WHO: COVID-19 không lây nhiều như cúm song nhiều ca tử vong hơn

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus - Nguồn: AFP

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 3/3 tuyên bố, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) đang gây ra thêm một số lượng đáng kể ca tử vong hơn bệnh cúm theo mùa, song không lây nhiều như cúm.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO nêu rõ: "Trên thế giới, khoảng 3,4% số ca nhiễm COVID-19 đã tử vong. So sánh, bệnh cúm theo mùa nhìn chung chỉ gây ra ít hơn 1% ca tử vong”.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu WHO, COVID-19 không lây nhiều như cúm, khi mà những người không có triệu chứng dường như không phải tác nhân lây truyền SARS-CoV-2.

Ông Ghebreyesus cho biết: "Vi rút này không phải SARS (Hội chứng hô hấp cấp), không phải MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông), và cũng không phải cúm. Nó là một loại vi rút độc nhất với những đặc tính riêng. Cả SARS-CoV-2 và cúm đều gây ra bệnh hô hấp và có cách lây truyền tương đồng nhau. Tuy nhiên, có một vài khác biệt quan trọng giữa COVID-19 và cúm”.

"Trước tiên, COVID-19 không lây nhiều như cúm, từ những dữ liệu chúng tôi có được cho tới nay. Với cúm, người bị nhiễm song chưa bị bệnh là tác nhân lớn lây truyền, điều đó dường như không đúng với COVID-19. "Tuy nhiên, COVID-19 gây bệnh nghiêm trọng hơn cúm theo mùa. Trong khi nhiều người trên thế giới đã có miễn dịch cho chủng cúm theo mùa thì SARS-CoV-2 là một loại vi rút mới và chưa ai có miễn dịch”.

Tổng giám đốc WHO cho hay, cho tới nay, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên thế giới đã là 90.893 người, trong đó có 3.110 ca tử vong. Hiện các phương pháp điều trị thử nghiệm đối với COVID-19 đang được thực hiện và hơn 20 loại vắcxin đang được phát triển.

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng, Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thông qua việc áp dụng cơ chế đẩy nhanh quá trình đưa ra quyết định, giúp phối hợp công tác ứng phó dịch bệnh hiệu quả hơn, cũng như cho phép các nước không thuộc khối như Anh có thể tham gia.

Trong một tuyên bố đưa ra tối 2/3, Hội đồng châu Âu tuyên bố đã nhất trí kích hoạt cơ chế "Ứng phó Khủng hoảng chính trị hợp nhất" (IPCR). Điều này sẽ cho phép EU tập trung vào các lỗ hổng quan trọng trong viêc ứng phó với dịch bệnh, cũng như để Ủy ban châu Âu hỗ trợ đưa ra quyết định nhanh chóng. Bên cạnh đó, các nước láng giềng như Anh, Thụy Sĩ, hay các tổ chức quốc tế như WHO có thể được mời tham gia.

Tại Anh, người đứng đầu Cơ quan Y tế Anh Chris Whitty nêu rõ Anh nhiều khả năng sẽ không tiến hành phong tỏa thành phố để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, song chính phủ sẽ không loại trừ bất kỳ phương án nào.

Cho đến nay, Anh đã xác nhận 39 trường hợp nhiễm COVID-19. Để ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch hành động mới, bao gồm khuyến nghị các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc tại nhà; khuyến cáo người dân hạn chế đi lại; cân nhắc đóng cửa trường học, hạn chế việc tụ tập đông người.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn tỏ ra lạc quan khi tuyên bố dịch bệnh sẽ không thể ngăn ông chào đón mọi người bằng hành động bắt tay. Ông khẳng định đã bắt tay tất cả mọi người tại một bệnh viện, nơi các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị.

Cùng ngày, Học viện SAR ở New York, Mỹ, đã tuyên bố đóng cửa trong ngày 3/3 sau khi có một trường hợp được phát hiện dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại khu vực này. Lãnh đạo trường khẳng định đây là biện pháp phòng ngừa. Nhà trường sẽ giữ liên lạc với Cơ quan Y tế TP New York, cũng như tuân thủ các hướng dẫn của nhà chức trách. Thông báo của hiệu trưởng khẳng định điều quan trọng lúc này là phải giữ bình tĩnh, đồng thời hối thúc người dân thực hiện hàng loạt các biện pháp phòng ngừa.

