WHO cảnh báo nguy cơ lây lan các biến thể mới nguy hiểm

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Apple Valley, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15/7, Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo những biến thể mới gây lo ngại của virus SARS-CoV-2 có thể lây lan toàn cầu, gây khó khăn hơn cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Trong một tuyên bố, ủy ban trên cho biết đại dịch COVID-19 chưa biết khi nào mới chấm dứt, đồng thời nhấn mạnh “khả năng cao các biến thể mới và có thể nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện, lây lan toàn cầu và khó kiểm soát”.

Liên quan đến tranh cãi xung quanh việc một số nước đề xuất không cho nhập cảnh đối với những khách du lịch không có giấy chứng nhận tiêm chủng vắcxin, Ủy ban cho biết WHO duy trì quan điểm rằng “trong du lịch quốc tế không nên yêu cầu chứng minh đã tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19”.

Theo ủy ban, không nên coi tiêm chủng vắcxin là điều kiện duy nhất để cho phép mở lại du lịch quốc tế, trong bối cảnh việc tiếp cận và phân phối vắcxin ngừa COVID-19 trên thế giới không đồng đều và còn hạn chế.

Trước đó, các chuyên gia cũng cho rằng yêu cầu chứng minh đã tiêm vắcxin càng làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng và thúc đẩy tự do đi lại không công bẳng. Ủy ban khẩn cấp của WHO cũng khuyến nghị các nước công nhận tất cả các loại vắcxin COVID-19 đã được WHO cho phép sử dụng khẩn cấp khi cấp phép đi lại quốc tế. Cơ quan này cũng khuyến khích các nước hành động để đạt tỉ lệ ít nhất 10% dân số được tiêm phòng vắcxin ngừa COVID-19 vào tháng 9 năm nay.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, ngày 15/7, Indonesia tiếp tục ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 cao nhất, với 56.757 ca, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu tháng 3 năm ngoái lên thành 2.726.803 người. Đây là ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận hơn 50.000 ca mắc COVID-19, sau kỷ lục 54.513 ca một ngày trước đó.

Trong khi đó, chính quyền Indonesia cảnh báo rằng số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 60.000 ca và thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản có 100.000 ca mắc mới mỗi ngày. Indonesia cũng ghi nhận thêm 982 ca tử vong do COVD-19 trong ngày 15/7, nâng tổng số ca tử vong lên thành 70.192 ca kể từ đầu đại dịch.

Ngoài 209.186 ca nghi nhiễm, hiện quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đang có 480.199 người mắc COVID-19 được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà. Tính đến nay, đã có 39.628.149 người đã được tiêm một mũi vắcxin ngừa COVID-19, trong khi 15.810.099 người đã được tiêm đầy đủ hai mũi.

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia liên tục tăng vọt trong những ngày gần đây, bất chấp lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp được áp đặt từ ngày 3/7 vừa qua tại hai hòn đảo Java và Bali đông dân, và mở rộng sang 15 khu vực khác kể từ ngày 12/7. Điều này khiến nhiều người nghi vấn về hiệu quả của các biện pháp hạn chế khẩn cấp.

Phát biểu họp báo sáng 15/7, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan lập luận rằng Indonesia đang phải đối mặt với "kẻ thù khác" so với giai đoạn áp đặt lệnh hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) trước đó.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 15/7, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Xiao Qian cho biết đến nay các công ty dược phẩm Sinovac và Sinopharm đã xuất khẩu 16 lô vắcxin với tổng cộng 121,9 triệu liều, trong đó có 6,4 triệu liều thành phẩm và 115,5 triệu liều bán thành phẩm sang Indonesia.

Trung Quốc tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác vắcxin, cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ y tế nhằm giúp Chính phủ Indonesia ứng phó đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong toàn bộ ngành công nghiệp vắcxin, bao gồm nghiên cứu, thu mua, sản xuất và phân phối, cũng như hỗ trợ Indonesia xây dựng các trung tâm sản xuất vắcxin trong khu vực.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan cho biết tình hình giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô nước này đang ở mức rất lo ngại, đặc biệt là đối với những bệnh nhân thuộc “nhóm màu đỏ” có triệu chứng nặng và cần máy thở. Người đứng đầu bộ phận quản lý y tế của Bộ Y tế, ông Korakrit Limsommut, cho biết các bệnh viện ở Bangkok có tổng công suất khoảng 1.000 giường cho bệnh nhân nhóm đỏ. Hiện chỉ có 10% số giường này còn trống.

Bác sĩ Korakrit nói thêm rằng đối với những bệnh nhân thuộc “nhóm màu vàng” có triệu chứng vừa phải, nhưng có bệnh nền và cần theo dõi sát sao, chỉ còn 415 giường trống, cộng với khoảng 449 giường có sẵn trong các phòng cách ly của bệnh viện. Đối với bệnh nhân thuộc “nhóm màu xanh” không có triệu chứng, còn 500 giường trống tại các bệnh viện dã chiến, cộng với khoảng 4.200 giường tại các bệnh viện-khách sạn được chứng nhận.

