WHO cảnh báo nguy cơ COVID-19 thành đại dịch 'ngày càng hiện hữu'
Ngày 9/3 (nửa đêm 9/3 theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố nguy cơ bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra (COVID-19) trở thành đại dịch đang ngày càng hiện hữu.
Hãng thông tấn Tân Hoa (Trung Quốc) đưa tin WHO đã tuyên bố nguy cơ dịch bệnh COVID-19 trở thành đại dịch đang ngày càng hiển hiện.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ hiện virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở quá nhiều nước và mối đe dọa dịch bệnh đã trở nên "rất hiển hiện", song ông nhấn mạnh rằng "đây sẽ là dịch bệnh đầu tiên trong lịch sử có thể kiểm soát được".
Động thái trên diễn ra sau khi, ngày 9/3, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 trên thế giới đã lên đến 111.557 người, trong khi số ca tử vong là 3.893 người.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tháng 12/2019, thế giới đã có 62.681 bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với virus. Tính tới 23h ngày 9/3 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã có tổng cộng 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch COVID-19.
Tại Trung Quốc đại lục, nơi dịch bệnh khởi phát, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo nước này ghi nhận thêm 44 ca nhiễm và 23 ca tử vong trong ngày 9/3. Tới nay, tổng cộng Trung Quốc đã ghi nhận 80.739 ca nhiễm bệnh, 3.120 trường hợp tử vong và 58.742 ca đã hồi phục và xuất viện.
Trên thế giới, đã có 762 ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, đứng đầu là Italy với 366 ca, tiếp đó là Iran với 237 ca, Hàn Quốc - 53 ca, Tây Ban Nha - 25 ca, Mỹ - 22 ca, 19 ca ở Pháp, Nhật Bản - 14 ca (tính cả du thuyền Diamond Princess), 6 ca ở Iraq, 3 ca ở Anh, 3 ca ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), 3 ca ở Hà Lan, 3 ca ở Australia, 2 ca ở Thụy Sĩ. Các nước và vùng lãnh thổ gồm Thái Lan, Ai Cập, Đài Loan, San Marino, Argentina và Philippines đều ghi nhận một ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, tính trong cả ngày 9/3, nước này ghi nhận thêm 165 ca nhiễm mới - mức tăng thấp nhất kể từ ngày 26/2, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 7.478 trường hợp. Số ca tử vong tại Hàn Quốc hiện là 53 người.
Tính đến tối 9/3, Iran ghi nhận 7.161 ca nhiễm COVID-19 với 237 trường hợp tử vong. Dịch hiện đã lan ra toàn bộ 31 tỉnh, thành nước này, biến Iran thành điểm nóng bùng phát dịch nghiêm trọng chỉ sau Trung Quốc đại lục.
Tại Italy, hiện có 7.375 người nhiễm bệnh và 366 ca tử vong. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh hạn chế ra vào khu vực tâm dịch, gồm toàn bộ vùng Lombardia và 14 tỉnh thuộc Veneto, Emilia Romagna, Piemonte và Marche. Lệnh cấm có hiệu lực từ 8/3 - 3/4 nhưng theo lời của Thủ tướng Conte, đây “không phải là lệnh cấm tuyệt đối” mà các hoạt động vẫn diễn ra, tàu điện và máy bay vẫn hoạt động để đáp ứng nhu cầu công việc, tình trạng khẩn cấp và sức khỏe cộng đồng. Trong thời gian này, cảnh sát có quyền ngăn chặn công dân ra vào khu vực tâm dịch, nơi các ca nhiễm COVID-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, tại Mỹ, tính tới ngày 8/3 (theo giờ Mỹ), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ đã vượt mốc 500 người, trong đó có 21 ca tử vong, và ảnh hưởng tới khoảng 30 bang. Tuy nhiên, trên tài khoản Twitter, Tổng thống Donald Trump vẫn khẳng định: "Chúng tôi đã có một kế hoạch tốt và phối hợp hoàn hảo tại Nhà Trắng trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2".
Ủy ban châu Âu có trụ sở tại thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 9/3 thông báo ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 tại đây. Bệnh nhân là một nữ nhân viên vừa trở về từ Italy và đã được cách ly từ cuối tuần trước để theo dõi tình hình sức khỏe. Đức cùng ngày cũng đã có 2 ca tử vong đầu tiên vì bệnh COVID-19.