Viện Nghiên cứu chiến lược Hoàng gia Anh (RUSI) mới đây đã công bố công trình nghiên cứu về máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 và cả chiếc tiền nhiệm Shahed-131 do Iran sản xuất.
Các chuyên gia người Anh đã dày công tìm hiểu, làm cách nào Iran có thể tạo ra những phương tiện tác chiến lợi hại và rẻ tiền như vậy, bất chấp phải chịu những lệnh trừng phạt khắc nghiệt kéo dài.
Theo nhận định của RUSI, quá trình Iran nghiên cứu chế tạo ra máy bay không người lái cảm tử loại Shahed-131 và Shahed-136 có thể đã diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2019.
Ngay từ năm 2014, báo chí Iran đã đăng tải thông tin về quá trình phát triển loại máy bay không người lái thế hệ mới có cánh hình tam giác mang tên Tufan.
Chiếc UAV này có khả năng theo dõi mục tiêu nhờ sự trợ giúp của thiết bị quang điện tử, tuy nhiên nó chỉ có thời gian bay dưới 1 giờ đồng hồ ở tốc độ 250 km/h.
Khi đó quốc tế không ai chú ý đến những gì diễn ra, bởi tham vọng chế tạo UAV của Iran đã có từ rất lâu, tuy nhiên Tehran chưa có thành tựu cụ thể mà chủ yếu vẫn là lắp ráp theo nguyên mẫu của Trung Quốc.
Nếu chúng ta lấy mốc thời gian từ năm 2019 đến năm 2022 thì chỉ có hai cuộc tấn công được ghi nhận, trong đó Iran có thể đã sử dụng UAV cảm tử Shahed-131 hoặc Shahed-136.
Lần đầu tiên là tháng 9/2019, khi nhiều UAV cảm tử tấn công nhà máy lọc dầu Aramco của Saudi Arabia. Nhưng Iran bác bỏ liên quan và khẳng định nhóm vũ trang Houthis tại Yemen đã "tự sản xuất" những chiếc UAV nói trên.
Vụ việc tiếp theo xảy ra vào tháng 7/2019, khi siêu tàu chở dầu Mercer Street đang trên đường tới Israel đã bị tấn công bởi máy bay không người lái chưa xác định.
Ngay cả tình báo của Israel với mức độ nhận thức rõ ràng về các đối thủ của mình cũng phải mất tới 3 tháng để khẳng định tàu chở dầu của họ thực sự bị Iran tấn công với sự trợ giúp của máy bay không người lái cảm tử.
Đáng chú ý hơn, theo tình báo Israel, Lực lượng vũ trang Iran đã sử dụng máy bay không người lái cảm tử mới nhất cho cuộc tấn công này, đó chính là chiếc Shahed-136.
Tới tháng 12/2021, Iran đã chính thức "trình làng" Shahed-136 trong cuộc diễn tập của quân đội nước này. Nhưng khi đó phương tiện tác chiến trên không thu hút được bất cứ sự chú ý nào.
Rõ ràng là phương Tây không thể ngờ Iran đã chuẩn bị sản xuất hàng loạt phương tiện tấn công lợi hại này. Cần lưu ý, Tehran có thể đã "kín đáo" mua nhiều linh kiện "lưỡng dụng" để chế tạo.
Tới thời điểm hiện nay mọi việc có vẻ quá trễ với phương Tây, Washington thậm chí còn phải thành lập một nhóm công tác đặc biệt để điều tra xem vì sao 82% linh kiện trong UAV cảm tử Shahed-136 có nguồn gốc Mỹ.
Ngoài ra theo RUSI, sẽ phù hợp hơn khi gọi UAV cảm tử Shahed-131 và Shahed-136 của Iran là "tên lửa hành trình với động cơ pít tông" hơn là "máy bay không người lái cảm tử".
Những chiếc UAV nói trên bị nhận xét không có khả năng tự dò tìm mục tiêu trên chiến trường, nhưng thực tế chúng lại diệt được nhiều đối tượng ở khoảng cách xa theo tọa độ định trước.