WHO đã công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá
Thuốc lá làm nóng hiện được thương mại tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó một số nước như Mỹ, Nhật… đã xếp sản phẩm này thuộc các sản phẩm thuốc lá.
Mặc khác, Hội nghị lần thứ 8 các nước thành viên (COP8) thuộc Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chủ trì năm 2018 cũng công nhận sản phẩm thuốc lá làm nóng là thuốc lá. Theo đó, FCTC khuyến nghị các nước quản lý sản phẩm này theo Công ước khung và các luật kiểm soát thuốc lá của nước sở tại.
FCTC cũng định nghĩa “Thuốc lá làm nóng là thuốc lá”
Thuốc lá làm nóng chứa hoàn toàn nguyên liệu thuốc lá và được sản xuất theo công nghệ làm nóng-không-đốt cháy để tạo ra nicotine. Việc xác định danh mục sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý theo luật định. Thông tin từ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá Vinacosh (trực thuộc Bộ Y tế) nêu rõ, trong điều 1 khoản (f) của Công ước khung FCTC có định nghĩa: các sản phẩm thuốc lá là những sản phẩm từ một phần hoặc toàn phần nguyên liệu thuốc lá.
Điều 1, khoản (f) định nghĩa “các sản phẩm thuốc lá” có nghĩa là các sản phẩm tạo ra từ vật liệu lá thuốc. Nguồn: Chương trình Phòng chống Tác hại của Thuốc lá - Công ước Khung - Giới thiệu (vinacosh.gov.vn)
Việt Nam là một những quốc gia thành viên của Công ước khung và Luật Phòng chống Tác hại Thuốc lá (Luật PCTHTL) đã ban hành năm 2012 được xây dựng dựa trên nền móng của FCTC. Theo luật hiện hành này, định nghĩa “thuốc lá” cũng thể hiện sự nhất quán với FCTC. Cụ thể, Điều 2.1 của Luật Phòng chống Tác hại Thuốc lá Luật PCTHTL nêu rõ: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. Thêm vào đó, theo Khoản 3 Điều 2 của Luật này: “nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”.
Trên cơ sở định nghĩa mà pháp luật đã quy định và hiện đang áp dụng, thuốc lá làm nóng đang thuộc định nghĩa “thuốc lá” vì có chứa thành phần là nguyên liệu thuốc lá. Do vậy, sản phẩm này cần phải chịu sự quản lý và kiểm soát bởi Luật PCTHTL của quốc gia.
“Cơ chế của thuốc lá làm nóng là sử dụng nhiệt để làm nóng mà không đốt cháy như thuốc lá điếu thông thường. Do vậy, thuốc lá làm nóng được xem là “dạng khác” theo định nghĩa tại Điều 2.1 của Luật PCTHTL và cần phải đưa vào quản lý theo luật hiện hành”, ông Phạm Sĩ Hải Quỳnh, Luật sư thành viên của Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF - Hồng Đức) cho biết.
Ở góc độ pháp lý, theo đánh giá của LS. Hải Quỳnh: Đến nay, kinh doanh thuốc lá vẫn là ngành nghề kinh doanh hợp pháp và được pháp luật thừa nhận. Do đó, những sản phẩm là thuốc lá theo định nghĩa của Luật PCTHTL thì không thể cấm mà cần phải đưa vào quản lý theo đúng quy định.
Vì sao đủ cơ sở nhưng chưa đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý?
Mặc dù thuốc lá làm nóng không thật sự hiện diện năm 2012 khi Luật PCTHTL được phê duyệt, nhưng có thể thấy trong phạm vi luật cũng đã đề cập sản phẩm thuốc lá “dạng khác” nhằm xếp những sản phẩm có nguyên liệu là thuốc lá nhưng không phải là các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, hoặc thuốc lá sợi, thuốc lào.
Trong gần 4 năm qua đã diễn ra nhiều hội thảo, tọa đàm về những sản phẩm thuốc lá này cũng như các công tác tuyên truyền cảnh báo sức khỏe cho người dân, đặc biệt là giới trẻ đã và đang được các cơ quan y tế truyền thông rộng rãi. Tuy nhiên, điều cốt lõi về luật cho sản phẩm thuốc lá làm nóng vẫn chưa hiện diện trong bất kỳ văn bản luật nào.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù theo hướng dẫn từ FCTC hay Luật PCTHTL của Việt Nam thì bản chất cấu tạo của sản phẩm thuốc lá làm nóng cũng đã thỏa mãn điều kiện mà quốc tế lẫn quốc gia đưa ra. Do đó, sẽ là một câu hỏi lớn vì sao các cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý theo luật hiện hành.
Được biết, cũng trong gần 4 năm nay, Chính phủ đã ba lần chỉ đạo các bộ ngành sớm đề xuất luật quản lý sản phẩm thuốc lá không khói, trong đó có thuốc lá làm nóng nhằm ngăn chặn buôn lậu. Nhưng thực tế đến nay, các sản phẩm này vẫn đang nằm ngoài vòng kiểm soát của luật và đang được kinh doanh phi pháp bởi những tổ chức, cá nhân buôn lậu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/who-da-cong-nhan-thuoc-la-lam-nong-la-thuoc-la-990083.html