WHO cảnh báo 'có quá nhiều quốc gia đi sai hướng' trong cuộc chiến với COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng nhiều quốc gia đang áp dụng phương pháp sai lầm trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
Sau khi nhận được báo cáo hàng ngày về tình hình mắc COVID-19 của ngày chủ nhật trước đó lên đến 230.000 trường hợp nhiễm coronavirus, cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết, đại dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu mọi người vẫn thờ ơ với những điều cơ bản về giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang và ở nhà nếu bị bệnh.
Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Tôi muốn thẳng thắn với tất cả mọi người, trong tương lai gần, sẽ không có sự trở lại bình thường."
"Hãy để tôi nói thẳng, có quá nhiều quốc gia đang đi sai hướng. Virus vẫn là kẻ thù công khai số một, nhưng hành động của nhiều chính phủ và người dân không mấy quan ngại về điều này."
Ông nói thêm rằng nếu các chính phủ không hành động để ngăn chặn sự lây lan và mọi người dân vẫn không tuân theo "những điều cơ bản" thì sẽ dẫn đến đại dịch ngày càng "tồi tệ hơn".
Ông nói rằng tâm điểm của cuộc khủng hoảng tại thời điểm này vẫn là châu Mỹ - chiếm hơn một nửa số ca nhiễm virus - nhưng ông nhấn mạnh rằng không bao giờ là quá muộn để kiểm soát dịch bệnh.
Vào thứ hai, một nghiên cứu bởi các nhà nghiên cứu từ King College London cho biết những bệnh nhân đã hồi phục sau khi bị nhiễm virus corona có thể mất khả năng miễn dịch trong vòng vài tháng.
Ông Michael Ryan - Giám đốc cấp cứu của WHO - cho biết, vẫn chưa biết liệu bệnh nhân COVID-19 hồi phục có thể bị nhiễm lại hay không, nhưng đó là trường hợp rất có thể xảy ra.
Tổ chức này cũng đã gửi 2 nhân viên đến Trung Quốc để đặt nền móng cho một nghiên cứu về nguồn gốc của virus corona mới trên động vật.