WB: COVID-19 khiến 100 triệu người rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói

Dịch COVID-19 làm trẩm trọng thêm tình trạng đói nghèo trên thế giới - Ảnh: THX/TTXVN

* Nhiều nước tìm cách bảo đảm nguồn cung vaccine phòng COVID-19 sớm

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), David Malpass, ngày 20/8 cảnh báo dịch COVID-19 có thể khiến 100 triệu người rơi trở lại vào tình trạng cực kỳ nghèo đói.

Trước đó, WB ước tính con số trên là 60 triệu người, nhưng dự báo mới tồi tệ hơn, ở mức 70-100 triệu người và ông Malpass cho rằng số này có thể còn cao hơn nếu dịch diễn biến xấu đi hoặc kéo dài.

Theo ông Malpass, tình hình hiện nay cho thấy các nước chủ nợ cần nhanh chóng giảm số nợ đang đứng trước rủi ro của các nước nghèo, sau khi cam kết cho phép hoãn thanh toán. Ngay cả như vậy, sẽ có thêm các quốc gia sẽ buộc phải tái cơ cấu nợ.

Các nền kinh tế phát triển trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết cho phép các nước nghèo nhất hoãn thanh toán nợ cho đến cuối năm và đang có những ủng hộ lớn hơn đối với việc gia hạn bản ghi nhớ về điều này cho tới khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Malpass cho rằng điều đó là không đủ, do suy thoái kinh tế sẽ khiến những nước đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ người dân sẽ không có đủ khả năng thanh toán nợ. Mức giảm nợ sẽ phụ thuộc vào tình hình của mỗi nước, nhưng chính sách này sẽ có nhiều ý nghĩa.

WB đã cam kết tài trợ 160 tỉ USD cho 100 quốc gia cho đến tháng 6/2021, nhằm giải quyết tình huống khẩn cấp hiện nay và khoảng 21 tỉ USD đã được giải ngân cho đến cuối tháng 6/2020.

Nhưng dù vậy, số người cực đói nghèo, với thu nhập dưới 1,9 USD/ngày, tiếp tục tăng. Ông Malpass cho rằng điều này là do sự kết hợp giữa tình trạng mất việc làm do dịch và các vấn đề về nguồn cung khiến việc tiếp cận thực phẩm khó khăn hơn.

Tất cả những vấn đề này đã đẩy nhiều người trở lại cảnh đói nghèo cùng cực nếu khủng hoảng kinh tế còn kéo dài hơn.

Trong diễn biến khác, Chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu đạt đủ số lượng vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 để mọi người dân nước này đều có thể tiêm phòng. Trong trường hợp khó đạt được mục tiêu này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực để 70% dân số có thể được tiêm vaccine, điều kiện tối thiểu để hình thành miễn dịch cộng đồng.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc đưa ra mục tiêu trên trong cuộc họp ngày 21/8 của Ủy ban liên ngành về hỗ trợ phát triển thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh COVID-19. Để đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tích cực hợp tác quốc tế trong việc phát triển vaccine và mua vaccine bằng cách đàm phán riêng với các doanh nghiệp đi đầu về phát triển vaccine. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã ký ý định thư (LOI) với công ty SK Bioscience của Hàn Quốc, công ty AstraZeneca của Anh và công ty Novavax của Mỹ về việc hợp tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho người dân Hàn Quốc.

Tùy theo tình hình phát triển vaccine, kế hoạch đặt mua vaccine của Hàn Quốc chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, Chính phủ sẽ cân nhắc đối tượng khuyến nghị tiêm phòng, đặt mua trước từ 16 - 20 triệu liều vaccine. Giai đoạn 2 là ký kết nhượng quyền sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp số lượng còn lại. Để đảm bảo có thể sử dụng vaccine sớm, Chính phủ Hàn Quốc sẽ rút ngắn quy trình cấp phép trong nước từ 100 ngày xuống 30 ngày, đồng thời triển khai nhanh quá trình thử nghiệm chất lượng vaccine trong nước.

Về việc phát triển vaccine và thuốc điều trị bệnh COVID-19 trong nước, Chính phủ Hàn Quốc đã lựa chọn sơ bộ 5 loại thuốc điều trị và 3 loại vaccine làm đối tượng hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng. Các đơn vị đang phát triển có thể nhận được tiền hỗ trợ ngay trong cuối tháng này.

Giới chức Peru và Maroc đã phê duyệt giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng ứng cử viên vaccine tiềm năng do công ty Biotec của Trung Quốc phát triển. Giai đoạn 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine thường có sự tham gia của vài nghìn người, qua đó cho phép các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu về tính hiệu quả của loại vaccine tiềm năng để đưa ra phê duyệt lần cuối cùng.

