WHO cảnh báo cuộc chiến chống COVID bị đe dọa, kêu gọi tài trợ vắc xin cho châu Phi

Các chuyên gia y tế cho biết hôm thứ Năm (20/5) rằng lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đối với vắc xin COVID-19 có nguy cơ kéo cuộc chiến chống lại đại dịch trở lại 'mốc số 0' trừ khi các quốc gia giàu có chủ động chia sẻ vắc xin cho chương trình COVAX.

Một y tá chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca thông qua chương trình COVAX ở Ethiopia. Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Tiêu hủy gần 20.000 liều vắc xin COVID-19 hết hạn sử dụng

EU đồng ý mở cửa cho người nước ngoài được tiêm vắc xin COVID-19

UNICEF kêu gọi nhóm G7 quyên góp vắc xin cho chương trình tiêm chủng

Tiêm chủng vắc xin COVID-19 làm giảm mạnh số ca nhiễm và tử vong

Tình hình COVAX

COVAX, đơn vị phân phối vắc xin chính cho các nước nghèo, chủ yếu là vắc xin của AstraZenecado Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất. Chương trình này đã thiếu hụt khoảng 100 triệu liều so với dự kiến khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu vắc xin vào tháng trước khi nước này bùng dịch.

Các chuyên gia toàn cầu cho biết, các quốc gia giàu có với nguồn dự trữ vắc xin COVID-19 dồi dào phải chia sẻ chúng ngay lập tức trên quy mô lớn, nếu không đại dịch có thể kéo dài trên diện rộng và nguy cơ đột biến tăng cao.

Bà Anna Marriott, giám đốc chính sách y tế tại tổ chức từ thiện toàn cầu Oxfam cho biết: “Đó là một mối quan tâm lớn". Bà và những người khác cho biết phải bắt buộc các quốc gia và khu vực giàu có phải thực hiện tốt lời hứa của họ và chia sẻ lượng vắc xin thừa ngay từ bây giờ.

"Cách tiếp cận hiện tại dựa vào một số hợp đồng độc quyền dược phẩm và lòng tốt nhỏ giọt thông qua COVAX đang thất bại, và kết quả là mọi người đang chết", bà nói.

Reuters đưa tin hôm thứ Ba (18/5) rằng Ấn Độ đang gia hạn lệnh cấm xuất khẩu vắc xin, đồng nghĩa với việc vắc xin của COVAX sẽ tiếp tục thiếu hụt tới tháng 10.

Ông Will Hall, giám đốc chính sách toàn cầu của tổ chức tín thác sức khỏe toàn cầu Wellcome, cho biết việc COVAX phụ thuộc quá nhiều nguồn cung từ Viện Huyết thanh khiến tổ chức này dễ bị tổn thương.

Ông nói rằng việc gia hạn lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ càng khiến việc các nước giàu chia sẻ liều lượng vắc xin cho COVAX trở nên quan trọng hơn. "Không phải trong thời gian sáu tháng, không phải trong một tháng, mà là ngay bây giờ", ông nói.

"Chúng ta sẽ không thể đánh bại loại virus này trừ khi chúng ta suy nghĩ và hành động trên quy mô toàn cầu", ông nói thêm.

"Tất cả chúng ta nên lo lắng về điều này vì càng kéo dài, virus càng có nguy cơ biến đổi sang giai đoạn mà vắc xin và phương pháp điều trị hiện tại không còn hiệu quả nữa. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ trở lại mốc số 0", ông nhấn mạnh.

COVAX đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho ít nhất 20% dân số của hơn 90 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã đăng ký nhận vắc xin dưới dạng hiến tặng. Cho đến nay, tổ chức này đã phân phối khoảng 65 triệu liều chủ yếu là vắc xin AstraZeneca, đa phần đến châu Phi.

LHQ kêu gọi ủng hộ châu Phi

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư cũng đã kêu gọi cung cấp thêm vắc-xin Covid-19 cho châu Phi trong bối cảnh lo ngại rằng châu lục này chỉ nhận được 2% tổng số vắc xin trên thế giới.

Tuyên bố của LHQ kêu gọi "tăng cường và đẩy nhanh việc quyên góp các liều vắc xin an toàn và hiệu quả từ các nền kinh tế phát triển" cho các quốc gia châu Phi đang cần.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp hội đồng rằng nguồn cung hạn chế và khả năng tiếp cận vắc xin đã cản trở sự phục hồi của châu Phi sau đại dịch.

Ông nói: “Trong số 1,4 tỷ liều được sử dụng trên khắp thế giới hiện nay, chỉ có 24 triệu liều đến được châu Phi - tức là chưa đến 2%".

Một phát ngôn viên của liên minh vắc xin GAVI, đồng lãnh đạo COVAX, cho biết cơ sở đang làm việc chăm chỉ để kiếm thêm nguồn cung.

“Chúng tôi đang cố gắng tìm những cách khác nhau để đảm bảo rằng những quốc gia đã tiêm liều đầu tiên cũng có thể nhận được liều thứ hai và việc tiêm chủng có thể tiếp tục. Điều chúng ta cần ngay bây giờ, để đáp ứng những nhu cầu trước mắt, là chia sẻ liều lượng", bà nói.

Hôm thứ Tư (19/5), Mỹ cho biết họ sẽ chia sẻ tổng cộng 20 triệu liều vắc xin Pfizer (PFE.N), Moderna và Johnson & Johnson (JNJ.N) và 60 triệu liều AstraZeneca vào cuối tháng 6, quyên góp một số lượng đáng kể thông qua COVAX.

Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết trong tuần này rằng khối đang làm việc để tăng cường đáng kể hoạt động tài trợ vắc xin thông qua COVAX vào nửa cuối năm 2021. Nước này hiện đang chia sẻ 11.1 triệu liều vắc xin, với 9 triệu trong số đó là thông qua COVAX.

Trong khi đó, Anh sẽ có đủ liều lượng dư thừa để tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 50 triệu người dân kể cả sau khi nước này đã hoàn thành mục tiêu tiêm phòng trong nước.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/who-canh-bao-cuoc-chien-chong-covid-bi-de-doa-keu-goi-tai-tro-vac-xin-cho-chau-phi-post134675.html