WHO: Covid-19 có thể không bao giờ biến mất
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 có thể sẽ không thể tự biến mất và cần một nỗ lực khổng lồ để kiểm soát dịch bệnh.
Ông Mike Ryan, giám đốc chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, nhận định trong cuộc họp báo diễn ra tại trụ sở của tổ chức này tại Geneva ngày 13-5: "Điều quan trọng là phải nghĩ tới khả năng virus này sẽ trở thành một loại virus đặc hữu khác trong cộng đồng và nó có thể không bao giờ biến mất".
"Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải thực tế và tôi không nghĩ là ai đó có thể dự đoán khi nào dịch bệnh biến mất. Không có lời hứa nào trong việc này và không có thời hạn nào cả. Covid-19 có thể trở thành một vấn đề lâu dài, hoặc có thể không" - ông Ryan nói thêm.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng thế giới có thể kiểm soát phần nào khi đối phó với dịch Covid-19 mặc dù điều đó sẽ cần một nỗ lực rất lớn, ngay cả khi bào chế thành công vắc-xin, một triển vọng mà ông mô tả là sự thành công to lớn trong việc kiểm soát đại dịch.
Hơn 100 loại vắc-xin có tiềm năng đang được phát triển, và một số đã được thử nghiệm lâm sàng trên người, mặc dù các chuyên gia lưu ý rằng việc bào chế vắc-xin đối với virus corona là rất khó khăn. Ông Ryan cũng lưu ý rằng có nhiều bệnh đã có vắc-xin nhưng vẫn chưa bị loại bỏ, ví dụ bệnh sởi.
Tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết quỹ đạo của bệnh dịch đang "nằm trong tay chúng ta" và đây là nhiệm vụ của mọi người. Trong khi ông Ryan cho biết việc kiểm soát virus "một cách rất đáng kể" là cần thiết để giảm mức độ rủi ro hiện tại. WHO hiện vẫn xác định mức độ rủi ro cao về Covid-19 ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Các chính phủ trên thế giới đang vật lộn với câu hỏi làm thế nào để mở cửa trở lại nền kinh tế một cách an toàn khi virus chưa biến mất. Hiện số người nhiễm trên toàn cầu đã lên đến 4,3 triệu người, trong đó có 291.000 người tử vong. Liên minh châu Âu đang đẩy nhanh việc mở cửa trở lại biên giới các quốc gia trong khối, vốn tạm thời bị đóng trong đại dịch.
Thế nhưng các chuyên gia y tế công cộng cho rằng cần phải hết sức thận trọng trong việc mở cửa trở lại, nhằm tránh những đợt bùng phát mới. Ông Ryan cho rằng việc mở cửa biên giới trên bộ sẽ ít rủi ro hơn so với nới lỏng các hạn chế đi lại bằng đường hàng không, coi đó là "một thách thức khác".
Tính đến nay, châu Mỹ tiếp tục là điểm dịch có nhiều người mắc Covid-19 nhất toàn cầu, với tổng cộng trên 1.917.620 ca và 114.000 người tử vong. Brazil và Mexico đã ghi nhận số người chết vì Covid-19 trong một ngày cao nhất của họ, làm dấy lên lo ngại đại dịch đang gia tăng trên khắp châu Mỹ Latinh, trong bối cảnh chính phủ của hai quốc gia đông dân nhất khu vực này lại thờ ơ, chần chừ.
Ngày 13-5, Brazil ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong ngày tăng cao vượt 11.000. Các bệnh viện và cơ sở y tế công ở thành phố lớn như Manaus và Rio de Janeiro quá tải do số lượng bệnh nhân liên tục tăng mạnh. Trong khi đó, Tổng thống Jair Bolsonaro luôn đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 và cho rằng các biện pháp buộc người dân phải ở trong nhà tác động tiêu cực đến nền kinh tế một cách không cần thiết.
Bộ Y tế Mexico thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng cao nhất trong một ngày, với lần lượt là 1.997 và 353 ca. Tỉ lệ tử vong tại nước này vẫn cao nhất châu Mỹ, ở mức hơn 10,2%, do trên 70% dân số có bệnh lý nền về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thừa cân và béo phì.