WHO cảnh báo châu Âu không nên sớm ăn mừng
Hiện tại, hầu hết các nước châu Âu đã nới lỏng hoặc gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa để đưa cuộc sống dần trở lại bình thường.
Người đứng đầu Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu ngày 14/05 đưa ra nhận định, tốc độ lây lan của dịch Covid-19 tại châu Âu đang chậm dần nhưng các nước này không nên vội vã buông lỏng vì nguy cơ tái bùng phát là rất cao.
Trong bản báo cáo đưa ra chiều 14/05, Giám đốc Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới – WHO, ông Hans Kluge cho biết, tính đến hiện tại, châu Âu đã có 1,78 triệu ca nhiễm bệnh, hơn 160.000 ca tử vong vì Covid-19, chiếm 43% số ca nhiễm và 56% số ca tử vong vì đại dịch này trên toàn thế giới.
Về tổng thể, theo ông Kluge, đà lây lan của dịch Covid-19 đang chậm dần tại châu Âu nhưng nguy cơ với khu vực này vẫn đang rất cao, đặc biệt tại một số nước Đông Âu như Nga.
Vì thế, châu Âu cần phải tiếp tục hết sức thận trọng, và chuẩn bị sẵn sàng để hệ thống y tế có thể đối phó với một đợt bùng phát tiếp theo.
“Bài học ở đây là không có thời gian để ăn mừng, chỉ có thời gian để chuẩn bị. Đây không phải là lần đầu thế giới đối mặt với đại dịch, nhưng đại dịch lần này có sức tàn phá vô cùng khủng khiếp. Chỉ cần vài ca nhiễm là sau vài tuần chúng ta cũng có thể chứng kiến những hệ thống y tế vững chắc nhất rơi vào tình trạng quá tải. Vì thế, yếu tố sống còn là phải chuẩn bị cho các hệ thống y tế và năng lực y tế cộng đồng, như việc giám sát các ca nhiễm bệnh”, ông Hans Kluge cho biết,
Hiện tại, hầu hết các nước châu Âu đã nới lỏng hoặc gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa để đưa cuộc sống dần trở lại bình thường, kể cả tại các nước có dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức.
Tuy nhiên, các nước đều chưa có các chiến lược chắc chắn để tránh nguy cơ dịch tái bùng phát, ngoài các chỉ dẫn về giữ khoảng cách nơi công cộng hay đeo khẩu trang.
Một số nước bắt đầu tiến hành các chiến dịch xét nghiệm truy tìm kháng thể để đánh giá chính xác mức độ nhiễm bệnh trong dân chúng. Tại Tây Ban Nha, chiến dịch này cho thấy, mới chỉ có 5% dân số Tây Ban Nha, tương đương khoảng 2,3 triệu người nhiễm bệnh. Tại Pháp, số người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 được ước tính vào khoảng 3,7 triệu người.
Giới chức Italy trong ngày 14/05 cũng cho biết, từ tuần sau nước này sẽ tiến hành chiến dịch xét nghiệm kháng thể cho 150.000 người tại 2.000 thành phố trên khắp đất nước.
Chính quyền các nước châu Âu hy vọng, thông qua các chiến dịch này có thể tìm ra những người đã có kháng thể với virus SARS-CoV-2 để từ đó cấp “hộ chiếu miễn dịch”, cho phép nhiều người đi làm hơn để khởi động lại nền kinh tế./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/who-canh-bao-chau-au-khong-nen-som-an-mung-1048739.vov