Website giúp bạn tự kiểm tra để tránh vướng nợ xấu vô cớ

Nhiều trường hợp khách hàng bị vướng nợ xấu vì nhiều nguyên nhân, và chỉ đến khi làm thủ tục ngân hàng mới biết điều đó.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu là khoản nợ quá hạn thanh toán từ 91 ngày, tính từ ngày đến hạn thanh toán. Các nguồn phát sinh nợ xấu phổ biến là chậm thanh toán thẻ tín dụng, mua trả góp không đóng tiền đúng hạn hoặc vay từ tổ chức tín dụng. Mọi lịch sử nợ xấu sẽ được lưu trữ trên báo cáo tín dụng cá nhân tại Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC), thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Do vậy, để kiểm liệu mình còn khoản nợ nào, hoặc có nguy cơ bị giả thông tin để vay nợ, có thể truy cập vào website của CIC tại địa chỉ cic.gov.vn để kiểm tra.

 Kẻ gian sử dụng chứng minh nhân dân trùng số, tên của khách hàng tại Hà Nội để vay vốn, nhưng mọi thông tin và hình ảnh khác là giả. Ảnh: NVCC.

Kẻ gian sử dụng chứng minh nhân dân trùng số, tên của khách hàng tại Hà Nội để vay vốn, nhưng mọi thông tin và hình ảnh khác là giả. Ảnh: NVCC.

Khi truy cập vào trang web này, bạn sẽ phải đăng ký một tài khoản miễn phí và cung cấp thông tin gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại và giấy tờ cá nhân (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân). Ngoài ra, bạn cũng phải tải lên 3 ảnh gồm hai mặt của giấy tờ và ảnh chân dung cá nhân đang cầm chứng minh để định danh.

Quá trình định danh sẽ mất vài ngày. Sau khi tài khoản đã được xác thực và kích hoạt, bạn có thể truy cập phần “khai thác báo cáo” trên trang web của CIC để biết thông tin về điểm tín dụng, kiểm tra xem mình có đang nợ xấu hay không.

 Người dùng sẽ phải cung cấp các thông tin chi tiết trên website của CIC để xác thực. Ảnh: TA.

Người dùng sẽ phải cung cấp các thông tin chi tiết trên website của CIC để xác thực. Ảnh: TA.

Ngoài đăng ký trên trang web, người dùng cũng có thể tải ứng dụng CIC trên hệ điều hành iOS/Android. Cách kiểm tra bằng CIC hiện không mất phí, nhưng sẽ phải chờ vài ngày để xác thực.

Tuy không mất tiền, việc phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân và chờ xác thực từ CIC cũng khiến nhiều người dùng nghi ngại. Trên nhóm chia sẻ về kinh nghiệm tài chính cá nhân, người dùng Hoàng Vũ cho rằng khi chưa biết mình có nợ xấu hay không, việc cung cấp toàn bộ thông tin là không ổn.

Người dùng này cho rằng website của CIC chỉ nên yêu cầu nhập số chứng minh nhân dân. Kết quả trả về chỉ cần thông báo có hay không nợ xấu. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến lo ngại về tính bảo mật của website CIC. Đây cũng là lo ngại có cơ sở, bởi đã có những trường hợp người dùng lộ tên tuổi, số chứng minh nhân dân và bị kẻ gian dùng để vay ở các công ty tín dụng.

Bên cạnh đó, nếu có nhu cầu vay vốn, bạn có thể trực tiếp tới chi nhánh ngân hàng để yêu cầu kiểm tra thông tin tín dụng. Tại đây, bạn cũng phải cung cấp giấy tờ xác thực để có thể kiểm tra.

Theo quy định của CIC, những người vay nợ sẽ được xếp thành 5 nhóm, trong đó khách hàng từ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tới nhóm 5 (khoản nợ có khả năng mất vốn) sẽ rất khó để tiếp tục vay vốn tại các ngân hàng hay một công ty tín dụng nào khác.

Tất cả các thông tin về người vay nợ xấu bao gồm các khoản vay trong quá khứ, khoản vay nợ hiện tại, thời gian nợ quá hạn, họ tên người vay, nơi vay vốn sẽ được lưu lại trên 2 trung tâm tín dụng là CIC và PCB trong thời hạn từ 3-5 năm sau khi người vay đã thanh toán đủ cả lãi lẫn gốc.

Chính vì vậy khách hàng khi vay nợ cần lưu ý những thông tin trên để tránh rơi vào nhóm nợ xấu và đánh mất cơ hội vay sau này.

Vào đầu tháng 3, khách hàng Nguyễn Ngọc Q., ngụ Hà Nội cho biết bị thông báo có khoản nợ xấu tại FE Credit, dù chưa từng làm thủ tục hay phát sinh khoản vay tiêu dùng nào với dịch vụ này.

Theo ghi nhận tại buổi làm việc với FE Credit, các thông tin cá nhân của khách hàng trong hợp đồng tín dụng đứng tên anh Q. không trùng khớp với thông tin cá nhân của anh này.

Đại diện Trung tâm an ninh - FE Credit cho rằng trường hợp này, anh Q. đã bị đánh cắp thông tin số CMND và bị làm giả chứng minh thư để lừa đảo vay tiêu dùng tại công ty.

Trên các diễn đàn hoặc nhóm ở mạng xã hội, có nhiều người dùng phản ánh chỉ biết mình đang dính nợ xấu khi làm thủ tục tại ngân hàng, hoặc vẫn bị nhân viên tín dụng gọi nhắc nợ dù đã thanh toán xong.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-kiem-tra-co-dinh-no-xau-khong-post1190668.html