WB cảnh báo tăng trưởng Trung Quốc rơi về 1,7% nếu chậm cải cách
Trong một báo cáo chung mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (DRC) thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc cảnh báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể tụt sâu về mức trung bình 1,7%/năm vào thập niên 2030, nếu như nước này chậm tiến hành cải cách để giải quyết vấn đề phân bổ sai nguồn lực.
Báo cáo có tên gọi “Trung Quốc sáng tạo” được công bố hôm 17-9. Báo cáo ghi nhận: “Sau bốn thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn của tình trạng tăng trưởng chậm hơn”.
Báo cáo lưu ý rằng các động lực tăng trưởng trước đây của nước này đã “kiệt sức” và hiện nay, Trung Quốc không còn có thể thúc đẩy tăng trưởng bằng cách dựa vào lực lượng lao động đang gia tăng, sự mở rộng của hoạt động sản xuất, làn sóng lao động di cư từ nông thôn lên thành thị, tăng trưởng xuất khẩu và mở cửa với đầu tư nước ngoài.
Thay vào đó, Trung Quốc cần tập trung vào “tăng trưởng năng suất”. Các tác giả của báo cáo viết rằng, nếu nước này không thích ứng với hiện thực mới, các hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Năm 2018, tăng trưởng GDP của Trung Quốc rơi về mức 6,6% và trong quí 2 năm nay, chỉ số này tiếp tục lùi về 6,2%, mức yếu nhất trong gần 30 năm qua.
Báo cáo của WB và DRC cảnh báo mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai sẽ tụt về mức trung bình 4%/năm trong thập niên 2020, thậm chí có thể rơi sâu về mức 1,7% trong thập niên 2030 nếu như Bắc Kinh chỉ tiến hành các cải cách ở mức độ hạn chế.
Theo báo cáo, nếu cải cách ở mức độ vừa phải, tăng trưởng GDP trung bình của nước này sẽ đạt 5,1% trong thập niên 2020 và 2,9% vào thập niên tiếp theo.
Trong kịch bản tiến hành các cải cách quyết liệt, tăng trưởng GDP sẽ đạt mức trung bình 5,1% và 4,1% lần lượt trong thập niên 2020 và 2030. Dù đây là kịch bản lạc quan nhất nhưng vẫn kém so với những gì mô tả trong một báo cáo chung của WB và DRC vào năm 2012 khi mà các nhà kinh tế còn kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,9% trong giai đoạn 2021-2015 và 5% trong giai đoạn 2026-2030.
Một vấn đề được báo cáo lưu ý là năng suất tổng yếu tố (TFP- total factor productivity) của Trung Quốc, một chỉ số sử dụng để đo lường hiệu quả của vốn và lao động khi kết hợp với nhau, chỉ bằng phân nửa so với các nền kinh tế phát triển khác. Chỉ số TFP của Trung Quốc suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra cách đây một thập kỷ. Do đó để tăng năng suất tổng yếu tố, Trung Quốc cần tiến hành cải cách ở các thị trường tài chính, lao động và đất đai.
Để cải thiện sự dịch chuyển lao động, báo cáo kêu gọi Bắc Kinh cải tổ hệ thống đăng ký hộ khẩu vốn đang ngăn chặn người nhập cư ở các thành phố tiếp cận dịch vụ công chẳng hạn như giáo dục, y tế.
Báo cáo cũng kêu gọi bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, theo đó Trung Quốc không chỉ sáng tạo và còn phải phổ cập công nghệ tân tiến ra khắp nước.
Năm 2012, WB và DRC cũng công bố báo cáo vào giai đoạn cuối trong nhiệm kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, trong đó giới thiệu nhiều cải cách thị trường mạnh mẽ. Tuy nhiên, báo cáo hiện nay dưới thời kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, lại rút lui những cải cách đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo năm 2012 cũng lưu ý rằng các nguồn lực công cộng chỉ phục vụ cho các dịch vụ và các lợi ích công cộng như quốc phòng và chi tiêu cho an sinh xã hội, do vậy báo cáo đề xuất giảm quy mô khu vực công chẳng hạn như dần cắt giảm cổ phần của chính phủ ở các công ty nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo công bố hôm 17-9 lại tuyên bố rằng các công ty nhà nước nằm ở “vị trí cốt lõi trong sự tồn tại chung giữa nhà nước và thị trường” và sẽ tiếp tục “giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc”.
Một tác giả của bản báo cáo này thừa nhận rằng rất khó để đề xuất giảm quy mô của các công ty nhà nước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố mục tiêu của ông về việc xây dựng nguồn lực vốn nhà nước mạnh mẽ và lớn hơn.
Các nhà phân tích của Ngân hàng JPMorgan dự báo tăng trưởng GDP của nước này sẽ lùi về mức 5,8% vào năm sau và tụt xuống mức 4,5% trước năm 2030.
Tại một sự kiện ở New York hôm 16-9, Joyce Chang, Chủ tịch bộ phận nghiên cứu toàn cầu ở Ngân hàng JPMorgan, nói: “Chúng tôi nghĩ rằng trong 10 năm tới, tăng trưởng Trung Quốc sẽ lùi về mức 4,5%. Khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, toàn thế giới cũng tăng trưởng chậm theo, đặc biệt là các thị trường mới nổi”.
Bà ước tính mỗi 1 điểm phần trăm tăng trưởng bị mất mát ở Trung Quốc sẽ kéo thêm mức tổn thất tăng trưởng hơn 1 điểm phần trăm ở khu vực Mỹ Latin; 0,6 điểm phần trăm ở châu Âu và 0,2 điểm phần trăm ở Mỹ.
Theo Nikkei Asian Review
Khánh Lan