WHO cảnh báo châu Âu vội vã mở cửa trở lại dù số ca mắc giảm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo châu Âu về việc mở cửa trở lại vội vã dù số ca mắc Covid-19 mới đã giảm.
Đức đã tuyên bố đóng cửa một phần biên giới, cho thấy cuộc chiến chống dịch dài phía trước khi vaccine có thể chế ngự đại dịch.
Các chương trình tiêm chủng hàng loạt đang được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia trong một cuộc chạy đua chống lại các biến chủng dễ lây lan hơn và các chính phủ đang kêu gọi người dân tiếp tục đối phó với tình trạng đóng cửa khi chiến dịch tiêm chủng được tiến hành.
Tuy số ca mắc mới và tử vong đã giảm bớt ở vài nơi nhưng một số quan chức WHO cho biết chưa đến lúc để nới lỏng chống dịch.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết: “Sự suy giảm số ca bệnh che giấu số lượng bùng phát ngày càng tăng và sự lây lan trong cộng đồng liên quan đến các biến thể đáng lo ngại. Tại thời điểm này, phần lớn các nước châu Âu vẫn dễ bị tổn thương”. Ông cũng chỉ ra “ranh giới mong manh giữa hy vọng về vaccine và cảm giác an toàn sai lầm”.
Hơn một triệu ca mắc Covid-19 được xác nhận mỗi tuần tại 53 quốc gia thành viên EU của cơ quan LHQ, trong đó có vài nước Trung Á. Tuy nhiên, số ca mắc trong 4 tuần qua và số ca tử vong trong 2 tuần qua đã giảm.
Tuy vậy, số người tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới đã tăng lên gần 2,4 triệu, trong đó Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất và số người chết ở Trung Đông đã vượt qua mốc 100.000 vào hôm qua.
Tình hình đáng lo ngại
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã cấm hầu hết khách du lịch đến từ các quốc gia được xếp vào những nơi có các ca biến chủng hoặc bị ảnh hưởng nặng nề.
Số ca mắc đã giảm một nửa mỗi ngày sau 2 tháng hạn chế khắc nghiệt. Tuy nhiên, mối lo ngại đang gia tăng rằng xu hướng tích cực có thể bị ảnh hưởng bởi du khách đến từ các vùng biên giới có số ca mắc tăng vọt.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo về một “tình hình đáng lo ngại” ở Moselle, bên kia biên giới với Đức, sau khi một số lượng lớn các biến chủng Nam Phi và Brazil được phát hiện, có thể dẫn đến các hạn chế mới.
Phân phối vaccine
Việc phân phối vaccine thay đổi trên toàn thế giới mặc dù tổng số 155,7 triệu người ở ít nhất 91 quốc gia đã được tiêm chủng cho đến nay – theo một cuộc thống kê của AFP.
Việc triển khai vaccine đang bị cản trở bởi nguồn cung hạn chế và vaccine AstraZeneca đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi một số nước châu Âu từ chối cấp phép cho những người trên 65 tuổi – nhóm nhân khẩu dễ bị tổn thương nhất bởi Covid-19.
Bên cạnh có đó nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của vaccine trên đối với biến chủng ở Nam phi. Tuy nhiên, WHO vẫn ủng hộ việc dùng Astra Zeneca ở những người trên 65 tuổi và những nơi có biến chủng đang lây lan. Theo chương trình COVAX của WHO, AstraZeneca chiếm phần lớn liều vaccine đang được triển khai trên khắp thế giới, đặc biệt là các nước nghèo hơn.
Chuyên gia Alejandro Cravito của WHO cho biết tổ chức này đang chờ đợi dữ liệu cụ thể hơn về hiệu quả của vaccine ở những người trên 65 tuổi, nhưng “sẽ không thích hợp” để chờ đợi khi có “hàng ngàn người đang chết”.
WHO cho biết số ca tử vong do Covid-19 ở châu Phi đã tăng 40% so với tháng trước khi tổng số ca mắc gần 100.000.
Biểu tượng của hy vọng
Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 107 triệu người kể từ nó bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 12/2019, theo thống kê của AFP. Ngoài vaccine, cũng đã có thông tin tích cực về phương pháp điều trị với một nghiên cứu cho thấy thuốc viêm khớp tocilizumab làm giảm nguy cơ bệnh nhân nặng tử vong do Covid-19.
Tuy hầu hết người dân châu Âu đang phải chịu nhiều hạn chế chống dịch và EU đã giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2021, nhưng Brussels nói rằng một sự phục hồi mạnh mẽ đã gần kề.
Hôm qua, người lớn tuổi nhất châu Âu, một nữ tu sĩ người Pháp là Andre đã trở thành biểu tượng của niềm hy vọng khi bà tổ chức sinh nhật lần thứ 117 sau khi sống sót sau Covid-19 và sống qua 2 cuộc chiến tranh thế giới.