WHO cảnh báo tình hình nghiêm trọng tại Campuchia

Nhân viên y tế và xe cứu thương được huy động để chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến 9h00 sáng 20/3, Campuchia xác nhận phát hiện thêm 54 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh Bộ Y tế nước này và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ra thông cáo nhấn mạnh “Campuchia đang ở thời điểm nghiêm trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.

Thông cáo của Bộ Y tế Campuchia và WHO kêu gọi người dân Campuchia đoàn kết và làm tất cả những gì có thể trong cuộc chiến chống đại dịch.

Các chuyên gia WHO nhận định đợt bùng phát dịch mới tại Campuchia liên quan biến thể B.1.1.7 của virus SARS-CoV-2 khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

Trong thông điệp gửi người dân Campuchia sáng 20/3, Thủ tướng Hun Sen nhận định sau một tháng kể từ “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2", tình hình dịch bệnh tại nước này chưa có dấu hiệu khả quan, đặc biệt là tại tỉnh Kandal và thủ đô Phnom Penh, nơi mới ghi nhận một trường hợp bé trai 6 tuổi ở quận Russey Keo mắc COVID-19 do lây từ mẹ.

Báo Khmer Times cùng ngày đưa tin một nhóm phụ nữ tại Campuchia đã phát động phong trào “Chiến dịch 4 điểm” trên mạng xã hội Facebook, trong đó kêu gọi Thủ tướng cân nhắc giảm 50% hóa đơn điện, nước sinh hoạt, giá nhiên liệu và thuê phòng trọ tại thủ đô Phnom Penh trong vòng 3 tháng.

Nhóm này cũng kêu gọi người đứng đầu Chính phủ Campuchia can thiệp để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay vì hiện người dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày do công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh.

Tính đến sáng 20/3, Campuchia ghi nhận tổng cộng 1.623 ca mắc COVID-19, trong đó có 935 bệnh nhân được điều trị bình phục và 3 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại khu vực châu Âu đã vượt 1 triệu người vào ngày 19/3, trong bối cảnh châu lục này đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để kiềm chế làn sóng dịch bệnh thứ ba do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Theo số liệu tổng hợp của hãng tin Reuters, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, châu Âu đã ghi nhận 37.221.978 ca mắc, trong đó 1.000.062 ca tử vong. Khu vực gồm 51 quốc gia và vùng lãnh thổ này, trong đó có Nga, Vương quốc Anh, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nước và vùng lãnh thổ khác, hiện chiếm 35,5% số ca tử vong và 30,5% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Tỉ lệ tiêm vắcxin tại châu Âu hiện là 12 mũi tiêm/100 người, sau Mỹ với tỉ lệ 34 mũi tiêm/100 người. Đứng đầu thế giới về tỉ lệ tiêm vắcxin ngừa COVID-19 là Israel với 110 mũi tiêm/100 người, trong đó có những người đã tiêm 2 mũi. Một số vắcxin ngừa COVID-19 hiện nay là loại vắcxin tiêm 2 mũi.

Với số ca tử vong liên quan COVID-19 ở EU đã vượt mức 550.000 người trong khi chưa đến 1/10 dân số được chủng ngừa, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo tình hình dịch bệnh đang xấu đi. Bà cho rằng làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại khu vực này đang dần đạt đỉnh, do đó cần phải đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng.

Để đẩy nhanh việc tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19, Chính phủ Đức và các bang muốn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt ngay sau Lễ Phục sinh. Đứng trước làn sóng lây nhiễm thứ mới đã bắt đầu, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn nhanh chóng tái áp dụng các biện pháp hạn chế khẩn cấp từ tuần tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tối 19/3 (giờ địa phương), tại một cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang đã thống nhất việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng ở nước này, bằng sự tham gia của các bác sĩ gia đình vào chiến dịch ngay sau Lễ Phục sinh với tối thiểu 1 triệu liều/ 1 tuần.

Từ ngày 5-11/4, khoảng 50.000 cơ sở y tế ở Đức cũng sẽ được phép tiêm chủng cho người dân. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn nhanh hơn và linh hoạt hơn khi nói đến tiêm chủng”.

Bất chấp sự chậm trễ về bàn giao vắcxin từ hãng dược phẩm AstraZeneca và việc tạm ngừng sử dụng loại vắcxin này, Chính phủ Đức và các bang vẫn kiên định mục tiêu mọi người dân phải được tiêm chủng vào mùa hè”

Hiện Đức đã nối lại sử dụng vắcxin AstraZeneca sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) tái khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vắcxin này. Mặc dù vậy, Thủ tướng Merkel lo ngại số lượng vắcxin sẽ vẫn khan hiếm trong tháng tới, do đó việc tiêm chủng vẫn phải theo trình tự theo khuyến nghị của Ủy ban Tiêm chủng Thường trực.

Thủ tướng Merkel đánh giá tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Theo quan điểm của Thủ tướng Merkel, vì sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm, số ca mắc bệnh hiện tại đang tăng lên theo cấp số nhân nên nước này có thể dừng việc nới lỏng và tái áp dụng các biện pháp hạn chế.

Theo chính phủ liên bang, việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng sẽ không đủ để làm chậm sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm bệnh. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết hiện châu Âu vẫn chưa có đủ vắcxin ở châu Âu để ngăn chặn làn sóng thứ ba.

Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), vào ngày 19/3, nước này ghi nhận 17.482 ca nhiễm mới, với tỉ lệ mắc trên toàn quốc tăng lên 95,6.

Trong diễn biến khác, ngày 19/3, Chính phủ Ý đã thông qua gói cứu trợ trị giá 32 tỉ euro (38 tỉ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết gói cứu trợ trên bao gồm 11 tỉ euro cấp cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào cuối tháng 4 tới. Ngoài ra, 8 tỉ euro chi cho an sinh xã hội, bao gồm trợ cấp cho lao động thất nghiệp, và khoảng 5 tỉ euro cho chương trình tiêm vắcxin và ngành y tế.

Theo Thủ tướng Draghi, gói cứu trợ này chỉ hỗ trợ phần nào cho những doanh nghiệp đang chật vật vì đại dịch, song là điều tốt nhất mà chính phủ có thể thực hiện do ngân sách hạn hẹp. Chính phủ Ý cũng quyết định gia hạn đến tháng 6 tới đối với việc đình chỉ sa thải lao động, dự kiến hết hiệu lực vào cuối tháng 3; một số lĩnh vực được gia hạn đến cuối tháng 10.

Các lao động thời vụ, nhân viên rạp hát và rạp chiếu phim cũng như ngành du lịch trượt tuyết cũng được nhận hỗ trợ. Thủ tướng Draghi cho hay chính phủ sẽ vay thêm tiền trong năm nay để cấp tài chính cho nhiều biện pháp kích thích kinh tế khác.

Ý là quốc gia châu Âu đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 cách đây hơn 1 năm. Hiện nước này rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thủ tướng Draghi hy vọng việc tăng tốc chương trình tiêm chủng sẽ phần nào giảm ảnh hưởng của dịch bệnh và chính phủ đang soạn thảo kế hoạch phục hồi kinh tế bằng các khoản tài trợ và khoản vay của Liên minh châu Âu (EU).

Ý đủ điều kiện nhận khoản hỗ trợ 200 tỉ euro từ EU, song đổi lại nước này phải cam kết thực hiện cải cách sâu rộng được sự chấp thuận của lãnh đạo EU.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253539/who-canh-bao-tinh-hinh-nghiem-trong-tai-campuchia.html