Để giải quyết vấn đề thiếu giường bệnh ở Bangkok, Bộ Y tế đã đẩy nhanh kế hoạch tăng giường cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể vừa và nặng. Theo Giám đốc Trung tâm Điều hành Khẩn cấp Y tế Công cộng Witoon Anankul, số giường cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ vẫn ở mức khoảng 20%, trong khi các giường khác được cung cấp cho bệnh nhân có triệu chứng trên trung bình là khoảng 10%.

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, số ca tử vong trong ngày vì dịch bệnh này đã tăng lên mức cao mới, với 98 ca tử vong trong 24 giờ qua. Thái Lan ngày 15/7 cũng ghi nhận thêm 9.186 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số các ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 372.215 ca, trong đó có 3.032 ca tử vong. Đa số các ca mắc mới và tử vong ở Thái Lan được ghi nhận kể từ khi làn sóng COVID-19 thứ ba xuất hiện từ đầu tháng 4, với 343.352 ca nhiễm và 2.938 ca tử vong.

Cũng trong ngày 15/7, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 5.221 ca mắc và 82 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 1.490.665 ca và 26.314 ca tử vong. Kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 1/2020 đến nay, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 14,7 triệu người. Hiện, chính phủ nước này đang cân nhắc việc áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với Malaysia và Thái Lan trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á đang chật vật đối phó với số ca mắc biến thể Delta gia tăng.

Philippines đã cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Oman và các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Nước này đã phát hiện 19 ca mắc biến thể Delta trong số những người Philippines đang được cách ly ngay sau khi về nước. Đến nay, 18 người đã bình phục trong khi 1 người tử vong. Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque khẳng định đến nay chưa có các ca lây nhiễm biến thể Delta trong cộng đồng.

Ngày 15/7, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo có 1.308 ca mắc mới COVID-19 - mức tăng trong ngày cao nhất kể từ cuối tháng 1/2021 và đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp, địa phương này ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới.

Thông tin trên được công bố trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Nhật Bản tăng trở lại tại thời điểm chỉ còn 1 tuần trước khi khai mạc Olympic 2020 và thủ đô Tokyo đang áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 do dịch COVID-19. Tính trung bình trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo ở mức 882,1 ca/ngày, tăng 32,9% so với tuần trước đó.

Theo kế hoạch, lễ khai mạc Olympic sẽ diễn ra tại sân vận động quốc gia vào ngày 23/7. Các nhà tổ chức đã cam kết sẽ thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch để bảo đảm hàng nghìn vận động viên, nhân viên hộ trợ và phóng viên đến Nhật Bản không bị lây nhiễm SARS-CoV-2.

Cùng ngày, trang thông tin điện tử của Ban tổ chức Olympic cho biết một vận động viên sau thời gian cách ly 14 ngày tại thủ đô Tokyo đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Thông tin chi tiết về vận động viên này không được công bố. Theo đài truyền hình NHK, vận động viên này vẫn chưa được đưa đến làng vận động viên.

Trong ngày 15/7, Thủ tướng Suga Yoshihide đã tới thăm sân bay Narita gần thủ đô Tokyo và có bài phát biểu tại đây trấn an sự quan ngại về nguy cơ lây nhiêm từ sự kiện thể thao này. Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định trách nhiệm của chính phủ là bảo vệ cuộc sống của người dân Nhật Bản, đảm bảo kiểm soát biên giới thích hợp.

Chính phủ Nhật Bản cũng thông báo nước này sẽ tăng cường kiểm soát biên giới đối với người nhập cảnh đến từ Costa Rica, CH Dominica, Namibia và CH Sakha (thuộc Nga) nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm biến thể siêu lây nhiễm Delta. Các biện pháp có hiệu lực từ ngày 18/7.

Theo đó, những người nhập cảnh đến từ những nước và vùng lãnh thổ kể trên sẽ được yêu cầu ở tại khu vực chỉ định trong 3 ngày và tiến hành xét nghiệm COVID-19. Riêng người nhập cảnh đến từ thủ đô Moscow của Nga phải theo dõi cách ly 6 ngày tại cơ sở chỉ định, tức tăng 3 ngày so với quy định trức đó, cùng với phải thực hiện xét nghiệm ở ngày thứ 3 và ngày thứ 6.

Trong khi đó, những người nhập cảnh đến từ Latvia, Thụy Sĩ và Việt Nam sẽ phải ở trong những cơ sở chỉ định nếu những người này có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh, song họ vẫn phải thực hiện quy định tự cách ly 14 ngày.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Báo Tin Tức)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/261218/who-canh-bao-nguy-co-lay-lan-cac-bien-the-moi-nguy-hiem.html