ để chọn Wan-Bissaka từ các tiêu chí: tiềm năng phát triển, kỹ năng, thể chất. Wan-Bisska được xem là phương án hoàn hảo, do đó MU chấp nhận chi 55 triệu euro cho hậu vệ còn ít tên tuổi ở Crystal Palace.
Từ danh sách 804 hậu vệ, đội tuyển trạch MU gút còn 50 cái tên. Một nhóm phân tích gồm 15 chuyên gia của MU gút danh sách tiếp theo còn 10 hậu vệ. Sau đó, danh sách cuối cùng còn 3 hậu vệ là Wan-Bissaka, Max Aarons và Thomas Meunier.
Wan-Bissaka là sự lựa chọn cuối cùng của MU. Nhưng sau 3 năm, bản hợp đồng đắt giá của "Quỷ đỏ" dần trở thành hàng hớ.
Lawlor và Bout còn giữ vai trò quan trọng để MU chiêu mộ hàng chục "viên ngọc thô" cho lò trẻ của CLB trong 6 năm qua. Tahith Chong một thời được ví như "Gullit mới" của đội trẻ MU, nhưng không thể cạnh tranh ở đội một MU.
"Quỷ đỏ" lãng phí hàng trăm triệu euro sau các vụ chuyển nhượng thất bại ở thời hậu Sir Alex. Bộ máy MU, theo Guardian đang khủng hoảng từ cấp đào tạo trẻ. Do đó, Lawlor và Bout chính là bước dọn đường của MU cho triều đại mới của Erik ten Hag.
Chờ Ten Hag thay đổi bộ mặt MU
Tại Premier League, Liverpool và Man City đang làm xuất sắc vai trò tuyển trạch. Jurgen Klopp và Pep Guardiola đã định hình sẵn bộ lọc trong việc tuyển trạch "ngọc thô" và cầu thủ ở các giải vô địch quốc gia. Sau vài năm, hệ thống tuyển trạch của 2 CLB đi vào guồng ổn định và sự chính xác của họ giúp Liverpool, Man City chi tiền hợp lý khi mua cầu thủ.
Luis Dias là thương vụ gần nhất của Liverpool và đang chứng tỏ giá trị. Trước đó, Klopp thành công khi đưa về sân Anfield những cầu thủ vô danh, hoặc chưa phải ngôi sao như Andrew Robertson, Joel Matip, Diogo Jota, Sadio Mane, nhưng đều thành công.
Liverpool đưa Harvey Elliott gia nhập lò trẻ CLB từ Fulham. Sau 3 năm, Elliott phát triển ấn tượng và dần khẳng định vị trí ở đội một. Kostas Tsimikas là thương vụ tiếp theo chứng minh độ hiệu quả của đội tuyển trạch Liverpool, khi hậu vệ này được chiêu mộ với giá chỉ 11,75 triệu euro, nhưng đang hòa nhập tốt.
HLV Guardiola nhận định đội tuyển trạch đóng góp 80% cho thành công của Man City. Txiki Begiristain, trưởng bộ phận tuyển trạch Man City, góp công lớn trong việc đưa Gabriel Jesus, Aymeric Laporte, Ederson và Kevin De Bruyne gia nhập sân Etihad. Bên cạnh đó, Man City đã đúng khi chiêu mộ Joao Cancelo, Ruben Dias, Rodri, Kyle Walker...
Mạng lưới tuyển trạch của Man City giúp Guardiola nhắm gần như chuẩn xác trong từng thương vụ, đặc biệt là những "bom tấn". Trong khi đó, đội tuyển trạch Liverpool làm việc tích cực và hiệu quả trong việc chiêu mộ cầu thủ và bổ sung nguồn lực cho lò đào tạo.
Sau vài năm, Man City và Liverpool sở hữu đội hình chất lượng bậc nhất hiện tại, khi hội tụ đủ yếu tố đẳng cấp và tính kế thừa. Trong khi đó, MU là mớ hỗn độn và đối diện tương lai xám xịt, dù chi hơn một tỷ euro để bổ sung cầu thủ thời hậu Sir Alex.
Cơ cấu lò đào tạo trẻ và thay đổi công tác chuyển nhượng là một trong những mục tiêu đầu tiên HLV Ten Hag đề ra khi cập bến MU. Chiến lược gia người Hà Lan thậm chí đề nghị ban lãnh đạo MU cho ông toàn quyền quyết định để đẩy nhanh công cuộc tái thiết.
Ten Hag sẽ được cấp hơn 200 triệu euro trong hè này, chưa bao gồm khoản tiền từ việc bán cầu thủ. MU vẫn là đội bóng có tiềm lực tài chính hàng đầu Premier League, do đó sẽ đáp ứng Ten Hag trong mục tiêu cải thiện chất lượng đội hình. Nhưng để quá trình chuyển nhượng của MU hiệu quả như Man City và Liverpool đòi hỏi một bước ngoặt từ triều đại Ten Hag.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/wan-bissaka-va-tham-hoa-tuyen-trach-cua-man-utd-post1311251.html