Washington rút khỏi UNESCO vì trái với chính sách 'nước Mỹ trước tiên'
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi UNESCO vào cuối năm 2026, với lý do tổ chức này theo đuổi các giá trị trái với chính sách 'nước Mỹ trước tiên'.
Ngày 22-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố rút Mỹ khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), lặp lại động thái từng thực hiện trong nhiệm kỳ đầu và bị đảo ngược dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ có hiệu lực từ ngày 31-12-2026, theo hãng tin Reuters.
“Ông Trump quyết định rút khỏi UNESCO - nơi ủng hộ các giá trị văn hóa và xã hội mang tính chia rẽ, không phù hợp với chính sách hợp lý mà người dân Mỹ đã lựa chọn” - phát ngôn viên Nhà Trắng Anna Kelly tuyên bố.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: WHITE HOUSE
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc ở lại UNESCO “không phục vụ lợi ích quốc gia”, cho rằng cơ quan này thúc đẩy “chủ nghĩa toàn cầu, chương trình nghị sự mang màu sắc ý thức hệ trái ngược với chính sách đối ngoại ưu tiên nước Mỹ”.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay bày tỏ “lấy làm tiếc sâu sắc” về quyết định của ông Trump, nhưng nói rằng “điều này đã được lường trước và UNESCO đã có chuẩn bị”.
Bà Azoulay cho biết hiện Mỹ chỉ đóng góp khoảng 8% ngân sách của tổ chức, nhờ UNESCO đã đa dạng hóa nguồn tài trợ.
Tuy vậy, tổ chức văn hóa Liên Hợp Quốc cho biết việc Mỹ rút khỏi UNESCO này sẽ ảnh hưởng nhất định tới một số chương trình do Washington tài trợ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên mạng xã hội X: “Chúng tôi kiên định ủng hộ UNESCO, người bảo vệ phổ quát của khoa học, đại dương, giáo dục, văn hóa và di sản thế giới".
“Việc Mỹ rút lui sẽ không làm suy giảm cam kết của chúng tôi đối với những người đang đấu tranh vì các giá trị này" - theo ông Macron.