Washington đang 'cạnh tranh gay gắt' với Trung Quốc
Một tàu chiến của hải quân Mỹ hôm qua đã vào biển Đông, đi ngang qua một số khu vực mà theo một số tờ báo và hãng tin, là nhằm 'thách thức các tuyên bố đòi chủ quyền' của Trung Quốc.
Reuters dẫn tuyên bố của Hạm đội 7 hải quân Mỹ nói tàu khu trục USS Russell “đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tiến hành cải tạo, biến chúng thành các cơ sở quân sự.
Các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở biển Đông đã trở thành vấn đề nóng bỏng trong mối quan hệ ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai quốc gia có mâu thuẫn về thương mại, nguồn gốc của đại dịch COVID-19, Hong Kong, Đài Loan và vấn đề người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Washington tố cáo Bắc Kinh bắt nạt các nước láng giềng có lợi ích cạnh tranh. Trung Quốc đã nhiều lần tố cáo những gì họ gọi là nỗ lực của Mỹ nhằm gây bất ổn trong khu vực và can thiệp vào những gì họ coi là công việc nội bộ của mình.
Tàu chiến Mỹ đi qua quần đảo Trường Sa sau cuộc tập trận chung của hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông. Hồi đầu tháng 2, một tàu chiến Mỹ đi gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974. Những hành động đó cho thấy rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ không thu hẹp quy mô hoạt động thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh so với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump.
Các hoạt động của hải quân Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Biden mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất” của Mỹ và vạch ra kế hoạch đối đầu với “cuộc tấn công vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu” của Bắc Kinh, theo CNN.
Ông Biden cũng nói Washington đang “cạnh tranh gay gắt” với Trung Quốc.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Biden đã tái khẳng định cam kết với đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, thông báo với Philippines và Nhật Bản rằng, các đảo mà hai nước này và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền đều nằm trong các hiệp ước phòng thủ chung buộc Washington có nghĩa vụ bảo vệ chúng.
Sau chiến dịch FONOP ở gần quần đảo Hoàng Sa, một bản tin trên trang web tiếng Anh chính thức của quân đội Trung Quốc (PLA) nói lực lượng hải quân và không quân PLA đã theo dõi tàu khu trục Mỹ và cảnh báo nó.
Vấn đề nóng bỏng nhất?
Một bài bình luận trên Foreign Policy hôm 16/2 nói, tranh chấp ở Biển Đông vẫn là vấn đề bất ổn và cốt tử nhất trong quan hệ Mỹ - Trung.
Theo bài báo, ít có thách thức về chính sách đối ngoại nào gây khó khăn cho chính quyền Biden hơn vấn đề Trung Quốc. Với các chủ đề chiến tranh thương mại, Hong Kong, thuyết âm mưu liên quan dịch COVID-19, vấn đề Đài Loan, Tân Cương, cuộc khủng hoảng biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, thật dễ dàng để quên mất rằng Biển Đông, mặc dù yên tĩnh hơn so với thời điểm giữa những năm 2010, vẫn là một trong những điểm nóng gây tranh cãi và dễ biến động nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Sự khác biệt giữa hai quốc gia về quyền tự do hàng hải trên tuyến đường thủy quan trọng đã nhiều lần tạo ra các cuộc chạm trán thù địch hoặc nguy hiểm giữa tàu chiến hay máy bay quân sự Trung Quốc và Mỹ.
Theo tờ tạp chí Mỹ, trong thập kỷ qua, một loạt các tuyên bố và hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông đã tạo ra những “đường đứt gãy địa chính trị rộng lớn” đối với Mỹ, bao gồm yêu sách đường chín đoạn trái pháp luật, việc chiếm đóng bãi cạn Scarborough, sự hình thành và quân sự hóa bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa, việc sử dụng lực lượng dân quân trên biển đông đảo bắt nạt và cưỡng bức các nước láng giềng. Nhưng chính những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, đặc biệt là đối với các tàu chiến Mỹ, đã khiến Washington lo ngại nhất và gây ra phản ứng chính sách mạnh mẽ nhất.
Một bài bình luận trên Foreign Policy hôm 16/2 nói tranh chấp ở Biển Đông vẫn là vấn đề bất ổn và cốt tử nhất trong quan hệ Mỹ - Trung.