Hiện Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Bahrain cũng đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine của Biotec, công ty con của Tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc.

Cùng ngày 20/8, công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc và Bio Farma của Indonesia đã ký bản ghi nhớ về việc ưu tiên phân phối vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 cho Indonesia cho đến cuối năm 2021. Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, bản ghi nhớ trên được ký kết trong cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi tại Hải Nam, Trung Quốc.

Theo thỏa thuận, Sinovac đã cam kết cung cấp vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 lên đến 40 triệu liều từ tháng 11/2020 đến tháng 3/2021 cho Indonesia và tiếp tục ưu tiên cung cấp số lượng lớn vaccine cho Bio Farma từ tháng 3/2021 đến cuối năm. Tuy nhiên, bà Retno không đề cập chính xác giá bán vaccine đã được thỏa thuận giữa Sinovac và Bio Farma, chỉ cho biết giá cả phải chăng. Ngoài biên bản ghi nhớ về ưu tiên cung cấp và sản suất vaccine năm 2021, Sinovac và Bio Farma cũng đã ký thỏa thuận sơ bộ về việc mua và phân phối vaccine phòng COVID-19.

Trong khi đó, ngày 20/8, Thụy Điển cho biết nước này đã nhất trí tham gia vào thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU) với Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh để đảm bảo nguồn cung vaccine phòng COVID-19 ngay khi loại vaccine này được lưu hành.

Theo thỏa thuận này, Thụy Điển, quốc gia với 10,3 triệu dân, sẽ có khoảng 6 triệu liều vaccine trong giai đoạn đầu, và thêm 2 triệu liều nữa trong giai đoạn sau đó. Hãng dược phẩm AstraZeneca hồi tháng 7 cho biết loại vaccine mà hãng này đang hợp tác với Đại học Oxford phát triển có thể được lưu hành vào cuối năm nay. Thụy Điển hiện ghi nhận 85.810 ca bệnh và 5.805 ca tử vong do COVID-19.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, ngày 21/8, Bộ Y tế liên bang Ấn Độ công bố số liệu cho biết có tới 68.898 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên mức 2,9 triệu. Cũng theo bộ trên, trong một ngày qua, với thêm 983 bệnh nhân COVID-19 tử vong, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 54.849 ca tử vong vì dịch bệnh này. Ấn Độ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 tại châu Á và đứng thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Brazil xét về tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày 21/8, giới chức Hàn Quốc cho biết Bộ Quốc phòng nước này đã quyết định hủy cuộc huấn luyện thường kỳ cho lực lượng dự bị trong năm nay do số ca mắc bệnh COVID-19 tăng mạnh. Các khóa huấn luyện lực lượng dự bị Hàn Quốc gồm 2,75 triệu người dự kiến bắt đầu vào tháng 9 với quy mô thu hẹp nhỏ sau khi đã trì hoãn một tháng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng đã quyết định không tiến hành các chương trình trên thực địa và thay vào đó các lực lượng dự bị sẽ thực hiện chương trình huấn luyện trực tuyến để đề phòng sự lây lan của dịch bệnh. Đây là lần đầu tiên quân đội Hàn Quốc điều chỉnh công tác huấn luyện lực lượng dự bị kể từ khi triển khai chương trình này năm 1968.

Tại Hàn Quốc, mỗi năm nam giới phải trải qua một khóa huấn luyện quân nhân dự bị, mỗi khóa từ 1-3 ngày, trong 6 năm sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Quyết định hủy khóa huấn luyện này năm nay được đưa ra sau khi Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới bệnh COVID-19 tăng vọt trong tuần qua.

Theo Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), ngày 21/8, nước này ghi nhận thêm 324 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong vòng 5 tháng qua. Trong số các ca mắc mới có 2 quân nhân, theo đó tổng cộng có 92 quân nhân Hàn Quốc đã mắc bệnh này.

Bộ Y tế Brazil ngày 20/8 thông báo nước này ghi nhận thêm 1.204 ca tử vong và 45.323 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ trở lại đây. Theo đó, tổng số ca tử vong và số ca mắc COVID-19 tại Brazil tăng lên mức lần lượt là 112.304 ca và 3.501.975 ca.

Brazil vẫn là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng thứ hai trên thế giới do dịch bệnh COVID-19 chỉ sau Mỹ, xét cả về số ca mắc và số ca tử vong. Bang Sao Paulo, miền Đông Nam Brazil, đang là điểm nóng dịch bệnh lớn nhất quốc gia Nam Mỹ này với 27.905 ca tử vong. Tiếp sau đó là thành phố Rio de Janeiro, nơi ghi nhận 15.074 ca tử vong vì COVID-19.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/244713/wb--covid-19-khien-100-trieu-nguoi-roi-vao-tinh-trang-cuc-ky-ngheo-doi.html