WB tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu
Ban lãnh đạo WB cho biết sẽ yêu cầu các cổ đông phê duyệt biện pháp vốn nhằm nâng khả năng cho vay đối với các quốc gia đang phát triển thêm 100 tỷ USD trong một thập kỷ tới.
Ngày 28/9, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề xuất các bước nhằm nâng khả năng cho vay đối với các quốc gia đang phát triển thêm 100 tỷ USD trong một thập kỷ tới.
Động thái này nằm trong tiến trình cải cách của WB nhằm mở rộng sứ mệnh hỗ trợ các nước thành viên tăng khả năng ứng phó với với biến đổi khí hậu.
Trong báo cáo gửi ủy ban chung cấp bộ trưởng phụ trách giám sát WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ban lãnh đạo WB cho biết sẽ yêu cầu các cổ đông phê duyệt biện pháp vốn hỗn hợp và một nền tảng bảo lãnh danh mục đầu tư mới để có thể đảm bảo tăng mức cho vay thêm hơn 100 tỷ USD. Khoản vay bổ sung này nằm trong nỗ lực lớn do Mỹ dẫn đầu nhằm tạo ra một “ngân hàng lớn hơn và tốt hơn.”
Theo WB, việc đạt được các mục tiêu phát triển đòi hỏi tăng mạnh về hỗ trợ tài chính thông qua nhiều nguồn, bên cạnh việc duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp hoặc bằng 0.
Ngoài các bước được đề xuất nêu trên, WB cũng đang tăng mức giới hạn bảo lãnh song phương từ 15 tỷ lên 20 tỷ USD.
Điều này sẽ làm tăng khả năng cho vay của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD - nhánh cho vay chính của WB), thêm 5 tỷ USD trong một thập kỷ.
WB cũng đang hoàn tất thỏa thuận về khoản bảo lãnh trị giá 1 tỷ USD từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay của IBRD.
WB khẳng định đã đạt được tiến bộ lớn trong kế hoạch mở rộng các quan hệ đối tác công tư nhằm tạo đòn bẩy tăng vốn và có thể tiếp cận các tổ chức phi chính phủ và các nhà hảo tâm.
Ngân hàng này cũng đề xuất điều khoản mới về nợ nhằm cho phép các nước hoãn thanh toán nợ gốc khi xảy ra thiên tai nghiêm trọng.
Báo cáo trên được công bố trước thềm Hội nghị thường niên của WB và IMF tại Marrakech (Maroc) từ ngày 9-15/10 tới.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động khẩn cấp và các biện pháp mới trong bối cảnh thế giới đang trải qua căng thẳng địa chính trị, mối đe dọa lớn của khủng hoảng khí hậu, cũng như sự thụt lùi của các nỗ lực nhằm chấm dứt đói nghèo trên toàn cầu./.