WB phê duyệt 1,9 tỷ USD cho chương trình hỗ trợ khẩn cấp ứng phó COVID-19
Mới đây, ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt đợt một chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho các nước đang phát triển trên thế giới trị giá 1,9 tỷ đô la Mỹ để ứng phó với COVID-19. Chương trình phục hồi kinh tế lớn hơn sẽ cung cấp 160 tỷ đô la trong 15 tháng tới.
Nhóm các quốc gia đầu tiên được nhận gói hỗ trợ 1,9 tỷ đô la này bao gồm 25 nước và tiến tới chương trình hỗ trợ lớn hơn ở 40 quốc gia theo thủ tục nhanh. Ngoài ra, WB đang nỗ lực tái cơ cấu nguồn lực trên toàn cầu tại các dự án được WB tài trợ với trị giá 1,7 tỷ đô la, bao gồm tái cơ cấu, sử dụng các hợp phần khẩn cấp trong các dự án hiện tại (CERC), kích hoạt các gói tín dụng rút vốn trong trường hợp thiên tai thảm họa (CAT DDO) tại mọi khu vực.
Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) cũng chuẩn bị triển khai tới 160 tỷ đôla trong 15 tháng tới để hỗ trợ các quốc gia các biện pháp ứng phó với COVID-19 đồng thời khôi phục kinh tế. Chương trình kinh tế này sẽ giúp rút ngắn thời gian phục hồi, tạo điều kiện tăng trưởng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương, người nghèo đặc biệt là môi trường.
Để đối phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng rộng khắp, WB cũng đang giúp các quốc gia tiếp cận với nguồn cung vật tư y tế đang khan hiếm bằng cách thay mặt các chính phủ liên hệ với nhà cung cấp. WB cũng khuyến khích các bên khác hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển để ứng phó y tế với COVID-19.
Gói hỗ trợ này sẽ giúp phát hiện và phòng ngừa cũng như ứng phó với COVID-19 tại các quốc gia WB đang phục vụ. Hoạt động tại các quốc gia của WB sẽ được điều phối ở cấp độ toàn cầu để đảm bảo chia sẻ nhanh chóng bao gồm các phương thức tăng cường hệ thống y tế quốc gia và chuẩn bị cho các đợt sóng tàn phá tiềm tàng tiếp theo.
Dự án ban đầu được phê duyệt:
Châu Phi: 82 triệu đô la sẽ giúp Ethiopia giải quyết các nhu cầu quan trọng trong việc phòng ngừa COVID-19, bao gồm mua sắm các trang thiết bị y tế thiết yếu, xây dựng năng lực hệ thống y tế và hỗ trợ thành lập trung tâm điều trị. Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, 47 triệu đô- la sẽ hỗ trợ ngay lập tức nhằm đào tạo nhân viên y tế và cung cấp thiết bị y tế đảm bảo xét nghiệm nhanh chóng các ca nhiễm COVID-19.
Đông Á và Thái Bình Dương: Tại Mông Cổ: 26,9 triệu đô la sẽ được dùng để đào tạo đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên y tế; mua trang thiết bị vật tư y tế, phòng thí nghiệm; phục hồi chức năng chăm sóc sức khỏe và tăng cường năng lực của Chính phủ đối phó với khủng hoảng sức khỏe do COVID-19 gây ra. Tại Campuchia, 20 triệu đô- la sẽ giúp thành lập các phòng thí nghiệm và các trung tâm điều trị, cách ly tại 25 bệnh viện trọng điểm.
Châu Âu và Trung Á: Tại Tajikistan, 11,3 triệu đô - la sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực chăm sóc, đặc biệt thông qua thiết bị, vật tư y tế. Tại Cộng hòa Slovak, 12,15 triệu đô- la sẽ giúp tăng cường năng lực của các bệnh viện, trang bị phòng thí nghiệm phản ứng nhanh bằng cách cung cấp vật tư y tế, thiết bị ICU và quỹ dự phòng cho bệnh viện.
Châu Mỹ Latinh và Caribe: Haiti, quốc gia nghèo nhất khu vực sẽ được hưởng lợi từ khoản tài trợ IDA trị giá 20 triệu đô- la giúp hỗ trợ trang thiết bị y tế, xét nghiệm và phát hiện nhanh chóng các ca nghi ngờ. Tại Ecuador, 20 triệu đô- la sẽ giúp tại trợ các thiết bị y tế cho bệnh viện và khu vực cách ly. Đồng thời giúp tài trợ các chiến lược truyền thông quốc gia và phổ biến các thông điệp phòng ngừa và bảo vệ trong ngắn hạn và trung hạn.
Trung Đông và Bắc Phi: Khoản tài trợ IDA trị giá 26,9 triệu đô- la sẽ được cung cấp với sự hợp tác của WHO để giúp Yemen hạn chế sự lây lan, giảm thiểu rủi ro liên quan đến COVID-19. WB cũng hỗ trợ Djibouti 5 triệu đô- la nhằm nâng cao năng lực ứng phó đại dịch đồng thời giúp củng cố các hệ thống y tế trên cả nước.
Nam Á: 100 triệu đô- la sẽ hỗ trợ Afghanistan nhằm làm chậm và hạn chế sự lây lan của COVID-19 thông qua các thiết bị xét nghiệm nhanh, phòng thí nghiệm cũng như tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu và chăm sóc đặc biệt. Tại Ấn Độ, tài trợ 1 tỷ USD giúp mua sắm trang thiết bị y tế và thiết lập các khu vực cách ly mới. 200 triệu đô- la sẽ hỗ trợ Pakistan chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp đối với những người nghèo, dễ tổn thương trước những tác động tức thời của dịch.
Ngoài ra, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc WBG cũng đang cung cấp gói tài chính 8 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp khu vực tư nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch và giữ việc làm trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
H.Minh
(Theo WB tháng 4 /2020)