WHO cảnh báo chống lại việc pha trộn và kết hợp vắc xin COVID

Hôm thứ Hai (12/7), nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mọi người không nên trộn và kết hợp vắc xin COVID-19 từ các nhà sản xuất khác nhau, gọi đây là một 'xu hướng nguy hiểm' vì có rất ít dữ liệu về tác động đến sức khỏe.

Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới Soumya Swaminathan khuyến cáo các quốc gia không nên pha trộn và kết hợp vắc xin COVID-19 - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

WHO cho biết lợi ích của vắc xin mRNA COVID vượt xa các nguy cơ hiếm gặp về tim

WHO kêu gọi các nước không dỡ bỏ sớm các hạn chế COVID-19

Tổng Giám đốc WHO: Thế giới đang trong "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" của đại dịch COVID-19

"Đó là một xu hướng khá nguy hiểm ở đây. Chúng ta đang ở trong một khu vực không có dữ liệu, không có bằng chứng về khả năng kết hợp và pha trộn", bà Soumya Swaminathan nói trong một cuộc họp trực tuyến.

"Sẽ là một tình huống hỗn loạn ở các quốc gia nếu người dân bắt đầu quyết định khi nào và ai sẽ dùng liều thứ hai, thứ ba và thứ tư", bà nhấn mạnh.

Hiện ngày càng có nhiều quốc gia khuyến nghị hoặc cân nhắc tiêm mũi thứ hai bằng loại vắc xin khác, sau khi dữ liệu sơ bộ cho thấy chiến lược này có khả năng an toàn và nâng cao hiệu quả ngừa COVID-19.

Theo Đài NPR của Mỹ, một số nước quyết định áp dụng chiến lược tiêm cùng lúc 2 loại vắc xin khác nhau để đối mặt tình trạng thiếu vắc xin COVID-19 và các phản ứng phụ không báo trước. Sau khi Canada và một số quốc gia châu Âu triển khai cách tiếp cận này, nhiều nước khác đang học theo hoặc cân nhắc áp dụng.

Vào tháng 6, một số nhà nghiên cứu hy vọng biện pháp tiêm đa vắc xin không những giải quyết tình trạng thiếu hụt mà còn tạo sự linh hoạt hơn trong các phác đồ tiêm chủng có sẵn, theo hướng tăng cường hiệu quả ngừa COVID-19.

Theo chuyên san Science, cuộc nghiên cứu lâm sàng ở Tây Ban Nha với hơn 600 người tham gia cho thấy tiêm đồng thời vắc xin AstraZeneca và Pfizer/BioNTech kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn.

Còn kết quả sơ bộ của cuộc nghiên cứu ở Đức phát hiện việc tiêm vắc xin AstraZeneca trước mũi Pfizer/BioNTech giúp tạo nhiều kháng nguyên và bảo vệ cơ thể tốt hơn trước các biến chủng gây quan ngại so với người tiêm đủ 2 liều AstraZeneca.

Tại Anh, Đại học Oxford đã thực hiện cuộc nghiên cứu mang tên Com-CoV2 nhằm xác định mức độ an toàn và hiệu quả của việc tiêm kết hợp vắc xin AstraZeneca và Pfizer/BioNTech. Phát hiện ban đầu cho thấy người được tiêm cả 2 loại xuất hiện phản ứng phụ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình so với nhóm tiêm đủ liều của một loại vắc xin.

Tuy nhiên, những cảnh báo của nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới khiến các quốc gia phải cân nhắc khi việc thử nghiệm ở một số quốc gia chỉ ở phạm vi nhỏ và kết quả chưa thực sự rõ ràng.

Ngày hôm qua (12/7), Thái Lan cho biết họ sẽ sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca làm liều thứ hai cho những người đã được tiêm mũi của Sinovac như liều đầu tiên để tăng khả năng bảo vệ chống lại virus Corona.

Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Bộ Y tế Thái Lan cho biết 618 nhân viên y tế trong số 677.348 nhân viên được tiêm hai liều Sinovac đã bị nhiễm COVID-19 từ tháng 4 đến tháng 7. Một y tá đã chết và một nhân viên y tế khác đang trong tình trạng nguy kịch.

Nếu được thực hiện, kế hoạch này sẽ là sự pha trộn và kết hợp công khai đầu tiên giữa vắc xin Trung Quốc và vắc xin do phương Tây phát triển.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/who-canh-bao-chong-lai-viec-pha-tron-va-ket-hop-vac-xin-covid-post144119.html