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan y tế vùng Valencia của Tây Ban Nha, bà Ana Barcelo Chico ngày 3/3 thông báo, một người đàn ông ở vùng này đã qua đời do COVID-19, đánh dấu ca đầu tiên tử vong vì SARS-CoV-2. Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Ana Barcelo Chico dẫn các kết quả xét nghiệm cho biết người đàn ông này qua đời vào ngày 13/2 là vì SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Pháp ngày 3/3 thông báo, nước này ghi nhận ca tử vong thứ 4 vì COVID-19. Tuy nhiên, Bộ Y tế không cung cấp thông tin chi tiết về tuổi và quốc tịch của người này.

Tại Hàn Quốc, Reuters đưa tin, Cơ quan phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 4/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 516 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng số ca mắc bệnh này trên toàn quốc lên 5.328 người.

Trong những ngày vừa qua, số ca nhiễm mới được ghi nhận liên tục tăng tại Hàn Quốc, với 600 ca trong ngày 2/3; 1.062 ca trong ngày 1/3 và 813 ca trong ngày 29/2. Cho tới nay đã có 28 người tử vong do COVID-19 tại nước này. Trong 600 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm 2/3, TP Daegu chiếm 523 ca và tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận chiếm 61 ca. Tổng số ca nhiễm tại Daegu và Bắc Gyeongsang hiện lần lượt là 3.601ca và 685 ca. KCDC cho biết 56,1% số ca nhiễm trên toàn quốc liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) ở TP Daegu.

Yonhap đưa tin, ngày 4/3, tổng cộng 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp đặt biện pháp hạn chế nhập cảnh hoặc thủ tục cách ly nghiêm ngặt hơn đối với những người đến từ Hàn Quốc. Theo thông tin đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tính đến 9 giờ sáng 4/3, có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm nhập cảnh những du khách từng tới Hàn Quốc trong ít nhất là 2 tuần.

Tại TP Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch COVID-19 ở Trung Quốc, đã đóng cửa bệnh viện đầu tiên trong số 16 bệnh viện dã chiến được xây dựng chuyên để tiếp nhận và chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 trong đợt dịch này. Quyết định trên được đưa ra sau khi bệnh nhân cuối cùng tại đây được ra viện.

Thông tin về việc đóng cửa bệnh viện đúng vào thời điểm các số liệu chính thức cho thấy số ca nhiễm mới tại tỉnh này đã giảm mạnh. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Mễ Phong cho biết: "Xu hướng số ca nhiễm mới tăng nhanh tại Vũ Hán hiện đã được kiểm soát. Dịch tại các địa phương khác trong tỉnh Hồ Bắc đã được kiềm chế và tại các tỉnh khác đang diễn biến tích cực”.

Theo người phát ngôn trên, chính quyền Trung Quốc sẽ chuyển từ các biện pháp "kiềm chế tổng thể sang kiềm chế mục tiêu," với trọng tâm là kiềm chế trong các cộng đồng và các cơ sở y tế. Tuy nhiên, ngày 3/3, Trung Quốc ghi nhận một sự gia tăng số ca nhiễm từ nước ngoài, khiến đất nước vốn là nơi bùng phát dịch nay phải lo ngại về tình trạng lây nhiễm từ bên ngoài.

Tổng cộng có 13 ca nhiễm là những người từ nước ngoài vào Trung Quốc đại lục, tất cả là công dân Trung Quốc vừa trở về từ nước ngoài. Trong số này, 8 người từng làm việc tại một nhà hàng ở vùng Lombardy, miền bắc Ý, trở về tỉnh Chiết Giang tuần trước và có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Bốn ca khác đều trở về từ Iran, và một ca từng đến Anh.

Cùng ngày 3/3, Thứ trưởng Bộ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi thông báo đã có thêm 835 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này và thêm 11 ca tử vong, theo đó, tổng số ca nhiễm tại Iran hiện nay là 2.336 ca và 77 ca tử vong.

Cùng ngày, phát biểu trên truyền hình, lãnh tụ tinh thần Ali Khamenei khẳng định sự minh bạch trong công tác ứng phó và phòng chống dịch bệnh của Iran, đồng thời kêu gọi tất cả các cơ quan chính phủ tập trung nguồn lực để hỗ trợ Bộ Y tế chống dịch COVID-19. Ông cũng kêu gọi người dân tuân thủ các khuyến cáo của nhà chức trách để tránh bị lây nhiễm SARS-CoV-2.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/235766/who--covid-19-khong-lay-nhieu-nhu-cum-song-nhieu-ca-tu-vong-hon.html